Giêng

Chia sẻ

Lễ hội đầu năm nói chung và hội làng nói riêng là nét văn hoá đặc sắc thể hiện tâm hồn, tính cách, khát vọng của con người nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Ra Giêng này em có về quê không
Hội làng năm nay vẫn có người lẻ bóng
Quan họ sân đình lại ra trông vào ngóng
Để tàn chiều, khúc giã bạn chơi vơi


Ra Giêng này… chỉ muốn hỏi vậy thôi
Rồi cũng quen một mình trong mưa bụi
Cánh đu bay vào khoảng xanh vời vợi
Trai gái làng chẳng ghép cũng thành đôi


Lộc trên cành nõn biếc mùa sinh sôi
Hoa long lanh vài giọt mưa trên cánh
Xuân tràn đầy mà sao lòng trống vắng
Qua cổng nhà, ai đó dáng người xưa


Chẳng buồn đâu, chỉ là chút vu vơ
Gái có thì, em chòng chành theo sóng
Mấy năm rồi, hội làng dần thưa bóng
Sắp Giêng rồi, mưa thấm lạnh bờ vai

                                            Lê Hoàng

LỜI BÌNH

Hội Lim, lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh là sự kết tinh độc đáo của văn hóa Kinh Bắc. Đây là dịp nhiều bạn trẻ tìm được ý trung nhân để khi xa gửi thương, gửi nhớ. Bài thơ "Giêng" của tác giả Lê Hoàng - đăng trên phụ san của báo Phụ nữ Thủ đô - là một sáng tác như thế. Thi phẩm là lời thăm, là nỗi nhớ và hồi ức đẹp đẽ về hội làng và bạn tình thời tuổi trẻ với người bạn gái dự hội năm xưa.

Bài gồm bốn khổ với mười sáu câu thể tự do, đan xen câu tám và chín chữ. Khổ đầu là tiếng lòng tha thiết, mời và mong "em" nhớ về quê, về hội làng nơi "vẫn có người lẻ bóng": "Ra Giêng này em có về quê không/ Hội làng năm nay vẫn có người lẻ bóng/ Quan họ sân đình lại ra trông vào ngóng/ Để tàn chiều, khúc giã bạn chơi vơi".

"Ra Giêng này" là nói đến thời điểm khai Hội Lim, lễ hội lớn thu hút rất nhiều người dân trong vùng và khách thập phương tham gia. Chủ thể trữ tình thăm hỏi "người năm ấy" nhưng cũng là gửi niềm mong ước "em" "về quê", hội làng sắp mở. Hội Lim tổ chức vào 13 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Đây là nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc, gồm hai phần chính. Phần "Lễ" mang đậm yếu tố nghi thức và tâm linh: dâng lễ, cúng tế, rước kiệu mong tri ân các bậc Thành hoàng của 6 làng dọc sông Tiêu Tương. Phần "Hội" có nội dung phong phú, với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đấu vật, đấu cờ, đánh đu... Ấn tượng nhất hội là lối trang phục nền nã và điệu hát quan họ ngọt ngào diễn ra nơi sân đình, cửa chùa hay ven sông trên bến dưới thuyền.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đây là sự hội tụ giao thoa tuyệt vời của thơ, ca, nhạc, họa và tâm tình của người hát với hàng trăm làn điệu. Kết thúc bao giờ cũng là "khúc giã bạn chơi vơi" lưu luyến. Nhiều liền anh, liền chị hay du khách say mê, "phải lòng", thương nhớ nhau khó cưỡng lại. Nghệ thuật dùng tiểu đối trong vế câu thơ "ra trông vào ngóng, phép đảo từ "tàn chiều" khắc sâu thêm niềm mong đợi em ở chủ thể trữ tình. Những câu sau vẫn tiếp nối mạch cảm xúc luyến nhớ, hoài niệm: "Ra Giêng này…chỉ muốn hỏi vậy thôi/ Rồi cũng quen một mình trong mưa bụi". Điệp ngữ "Ra Giêng này" như nhắc nhớ em hội đang rất gần, chùng chình sẽ không kịp. Hình ảnh "quen một mình trong mưa bụi" khiến ai đó càng nao lòng thương cảm.

Ấn tượng nhất trong bài là những hình ảnh thăng hoa, sống động: "Cánh đu bay vào khoảng xanh vời vợi / Trai gái làng chẳng ghép cũng thành đôi". Ý thơ gợi tả trò chơi đu dân gian, các nam thanh nữ tú cùng lên nhún vít nhịp nhàng cho đu bay bổng lên cao giữa không gian "xanh vời vợi". Người đọc cảm nhận được ước ao thầm kín được "thành đôi" của người viết trong đó. Khổ thứ ba của bài là sự đối lập gữa bức tranh thiên nhiên "Xuân tràn đầy" sức sống: "Lộc trên cành nõn biếc mùa sinh sôi/ Hoa long lanh vài giọt mưa trên cánh" và nỗi "lòng trống vắng" của tác giả. Điều đó dù chủ thể nén lại nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ: "Qua cổng nhà, ai đó dáng người xưa".

Cảnh cũ, nhưng vắng "người xưa" thì đâu còn vui nữa, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du). Đoạn cuối, tác giả như chợt tỉnh táo, khép lại tâm sự riêng và lòng tự nhủ lòng: "Chẳng buồn đâu, chỉ là chút vu vơ / Gái có thì, em chòng chành theo sóng". Tác giả hiểu ra quy luật của đời ngươi, nhất là phận nữ nhi, thời xuân sắc có hạn. Cách dùng từ và hình ảnh ẩn dụ "em chòng chành theo sóng" thật giàu gợi cảm. Trái tim em rung loạn nhịp cùng ai, em theo ai, trao gửi cuộc đời mình cho ai là quyền của em, anh sao theo ý mình được?

Khép lại thi phẩm là những cảm xúc buồn tiếc, niềm vui xưa chỉ còn "vang bóng": "Mấy năm rồi, hội làng dần thưa bóng/ Sắp Giêng rồi, mưa thấm lạnh bờ vai". Lối dùng đảo ngữ "mưa thấm lạnh bờ vai" ở đây cùng với cách dùng phong phú các từ láy (chơi vơi, vời vợi, sinh sôi, long lanh, vu vơ) khiến cho bài thơ như một khúc nhạc buồn dìu dịu, cuốn hút lòng người.

Tiếng lòng của tác giả nói giúp tâm sự của nhiều chàng trai. Bài thơ giúp ta hiểu thêm giá trị của lễ hội và sức sống lâu bền, ảnh hưởng lớn của hát quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với đời sống con người hôm nay.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.