Lễ mừng thọ đặc biệt của cha mẹ tôi

Chia sẻ

Lễ mừng thọ đặc biệt của cha mẹ tôi - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Năm nay, gia đình tôi có một sự kiện trọng đại đó là làm lễ mừng thọ cho cha mẹ tôi tròn 90 tuổi. Những năm cha mẹ tròn 70, 80 tuổi, con cháu mỗi đứa một phương nên cha mẹ tôi không thể tổ chức. Nhưng năm nay, cha tôi nhất định bảo phải làm lễ mừng thọ. Cha tôi nửa đùa nửa thật nói với con cháu rằng đây là lễ mừng thọ duy nhất của ông bà. Vì chẳng biết hai người có cùng nắm tay nhau sống đến ngày 100 tuổi hay không.

Cha mẹ tôi cùng tuổi, lấy nhau thời khốn khó. Mẹ sinh hai bận được ba người con, hai con trai sinh đôi, con út là gái. Ông bà tảo tần nuôi con ăn học, những mong chúng tôi đỗ đạt. Cả ba anh em tôi chẳng phụ lòng cha mẹ, đứa nào cũng học giỏi. Hai anh trai sinh đôi, một người du học ở Anh, một anh du học ở Singapore. Sau đó, họ đều ở lại nước ngoài làm việc. Một, hai năm mới về nước thăm cha mẹ một lần. Tôi tốt nghiệp đại học xong, lấy chồng sống cùng thành phố với cha mẹ.

Ba anh em tôi có tổ ấm riêng, mải miết lo cho gia đình của mình. Việc chăm sóc, quan tâm cha mẹ hầu như chỉ bằng kinh tế. Hai anh tôi năm nào cũng chuyển khoản tiền về cho cha mẹ những mong làm tròn chữ hiếu. Tôi mang tiếng con gái lấy chồng sống gần nhưng thời gian qua lại với cha mẹ cũng chẳng được nhiều. Thi thoảng, vợ chồng con cái kéo nhau về ăn bữa cơm rồi lại “mất tích” cả tháng. Ngày Tết, hai anh chẳng về được vì bận công việc, con cái còn nhỏ. Gia đình tôi thì có truyền thống Tết đi du lịch nên chẳng mấy khi đón xuân cùng ông bà. Việc tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ vào dịp đầu xuân năm mới rất khó thực hiện. Thêm vào đó, cha mẹ chẳng có ý định tổ chức nên mấy anh em tôi cũng chẳng để ý nhiều.

Năm nay, cha mẹ nói sẽ tổ chức lễ mừng thọ vào ngày 6 tháng Giêng và yêu cầu con cháu bố trí sắp xếp công việc về đầy đủ. Lần đầu tiên tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ nên chúng tôi muốn làm “hoàng tráng”. Hai anh trai đưa ra ý kiến sẽ tổ chức ở nhà hàng sang trọng, đặt khoảng gần 50 bàn tiệc mời anh em họ hàng, bạn bè đến chúc mừng. Chúng tôi đã âm thầm lên kế hoạch, thuê dịch vụ tổ chức sự kiện. Ai cũng muốn cha mẹ có một lễ mừng thọ vừa làm mát lòng họ, vừa thể hiện “đẳng cấp” của con cái. Vậy nhưng, khi các con về đông đủ, cha mẹ lại bác bỏ kế hoạch mừng thọ ở nhà hàng, bảo chỉ tổ chức ấm cúng ở nhà. Dù chúng tôi thuyết phục thế nào, ông bà cũng không đồng ý.

Theo ý cha mẹ, lễ mừng thọ được gói gọn giản dị trong phạm vi gia đình. Vì không phải đón tiếp khách nhiều nên cha mẹ và con cháu có dịp ngồi lại bên nhau nhiều hơn. Cha mẹ ôn lại những tháng ngày cả hai đến với nhau, sinh con, nuôi các con trưởng thành. Đến hôm nay, ông bà coi như toại nguyện mọi điều trong cuộc sống. Khi mọi thủ tục chúc mừng của con cháu đã xong, cha tôi bảo mẹ tôi mang một chiếc hộp đỏ ra. Khi cha mở hộp ra, chúng tôi thấy có nhiều hộp nhẫn vàng nhỏ, sổ tiết kiệm được xếp rất cẩn thận. Cha tôi nói:

- Bao nhiêu năm nay, tiền bạc các con “báo hiếu” cho cha mẹ. Cha mẹ chi dùng một ít, còn lại bao nhiêu dồn lại. Cha tính có 6 đứa con (bao gồm trai, gái, dâu rể) và 6 đứa cháu (bao gồm nội, ngoại). Với 6 đứa con, cha mẹ làm sẵn 6 cuốn sổ tiết kiệm nhỏ, bảo đây là quà cha mẹ cho riêng từng người. Với 6 đứa cháu, cha mẹ cẩn thận tính cả quà “tương lai” cho cả cháu dâu và cháu rể. Ông bà tặng mỗi cháu một chiếc nhẫn hai chỉ vàng. Chiếc nhẫn này sẽ được trao đúng vào ngày cưới của các cháu. Nếu còn khỏe mạnh, ông bà sẽ cùng lên trao cho hai cháu trong lễ cưới, trường hợp ốm đau hay khuất núi thì sẽ ủy quyền lại cho con trai trưởng và dâu trưởng làm thay.

Trong 3 chiếc hộp nhung đỏ có hai chiếc nhẫn để sẵn. Nhìn lại, cha mẹ có bao nhiều tiền chia đều cho các con hết, chỉ bớt lại một khoản tiết kiệm nhỏ, phòng khi đau ốm. Riêng căn nhà đang ở, cha mẹ nói đã làm sẵn giấy tờ sau này để lại làm ngôi nhà chung cho con cái có dịp tìm về, dặn chúng tôi không bán. Tất cả con cháu bất ngờ và ngậm ngùi trước món quà của cha mẹ. Lâu nay, chúng tôi thể hiện lòng yêu thương với cha mẹ bằng tiền bạc. Ai cũng gửi cho cha mẹ nhiều tiền, để họ chi dùng thoải mái. Không ai nghĩ được rằng cha mẹ chẳng cần nhiều tiền vì nhu cầu tiêu dùng rất ít. Điều cha mẹ cần là tình cảm, sự gần gũi hàng ngày với con cháu, là mỗi dịp Tết đến xuân về được đoàn tụ sum vầy. Nhưng bao nhiêu năm nay, chúng tôi chỉ nghĩ cho hạnh phúc riêng, niềm vui riêng, chẳng ai nghĩ nhiều cho cha mẹ. Nhất là đối với gia đình hai anh trai tôi, sống ở nước ngoài, ảnh hưởng văn hóa phương Tây, có phần mai một nếp nhà truyền thống.

Trong lễ mừng thọ của cha mẹ, chúng tôi hỏi họ mong ước điều gì nhất. Họ nói đó là cầu mong con cháu khỏe mạnh sống hạnh phúc, và mỗi năm tìm về sum họp bên nhau một lần trong ngôi nhà cha mẹ để lại, ở đó có nếp nhà của cha mẹ luôn lưu giữ.

Hoàng Nhất

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.