Những chuyện tình vượt sóng

Chia sẻ

Một mùa xuân nữa đã về, với nhiều gia đình là sự vui vầy, đoàn tụ, nhưng với những người vợ có chồng là bộ đội đang canh giữ vùng đất, vùng biển, vùng trời Tổ quốc, với bao nhớ nhung, xa cách, vất vả, lo toan của cuộc sống - các chị để lại hậu phương

Những chuyện tình vượt sóng - ảnh 1

Hoãn đám cưới vì nhiệm vụ

Nếu không có gì thay đổi, dịp Tết Canh Tý này, Trung úy Bùi Trung Kiên (27 tuổi), Phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 sẽ về quê xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) làm đám cưới. Năm 2012, Kiên vào quân ngũ và đến năm 2018 được phân về làm Chỉ huy phó nhà giàn DK1/10. Trước khi ra nhà giàn làm nhiệm vụ, anh và chị Phạm Thị Kiều Loan đã tổ chức lễ ăn hỏi, dự định sau ngày anh về sẽ làm đám cưới. Họ cùng quê, yêu nhau đã hơn 4 năm.

Người sẽ ra nhà giàn nhận nhiệm vụ thay trung úy Kiên là đại úy Nguyễn Văn Thanh, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10. Anh Thanh theo tàu 263 ra nhà giàn để thay cho trung tá Trương Văn Thủy - chỉ huy trưởng nhà giàn trước đó nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong chuyến đi từ đất liền ra nhà giàn DK1/10 để nhận nhiệm vụ, bệnh sỏi thận của anh Thanh trở nặng, phải theo tàu 263 quay vào bờ chữa bệnh. Vì vậy trung úy Kiên vẫn phải trực chỉ huy nhà giàn dịp Tết.

Kế hoạch trực thay đổi khiến đám cưới của trung úy Kiên buộc phải hoãn, bởi lỡ chuyến tàu này sẽ rất lâu nữa mới có chuyến tàu khác ra khu vực nhà giàn DK1/10. “Khi biết anh Thanh bị bệnh phải về đất liền điều trị, tôi quyết định hoãn cưới ở lại trực thay cho đồng đội” - trung úy Kiên nói.

Khi anh thông báo về cho gia đình, người thân và vợ chưa cưới dù rất buồn vì hơn một nửa thiệp cưới đã được phát, bàn tiệc đã được đặt nhưng vẫn động viên anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Đám cưới sẽ được diễn ra sau khi cấp trên bố trí người ra nhà giàn trực chỉ huy thay tôi” - trung úy Kiên nói.

Chị Phạm Thị Kiều Loan (vợ sắp cưới của Kiên) nhớ rõ chuyến công tác này anh Kiên đi từ ngày 25/11/2018, đến nay đã xa nhà 14 tháng. “Thường mỗi năm anh Kiên về nhà một lần nên từ tháng 10/2019, em đếm từng ngày, mong cho thời gian qua mau để gặp anh. Bây giờ mọi việc cũng tạm ổn rồi, hai bên gia đình cũng thông cảm. Tụi em chịu mất hơn 12 triệu đồng tiền cọc đặt tiệc đám cưới... Thiệp mời đã phát rồi giờ thu được bao nhiêu thì thu, không thu được tìm cách nói cho mọi người hiểu” - chị Loan xúc động kể lại.

Cũng như bao người vợ có chồng làm nhiệm vụ ngoài hải đảo, biên giới xa xôi, vì Tổ quốc nên họ chấp nhận ở lại hậu phương động viên chồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chị Loan mới mở tiệm cắt tóc ở gần nhà bố mẹ chồng để chủ động chăm sóc, đỡ đần ông bà thay chồng, làm tròn nghĩa vụ người con dâu.

Câu chuyện “gian truân” khi lấy vợ của thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thế Hùng (quê Quảng Bình) cũng làm nhiều người cảm động. Chúng tôi gặp Hùng trong chuyến công tác ra nhà giàn DK1/10 đầu năm 2019, khi anh được điều động ra nhận nhiệm vụ ở nhà giàn này. Thiếu úy Hùng kể: Kế hoạch buổi chiều làm đám hỏi ở quê, thì buổi sáng anh nhận được lệnh điều động ra nhà giàn DK1/21 (cụm Ba Kè) làm nhiệm vụ. Vậy là đám cưới bị hoãn lại 10 tháng.

Việc cưới xin sau này của thiếu úy Hùng còn vất vả hơn. Lần đầu tính làm đám cưới thì vợ mang bầu sắp sinh. Lần thứ hai sắp xếp về nghỉ phép làm đám cưới, thì thật không may gần đến ngày cưới, bố vợ qua đời. Thế là sau 2 năm kể từ ngày đám hỏi, “chuyện đại sự” mới được toại nguyện khi đám cưới của vợ chồng anh vừa diễn ra vào ngày 10/1/2020, khi con trai tròn 1 năm 3 tháng tuổi.

Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, việc hoãn cưới không phải là điều hiếm gặp đối với cán bộ, chiến sĩ hải quân. “Không ai muốn chuyện đó xảy ra nhưng vì nhiệm vụ nên có lúc đành phải lùi lại chuyện riêng để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao. Có trường hợp đám cưới chỉ có mỗi cô dâu còn chú rể đang làm nhiệm vụ ngoài biển. Gian khổ, khó khăn và xa cách khiến người lính hải quân càng trân trọng những phút giây quây quần bên gia đình, người thân và bè bạn” - thiếu tá Tưởng chia sẻ.

Cô giáo kỷ niệm 20 năm ngày cưới ở đảo Trường Sa

Trong niềm vui và hân hoan của đồng đội ở đồn Biên phòng Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, thượng tá Hoàng Minh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa và vợ - cô giáo Hà Mai Thanh đã chụp lại bộ ảnh kỷ niệm 20 năm ngày cưới của mình.

Cô giáo Hà Mai Thanh hạnh phúc trong những ngày đến thăm Trường SaCô giáo Hà Mai Thanh hạnh phúc trong những ngày đến thăm Trường Sa (Ảnh: Hải Yến)

Sinh ra và lớn lên tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cô giáo Hà Mai Thanh lại có duyên làm dâu tại mảnh đất Khánh Hòa. Ngày ấy, anh và chị đều mới tốt nghiệp và được phân công tác tại Khánh Hòa. Quãng đường từ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tới khu tập thể trường CĐSP Trung ương - Nha Trang khoảng 5km, song anh đều lựa chọn phương án đi bộ mỗi lần đến thăm cô giáo. Những buổi tối chuyện trò, tâm sự đã đưa hai trái tim, hai tâm hồn lại gần nhau hơn.

Ngày anh nhận nhiệm vụ công tác ở Đồn Biên phòng Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chị Thanh viết trong bài phát biểu đại diện cho gia đình có quân nhân đi công tác tại Trường Sa: “Giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”, vậy nên được cống hiến, được phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Cứ mỗi tối, 3 mẹ con cơm nước xong xuôi là anh gọi điện về. Chỉ là những lời hỏi thăm, dặn dò rất bình dị của anh nhưng dường như mỏi mệt, nỗi niềm với chị lại tan biến rất nhanh. Hạnh phúc cứ thế nhân lên từng ngày.

Cuối tháng 5/2019, chị Thanh có cơ hội được theo con tàu TRƯỜNG SA 571 chở đoàn thân nhân đi thăm cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nhằm động viên các anh yên tâm công tác. Khoảnh khắc gặp lại chồng sau 10 tháng, khó diễn tả lắm! Thấy anh khỏe, nước da rám nắng chị rất mừng, khóe mắt long lanh. Anh dẫn chị đi từng nơi trên đảo, thăm hỏi anh em, đồng đội đang cùng công tác, giao lưu cùng nhân dân nơi đây. Đó là 10 ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chị. Chị bảo: “Sẽ không ở đâu thấy được cá và san hô đẹp như ở Trường Sa”. Ngày phải trở về, không khí chia tay thật lưu luyến và nhiều xúc động. Nhưng anh chị đều hòa chung một cảm xúc tự hào. “Chúng tôi luôn tin ở các anh, chúc các anh bộ đội luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ở quê nhà, chúng tôi sẽ luôn cố gắng công tác tốt, chăm sóc gia đình, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, luôn là tấm gương cho các con noi theo”.

Không kể ngày hay đêm, những cán bộ, chiến sĩ khoác lên mình màu áo xanh vẫn miệt mài làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bởi phía sau họ luôn có hậu phương vững chắc. Đó là những người mẹ, người vợ tảo tần, chung thủy, thầm lặng gánh vác việc gia đình, chờ các anh hoàn thành nhiệm vụ trở về.

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.