Khủng hoảng tuổi lên 3

Chia sẻ

Lên 3 tuổi vì sao con lại trở nên bướng bỉnh bất thường? Lên 3 tuổi, vì sao con bạn bướng? Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng của giai đoạn tuổi này? Và các bậc phụ huynh cần làm gì để khắc phục tình trạng bướng bỉnh của con mình?

Đây là băn khoăn, thắc mắc của hầu hết các bậc phụ huynh khi con họ bước vào tuổi thứ ba. Nhiều người phàn nàn rằng giờ trẻ bướng bỉnh lắm, ích kỷ lắm, lì lợm lắm,  không còn ngoan ngoãn, dễ bảo như trước nữa. Các nhà nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, sở dĩ trẻ đột nhiên ương bướng như vậy là do “khủng hoảng của tuổi lên 3”. 

 trẻ lên 3 trở  nên trẻ lên 3 trở nên "bất trị" (Ảnh: minh họa)

Có con lên ba tuổi, chị Hạnh cùng phòng tôi đến cơ quan dở khóc dở cười kể: Thằng bé con nhà chị bây giờ bướng quá, chả hiểu sao nó lại trở nên ngang bướng, không tài nào bảo được. Buổi sáng ngủ dậy, bảo con xuống nhà tắm mẹ đánh răng rửa mặt cho rồi còn đi lớp, thằng bé nhất định không chịu. Nó kê ghế rồi trèo lên tự vào lấy bàn chải và thuốc đánh răng, mình chỉ sợ con ngã nên quát nó. Thằng bé chẳng nói chẳng rằng nó ra đivăng ngồi và nhất định không chịu đi đánh răng nữa!

 Có con gái vốn luôn được khen là ngoan ngoãn, đáng yêu, nhưng giờ chị Hải cũng nhiều lần phải bực bội cáu bẳn vì con không chịu nghe lời. Cứ thích làm bằng được những gì nó muốn, nếu bị bố mẹ cấm không cho làm là nó lăn đùng ra khóc ăn vạ đến khi nào được chiều thì thôi. “Khổ nhất là ông bà nội, ở nhà vốn chiều cháu nên nó càng được thể hư, cứ đòi cái gì là đòi bằng được, mà toàn làm những việc oái oăm chứ, nhỡ may ra làm sao thì khổ” - chị Hải nói.

 Các chuyên gia tâm lý lý giải rằng, bản chất của sự bướng bỉnh, chống đối như trên là do trẻ đang bị khủng hoảng tâm lý. Giai đoạn 3 tuổi, ở trẻ phát triển khá mạnh tính độc lập. Lúc này trẻ đã có khả năng tự ý thức về bản thân: mình là người thế nào, mình có đặc điểm phẩm chất bên ngoài như thế nào? Ở trẻ xuất hiện nhu cầu khẳng định bản thân, nghĩ rằng mình cũng có thể làm được những việc như người lớn và luôn đòi hỏi được thoả mãn.  Tính độc lập phát triển ở trình độ cao thì trẻ em muốn tự mình làm những việc như người lớn. Trong khi khả năng của trẻ chưa cho phép nên bị người lớn ngăn cấm. Càng bị ngăn cấm, trẻ càng cảm thấy bức xúc, căng thẳng, khó chịu. Mâu thuẫn kịch điểm giữa khả năng thực sự của  trẻ lúc này và mong muốn làm mọi việc như người lớn khiến trẻ bực bội, khó chịu, đấy chính là trạng thái khủng hoảng tâm lý và nó tìm sự giải thoát trạng thái tâm lý đó bằng cách chống chống đối, cãi lại hoặc làm ngược lại lời người lớn bảo. Như vậy, sự bướng bỉnh chính là hành vi giúp trẻ em  thoát khỏi trạng thái không bình thường của mình.

 Sự bướng bỉnh của con luôn làm mẹ đau đầuSự bướng bỉnh của con luôn làm mẹ đau đầu (Ảnh: minh họa)

Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, tính độc lập là nét nhân cách rất cần thiết của con người, xuất hiện từ khi trẻ em, giúp trẻ chủ động trong hoạt động cá nhân và không phụ thuộc vào người khác. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên lo lắng quá về tình trạng bướng bỉnh của con mình. Hãy cùng con dàn xếp mọi việc. Có thể sai con làm những việc vặt vừa sức của trẻ, tạo điều kiện cho con được tham gia các công việc vừa với sức của mình, ví dụ sai con nhặt đồ chơi vào thùng, xếp lại bộ xếp hình đang bị vứt vung vãi trên sàn nhà, lấy tăm cho ông bà bố mẹ, bưng đĩa kẹo mời ông bà ăn.... Và các bậc phụ huynh không nên quên khen ngợi, khuyến khích mỗi khi trẻ làm được một việc nào đó hoàn chỉnh, như vậy trẻ sẽ rất thích thú và phấn khởi, tự tin để tiếp tục các công việc mà không chống đối hay cãi lại nữa.

 Bên cạnh tính bướng bỉnh, ở trẻ giai đoạn này thường xuất hiện tính ích kỷ. Trẻ trở nên tham ăn tham uống, không muốn chia sẻ đồ chơi hay bất kỳ thứ gì của mình cho ai. Nếu ai đó lấy đồ chơi của trẻ, trẻ sẽ lăn đùng ra khóc hoặc đòi bằng được dù có được thuyết phục như thế nào đi chăng nữa. Thậm chí, nếu thích cái gì, trẻ sẽ đòi cho bằng được, dù đôi khi đòi xong trẻ sẽ vứt đấy mà không chơi đến nó. Sở dĩ có tính ích kỷ lúc này là do trẻ đã ý thức được mình là một cá nhân độc lập, được mọi người chiều chuộng từ trước nên trẻ biết nếu cứ đòi là được và lấy khóc làm vũ khí.

Khủng hoảng tuổi lên 3 - ảnh 3 (Ảnh: minh họa)

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, các bậc phụ huynh không nên chiều con mình quá mức, hãy giới hạn những đòi hỏi của trẻ, không phải đòi hỏi nào của trẻ cũng được đáp ứng ngay. Người lớn đôi khi hãy lờ đi những yêu sách của trẻ, đặc biệt là đối với những việc làm vượt quá khả năng của trẻ. Hãy giải thích cho trẻ hiều việc này con chưa thể làm được, hoặc con nên nhường em hay cho bạn chơi cùng đồ chơi, thế mới là bé ngoan…

 Trẻ thời điểm này rất thích được khen. Chính vì vậy các bậc phụ huynh hãy biết tận dụng lời khen và sử dụng đúng lúc mỗi khi trẻ có thái độ tốt hoặc hành vi tốt, giải thích cho trẻ hiểu giá trị của những việc làm có ích của trẻ, trẻ sẽ rất vui và tích cực. Ví dụ, trẻ đang chơi đồ chơi nhưng có bạn đến muốn chơi cùng, ban đầu trẻ không muốn cho bạn tham gia nhưng nếu người lớn tác động: Con cho bạn chơi cùng với, con vốn là cô bạn rất thảo mà…. Trẻ sẽ đồng ý cho bạn chơi. Và sau đó, người lớn hãy đánh giá việc làm của con: Con cho bạn chơi cùng thế mới là con ngoan của mẹ chứ, con sang nhà bạn chơi bạn cho con cùng chơi đồ hang mà, vậy bạn sang nhà mình mình cũng phải cho bạn chơi cùng chứ, có thế mới là bạn tốt chứ….

 Khủng hoảng tuổi lên 3 là mốc đánh dấu sự phát triển của trẻ em từ nhà trẻ sang mẫu giáo. Thời gian khủng hoảng thường chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, nhưng nếu người lớn không biết cách thích nghi và điều chỉnh cho trẻ, sự khủng hoảng sẽ kéo dài, sẽ tạo thành dấu ấn rất nặng nề cho sự phát triển tâm lý về sau, đặc biệt là tính ích kỷ và ngang bướng sẽ không thay đổi được.

Thạc sĩ. Nguyễn Thoan

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.