Chuông chùa viễn xứ

Chia sẻ

Ôi, làng mình! Tôi thốt lên khi nhận ra ngôi Chùa Cỏ thấp thoáng giữa vườn nhãn sum suê bên dòng sông Thi, dù đã bốn mươi năm xa cách.

Truyện ngắn của HOÀNG THẾ SINH

 Trong sâu thẳm hồn tôi, ngôi Chùa Cỏ lưu giữ cả một kho huyền sử, lưu giữ tất thảy phần hồn bao đời người dân làng Bích Tràng. Nhưng với tôi, ngôi Chùa Cỏ không chỉ giữ phần hồn, mà còn giữ cho tôi có cả phần xác trên đời.


Chuyện xa lắm rồi, tôi không bao giờ quên. Ngày ấy quê tôi nghèo đói xơ xác. Nhà tôi bảy miệng ăn mà chỉ có mấy sào ruộng với một con đò ngang chở khách qua sông Thi, lại bấn nỗi ma chay cho bố tôi vừa mất nên cả nhà đã phải nhiều ngày tháng ăn cháo rau má, củ chuối, ăn thính và cháo cám. Tôi không biết người lớn lo lắng, buồn khổ đến thế nào, tôi chỉ thấy đói, lúc nào cũng thèm cơm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Một chiều, mẹ tôi sai đi móc cua để thêm vào cùng mấy mớ rau khoai lang đem ra chợ Cầu bán. Thế là tôi đem giỏ ra đồng, móc cua suốt từ đồng Thuỷ Cơ lên tận đồng Nghè. Đến gần chiều tối thì tôi hoa mắt, rủn chân tay vì lúc trưa tôi chỉ được lưng bát cháo cám. Bởi thế, nên tôi bị cua cắp mà không còn đủ sức rút cánh tay ra khỏi hang cua, cứ thế lả ra bờ ruộng. Mãi tối mịt, mẹ tôi cùng các anh chị và hàng xóm mới tìm thấy, đưa tôi về nhà, mẹ vừa khóc vừa đổ cháo cho đến khi tôi tỉnh lại. Bữa tối, cả nhà nhường cho tôi hẳn một bát cháo cám đầy với hai củ khoai lang luộc, ăn hết mà đêm cồn cào đói, tôi vẫn không thể ngủ. Tôi ôm cái gối rơm, trằn trọc lật bên này lật bên kia. Bỗng tiếng chuông Chùa boong - boong - boong... dội vào cơn đói, như réo gọi, dụ dỗ tôi. Chẳng thể cầm lòng, tôi nhỏm dậy, nhón chân, mở liếp cửa, lò dò chui rào lần sang Chùa Cỏ. Tiếng chuông Chùa như phép thần dẫn dụ tôi đi, không hề lạc bước.

Đến cạnh Tam quan phía có cây duối cổ mà bụng cây ôm giữ một con Chó Đá rất thiêng, làm nhiệm vụ canh giữ Chùa Cỏ, tôi kiễng chân lên, đưa cả hai tay bưng gọn đĩa xôi với mấy quả chuối đặt trên chãng cây. Vừa quay ra thì gặp ngay vãi Cẩm đang lòm khòm đi từ Tam quan ra. Tôi thoắt rẽ ngang, vội vàng ấn cả xôi với mấy quả chuối xuống cái lỗ sâu huắm trên lưng con Rùa Đá, vơ nhanh nắm lá nhãn phủ lên trên. Lại gần tôi, vãi Cẩm cố dựng cái lưng còng lên, bảo: "Lại thằng Sa Thi phỏng?". Đáng lẽ vâng thì tôi lại hỏi: "Vãi chưa đi ngủ à?". Vãi Cẩm lừ khừ trong miệng: "Ngủ sớm để cậu với cậu Khoa lại bẻ trộm nhãn của nhà Chùa hẳn?". Nói rồi vãi Cẩm lại lòm khòm dò bước đi lên nhà trên. Thế là thoát! Như một con mèo hoang, tôi bay biến ra tận bờ Sông Thi, chui vào gốc bụi tre hóp, ăn ngấu nghiến đĩa xôi với mấy quả chuối chỉ trong một loáng.

Sớm hôm sau, tôi nhảy chân sáo đến trường, làm ngon ơ những bài thi cuối cấp Một. Cô giáo Nghìn vốn rất nghiêm khắc, chỉ nhìn qua bài làm của tôi, cô gật đầu mỉm cười vẻ rất hài lòng. Buổi trưa về ngang qua cổng Chùa, nghe ầm ầm tiếng quát tháo và tiếng khóc thét, tôi liền ngó qua hàng dậu tre hóp. Tôi giật nảy người vì thấy cái Thuộc cứ mỗi lần quát "ăn vụng này" lại một lần vung roi quất đánh vút vào mông đít thằng Vũ. Bị quất đau, thăng Vũ khóc gào, oằn người như con sâu bị kiến đốt, cái mông đít lằn đỏ những vết roi. Không thể chịu được, tôi định chạy vào can thì thấy Sư Thầy đi ra giằng chiếc roi trong tay cái Thuộc. Sư Thầy bảo: "Nó đã trót ăn rồi thì thôi. Của Chùa, Đức Phật xá tội. Đừng đánh em đau, phải tội!". Thằng Vũ sụt sùi: "Đổ điêu! Cháu không ăn!". Khổ quá! Thằng Vũ bị chị Thuộc nó nghi là đã ăn mất đĩa xôi với mấy quả chuối, nhưng xôi chuối thường bữa thì chẳng sao, đằng này lại là xôi chuối mà Sư Thầy dành phần cho người ăn mày lạ. Kẻ ăn mày cửa Phật này rất lạ vì chưa bao giờ cho ai nhìn rõ mặt, cứ gần nửa đêm đến quét sạch sân, ngõ chùa, gom lá ra bờ Sông Thi đốt, rồi gói xôi chuối, đi biến đâu mất cho tận nửa đêm hôm sau mới trở lại quét Chùa. Người ăn mày như có ý không muốn ăn không của Chùa. Thế mà tôi đã ăn không của Chùa để đến nỗi thằng Vũ chịu oan tiếng xấu là ăn vụng, phải đòn đau đớn. Tôi đã ăn hớt phần của người ăn mày, đến nỗi cả ngày người ăn mày kia phải nhịn đói nằm co ở một xó xỉnh nào rồi! Tôi sợ hãi, vội cúi đầu thấp dưới hàng dậu tre hóp, lẳng lặng chuồn về nhà. Chẳng ngờ đấy là kỉ niệm cuối cùng - kỉ niệm buồn một thời thơ ấu của tôi ở quê nội Bích Tràng. Bởi vì ngay sau kỉ niệm buồn ấy, chị em cái Thuộc là cháu của Sư Thầy, về quê Sơn Tây, còn mẹ tôi gồng gánh, dắt díu mấy anh em chúng tôi đi khai hoang, ngược dòng Sông Hồng lên tận chân núi Con Voi, xây dựng một cuộc sống mới. Nhờ điểm thi hết cấp Một khá, tôi được tiếp tục học đến hết cấp Ba, học trong nghèo khó và bom đạn, rồi cùng cả thế hệ trẻ lên đường ra trận đánh Mỹ. Bao người bạn của tôi đã ngã xuống, mãi mãi ở tuổi mười tám đôi mươi. Tôi may mắn trở về trong hoà bình, được vào trường đại học Sư phạm. Các thầy cô dạy cho tôi nhiều điều quí giá qua môn Văn học. Môn Hán Nôm, thầy Mai Hải dạy, có những điều khiến tôi bấy giờ mới nhận ra cái vô giá của con người. Đấy là cái tâm, "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" trong thơ Nguyễn Du ấy! Đến giờ tôi vẫn khắc cốt ghi xương lời thầy Mai Hải, dịch qua chữ Hán Nôm đại ý rằng: Nhân là lòng người. Nghĩa là con đường người ta đi vậy. Con gà con chó xổng mất mà chủ nó còn biết đường tìm về. Để cái Tâm xổng mất mà không biết đường tìm về thì có học cũng như vô học vậy thôi!

Rồi thầy bảo, con người biết xấu hổ, biết sám hối, có lòng thương người, biết hi sinh vì nghĩa cả, ấy là người có Tâm lớn.

Chẳng hiểu sao sau bài học của thầy, bỗng đêm đêm tôi lại nghe vẳng tiếng chuông Chùa, cứ như là tôi đang ngủ bên Chùa Cỏ ở quê nội Bích Tràng vậy.

Và tôi chợt nhớ lại câu chuyện xửa xưa, người con gái nghèo tên Thảo ở làng Bích Tràng có cái Tâm lớn, đã trở thành Nữ tướng Hương Thảo trong lực lượng nghĩa quân của Bà tướng Thánh Thiên do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Nữ tướng Hương Thảo cùng với già Bạch, em Nhật, rất nhiều nữ binh nữa đã đốt trại cỏ Bích Tràng thành biển lửa tự thiêu cùng với năm trăm binh mã của tướng Mã Hắc Trì trong đội quân Mã Viện. Sau này Chùa Cỏ được dân trong vùng dựng lên tại nền trại cỏ làng Bích Tràng để tưởng nhớ, ghi công Nữ tướng Hương Thảo, già Bạch, em Nhật cùng các nữ binh trong cuộc chống giặc Mã Viện, bảo vệ đất nước. Chuyện này, Sư Thầy từng kể rất chi tiết cho lũ trẻ chúng tôi nghe bao lần, và lần nào cũng khen những người đã chết cho đất nước là những người thiện tâm vô cùng.

Thời gian trôi đi, cuộc đời đưa đẩy tôi trở thành một công chức nghèo. Tôi chẳng thể làm những việc to tát cho đời. Song có một việc nhỏ không phải ai cũng làm được như tôi. Đó là việc tôi hay cho những người ăn mày tiền và gạo. Tôi làm điều này thật tự nhiên bởi lòng thương người chứ không hề ra vẻ ta đây. Và tôi dám chắc, không một người ăn mày nào vào xin nhà tôi mà ra không. Biết chuyện này, không ít người dè bỉu, cho là tôi sĩ diện, đã không có tiền lại còn vung tay. Có lần vợ tôi cằn nhằn: "Ai cũng cho, khối người giàu mà vẫn đi xin đấy!". Tôi hỏi: "Thế cô có biết ăn mày là ai không?". Vợ tôi bĩu môi: "Ăn mày là người ăn mày chứ ai mà phải ra vẻ chữ với nghĩa!". Tôi bảo: "Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày. Người xưa nói thế đấy. Cô có cái tâm đâu mà hiểu được!". Vợ tôi nguýt dài. Tôi biết mình hơi quá lời. Vợ tôi không bao giờ biết được xưa kia tôi đã từng khốn quẫn hơn cả người ăn mày khi tôi ăn hớt phần xôi chuối mà Sư Thầy dành cho người ăn mày...

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Vâng, chuyện này cũng xưa cũ rồi. Còn chuyện tôi đang đi vào ngõ Chùa Cỏ đây, có lẽ chẳng bao giờ là xưa cũ. Trong chiều lặng, tiếng chuông Chùa boong - boong - bong như ngân lên từ sâu thẳm lòng đất Mẹ. Dưới chân tôi vẫn đất bãi sa bồi mịn mát cả ngàn năm, vẫn đồng quê mùa tiếp mùa mướt xanh ngô lúa. Ngoài kia là dòng sông Thi - dải lụa xanh mềm mại uốn quanh xóm làng, dòng sông mà cha tôi lấy làm tên tôi - Sa Thi, có nghĩa tôi là hạt cát Sông Thi, để rốt cuộc tôi lại trở về với Sông Thi muôn thuở. Còn đây, những cây nhãn già, cây cành xù xì thời gian mưa nắng, nhưng lá vẫn xanh rịm, nơi chót cành lá đang trổ ra những búp non nâu đỏ - dấu hiệu thai nghén những chùm hoa Xuân sum suê. Tôi bước thật nhẹ, trái tim thì cứ đập rộn lên, bồi hồi không thể tả. Bởi tôi đã được sinh ra ở bên Chùa Cỏ này mà. Bởi tôi đã có một thời ấu thơ vui tươi và nghèo đói ở bên Chùa Cỏ này mà. Bởi tôi đã từng được Đức Phật bao dung, phù hộ độ trì, ơn như trời biển. Tôi lặng lẽ vào Chùa, đốt nắm cỏ khô, thắp nén hương thơm, cúi lạy dưới chân Nữ tướng Hương Thảo, cúi lạy già Bạch và em Nhật- những người nông dân chân đất nghèo khổ nhưng anh hùng bất khuất của làng quê Bích Tràng, những người từ ngàn xưa đã góp công sức máu xương ghi dấu son vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Vừa trở ra sân Chùa, tôi thấy Sư Thầy vẫn chiếc áo cà sa nâu thẫm, tay cầm gậy trúc, đang chậm rãi đi từ trong vườn chuối ra. Tôi chạy lại đón Sư Thầy, cúi đầu chào:

- Bạch Sư Thầy! Con về thăm quê, thăm Sư Thầy ạ!

- Vâng! - Sư Thầy dừng bước, nhìn tôi từ đầu tới chân một lúc lâu, đôi mắt mờ đục chợt sáng lên. Như bắt gặp điều gì mãi trong kí ức, giọng Sư Thầy hào hển - A, cậu Sa Thi hả? Khác xưa nhiều lắm, nhìn kĩ cái mắt cái mũi mới nhận ra. Nào, cậu giận dỗi gì quê nghèo mà cả ngần đấy năm bây giờ mới về?

Nói rồi, Sư Thầy chỉ tôi ngồi xuống gốc cây nhãn cổ thụ ngay sân Chùa. Sư Thầy ngồi im lặng rất lâu, muốn tìm lại tất cả kí ức về cái cậu bé hàng xóm đã xa xứ suốt mấy chục năm rồi. Sư Thầy vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nhìn mãi lên vòm cây nhãn, chiếc gậy trúc khẽ gõ gõ xuống đất. Tôi chăm chắm nhìn gương mặt hiền như Bụt của Sư Thầy như nhìn một báu vật thời gian, một báu vật của Đức Phật ban tặng cho trần gian, để làm vơi bớt bể trầm luân kiếp người.

Phải lâu lắm tôi mới dám thưa chuyện:

- Sư Thầy còn nhớ chuyện hồi xưa cậu Vũ bị đòn vì đĩa xôi với chuối dành cho người ăn mày chứ ạ?

- Thôi mà! - Sư Thầy ngập ngừng như thể vừa phải lần lại kí ức vừa lựa lời, giọng nhỏ nhẹ - Chuyện xưa rồi, cậu nhắc lại làm gì. Đức Phật sẽ xá tội cho lũ trẻ mà.

- Đức Phật sẽ xá tội? - Tôi lẩm nhẩm.

- Phải! - Sư Thầy ngoảnh nhìn ra phía ngoài Tam quan, vẫn giọng nhỏ nhẹ - Ngay hôm Vũ bị đòn, tôi đã nhìn thấy cậu quì cả đêm dưới gốc cây duối kia. Và mấy chục năm nơi viễn xứ, cậu vẫn còn nghe tiếng chuông Chùa Cỏ. Có phải thế không, cậu Sa Thi?...

Càng nghe Sư Thầy nói, tôi càng thấy sợ hãi! Mấy chục năm qua tôi cứ tưởng... Hoá ra, Sư Thầy biết cả. Sư Thầy giọng nhỏ nhẹ, mỗi lời như mở ra một chân trời sáng trong của Đức Phật. Vâng, đúng như lời Sư Thầy răn dạy - tôi nhắm mắt, lòng hướng về cõi Phật, thì thầm - con biết xấu hổ và đã sám hối. Dù nơi viễn xứ, con vẫn thường nghe tiếng chuông Chùa Cỏ rung ngân trong trái tim mình. Bởi thế, con đã không bị biến thành quỉ dữ giữa cuộc đời này. Con sẽ mãi mãi là con của Đức Phật, là con người bình thường, thiện tâm.

Chùa Cỏ - Bích Tràng 2019

H.T.S

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.