Đồng hành cùng con

Chia sẻ

Giữa tuần, bố gọi điện lên, nói: “Dịch Corona đang lây lan, con đừng đưa các cháu về nữa nhé. Ở trên đó, con thắp cho mẹ nén hương là được. Chắc mẹ cũng hiểu và thông cảm cho con cháu”.

Cuối tuần này là giỗ mẹ tôi. Bà qua đời đã được 10 năm. Từ ngày mẹ ra đi, ngôi nhà ở quê chỉ còn lại tôi và bố. 8 năm trước, tôi kết hôn, lập nghiệp trên thành phố. Thương bố còn lại một thân một mình, năm nào, tôi cũng đưa các con về quê thăm bố, nhưng cũng chỉ vào dịp giỗ mẹ và dịp hè, khi lũ trẻ được nghỉ học.

Năm nay, trước ngày giỗ mẹ cả tháng, bố đã gọi điện lên để bàn bạc mọi việc với tôi. Bố nói việc làm giỗ như mọi năm cứ để bố lo liệu, từ chợ búa, nấu nướng, tôi ở xa không phải lỉnh kỉnh mang gì về cho vất vả. Tôi cũng không cần vội vã, mấy mẹ con sát giờ trưa về tới nơi là được rồi. Bố tôi không câu nệ, chỉ cần được đón con cháu thôi vì lâu rồi bố chưa gặp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Các con tôi nghe sắp được về quê giỗ bà ngoại và thăm ông ngoại thì vui lắm. Chúng đếm từng ngày tới lúc được lên đường. Chồng tôi công tác ở xa nên không đi cùng chúng tôi được. Thế mà cuối cùng, chuyến đi lại phải hoãn vì dịch bệnh Corona. Tôi biết, bố nhớ con cháu lắm, nhưng, vì sức khỏe của người thân mà bố “hạ lệnh” như thế.

Cũng từ ngày truyền thông đưa tin, rồi Chính phủ công bố dịch Corona, bố tôi ngày nào cũng gọi điện lên hỏi thăm con cháu. Ông nhắc tôi đi làm phải đeo khẩu trang, mặc áo ấm. Với các cháu, ông nhắc nhớ phải ăn uống đầy đủ, nhớ uống nhiều nước cam để có vitamin C tăng đề kháng cho cơ thể. Tôi cười, đùa bố: “Chúng con ở trên này đọc ti vi, xem báo mạng còn nhiều hơn bố ở dưới quê. Thế nên, chúng con đã được trang bị rất nhiều kỹ năng để phòng dịch. Bố mới là người phải cẩn trọng”.

Nhưng bố tôi gạt đi: “Ở quê không khí trong lành, đất rộng, người thưa, dịch bệnh khó lây lan hơn. Bố nhắc các con không thừa đâu nhé. Chúng bay trên đó phải khỏe mạnh thì bố mới yên tâm được. Nhất là con đấy, lúc nào cũng chủ quan, sống đơn giản, suy nghĩ thì chưa thấu đáo”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Bình thường, bố tôi ít khi vào mạng, rồi cũng chẳng thích thú gì facebook. Thế mà từ ngày có thông tin về dịch bệnh, bố trở thành “sát thủ” mạng xã hội. Bố thường xuyên đọc tin tức, cập nhật, sàng lọc thông tin rồi lại thông báo cho con cháu. Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, là mẹ của hai cậu con trai. Nhưng, trong mắt bố, tôi vẫn còn là đứa trẻ luôn cần bố phải nhắc nhở.

Bố tôi có câu nói thường trực: “Bố sẽ luôn đồng hành cùng con”. Tôi còn nhớ hồi học hết lớp 9, phải thi lên lớp 10, tôi rất sợ bị trượt. Ở dưới quê, nhiều bạn của tôi còn chẳng học lên cao mà chỉ ở nhà làm nông rồi vài năm sau thì đi lấy chồng. Nhưng, bố lại động viên tôi cố gắng học lên cao. Tôi là đứa trẻ duy nhất ở trong làng ngày đó được bố đèo xuống thị xã để học thêm tuần 2 buổi. Mà ngày đó làm gì có xe máy đâu, bố đạp xe lọc cọc đưa tôi đi học gần chục km. Sau đó, bố lại ngồi ngoài đường chờ tôi học xong để đèo về. Tôi sợ bố mệt thì bố bảo được đồng hành với tôi là niềm vui của bố. Cũng vì được bố quan tâm như thế mà tôi bị áp lực. Biết chuyện, chính bố lại là người giải tỏa cho tôi. Bố bảo tôi thi đỗ thì tốt, không thì cũng chẳng sao. Bố chỉ cần tôi cố gắng hết sức để sau này không hối tiếc là được. Trong trường hợp xấu nhất, nếu trượt lớp 10 thì bố sẽ xin cho tôi đi học nghề. Sau đó, bố lại cùng tôi tìm một hướng đi khác để vào đời. “Dù con có đi con đường nào, thuận lợi hay gập ghềnh thì cũng có bố bên cạnh”- bố tôi nói. Nhờ lời động viên ấy mà tôi thấy mình có thêm sức mạnh, không còn sợ hãi lo lắng nữa. Tôi đã thi đỗ lớp 10, còn đủ điểm để được vào lớp chọn.

Cứ như thế, bố đã luôn giữ lời hứa đồng hành cùng tôi, từ khi tôi là một cô nữ sinh tới khi trưởng thành. Ngày bố đưa tôi về nhà chồng, trước khi chia tay, bố khẽ quệt nước mắt rồi thì thầm: “Hãy nhớ bố luôn đồng hành cùng con, dù bất cứ chuyện gì xảy ra”. Tôi đi lấy chồng nhưng gian phòng của tôi ở quê bố vẫn giữ nguyên, từ cách sắp xếp đồ đạc, trên bàn học tôi đặt những quyển sách gì vẫn y nguyên. Bố chỉ lau chùi cho chúng luôn được sạch sẽ mà thôi. Bất cứ lúc nào tôi về quê là đều có phòng để ở như thời còn là con gái ở bên bố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Rồi rất nhiều lần, vợ chồng tôi lục đục đều có bố đứng ra khuyên giải. Bố đồng hành với tôi, nhưng không có nghĩa là luôn bệnh vực tôi. Khi tôi sai, bố vẫn nhắc nhở, phê bình khiêm khắc.

Tôi biết lần này, bố sẽ buồn vì ngày giỗ của mẹ chỉ có mình bố. Nhưng, bố luôn chấp nhận hy sinh để dành những điều tốt đẹp nhất cho con cháu, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Học tập bố, tôi cũng đã luôn nói với các con của mình: “Bố mẹ sẽ luôn đồng hành cùng các con, ngay cả khi sau này các con đã khôn lớn”.

Vợ chồng tôi đi làm tương đối vất vả, kiếm được đồng tiền cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Chồng tôi còn phải xung phong đi làm ở xa, một năm chỉ về thăm nhà được vài bận để có đồng lương cao hơn. Nhưng, với các con, chúng tôi luôn cố gắng dành cho chúng những gì tốt nhất. Tôi luôn động viên các con học tập tốt để sau này có tương lai, giống như bố tôi ngày xưa động viên tôi. Biết các con thiệt thòi vì không có bố bên cạnh, tôi đã đóng vai cả người bố của các con. Vào ngày Chủ nhật, tôi dành trọn thời gian cho con, không nhận việc về làm dù được trả thêm tiền. Tối nào các con đi ngủ, tôi cũng ngồi đọc truyện cho các con, rồi hỏi xem suy nghĩ, tâm sự của chúng. Tôi muốn bất cứ lúc nào các con buồn, vui, tôi cũng đều biết và đồng hành với chúng kịp thời. Và quan trọng hơn cả, các con tôi sẽ cảm nhận được mái ấm gia đình, được tình yêu và sự hiện diện của bố mẹ.

Tôi, chưa bao giờ thấy cô đơn, khủng hoảng vì biết bố luôn ở bên cạnh mình dù có thể một năm, vì hoàn cảnh, tôi chỉ được gặp bố đôi lần. Tôi cũng rất ấm lòng khi được nhận sự chăm sóc, những lời hỏi thăm của bố, những túi quà quê thi thoảng bố nhờ người quen mang lên thành phố cho tôi. Cả cách bố tỉ mỉ lo cho tôi như thể tôi vẫn còn nhỏ dại lắm.

Tôi nghĩ, có lẽ các con tôi cũng sẽ vậy. Đôi chân chúng sẽ luôn vững chãi, khi chúng biết rằng, trên con đường chúng đi, có bố mẹ, ông ngoại bên cạnh, yêu thương và che chở cho chúng vô điều kiện.

Nguyễn Thị Hương

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.