Giáo viên mầm non ngoài công lập thất nghiệp vì dịch bệnh

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô số 11 ra ngày 4/3/2020 có bài viết “Trường ngoài công lập: Khóc ròng vì Covid”. Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục phản ánh cuộc sống khó khăn của các cô giáo do bị “ảnh hưởng dây chuyền” từ việc trường mầm non phải tạm dừng hoạt

Cô Bùi Thị Toàn thất nghiệp phải ở nhà trông con vì nhóm trẻ tạm nghỉ.Cô Bùi Thị Toàn thất nghiệp phải ở nhà trông con vì nhóm trẻ tạm nghỉ.

Cả nhà sống bằng… 1 suất lương của chồng

Lẽ ra, vào những ngày này, cô Bùi Thị Toàn, giáo viên tại nhóm trẻ Búp Sen Vàng, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đang bận rộn với công việc trông, chăm sóc trẻ. Vậy mà năm nay, từ đầu tháng 2 đến giờ, dịch bệnh khiến cô Toàn bỗng nhiên thất nghiệp, phải nghỉ ở nhà không lương.

Cô cho biết, sau 10 năm đi dạy, đây là lần đầu tiên cô rơi vào tình cảnh trớ trêu như thế. Trên địa bàn nơi cô Toàn sinh sống, mặc dù có nhiều công ty, doanh nghiệp nhưng đều phải hoạt động cầm chừng do dịch bệnh nên không có nhu cầu tuyển dụng lao động mới, thậm chí còn cắt giảm nhân sự. Vì thế, cô không thể tìm được công việc mới nào. Hiện nay, cả gia đình 4 thành viên gồm vợ chồng cô và hai con nhỏ trông cả vào suất lương chỉ vài triệu đồng của chồng. “Công ty chồng em cũng vừa thông báo có thể tháng sau sẽ cắt giảm 30% lương tháng của công nhân. Vậy là vợ chồng em khó khăn càng khó khăn hơn” - cô Toàn cho biết.

Để sinh tồn, cô gần như phải xoay xở, giảm chi tiêu tối đa. Hai bên nội ngoại cũng phải hùn vào giúp đỡ cặp vợ chồng trẻ. Ước mơ lớn nhất của cô giờ đây là dịch bệnh mau qua để cuộc sống thường nhật trở lại, cô sẽ lại được đứng lớp.

Cuộc sống của cô giáo Trần Thị Hải, cùng dạy với cô Toàn tại nhóm Búp Sen Vàng cũng khó khăn tương tự. Hồi trước Tết Nguyên đán, cô Hải đi làm thì chồng cô chưa tìm được việc. Mới đây, chưa kịp phấn khởi vì chồng đã có việc thì… đến lượt cô Toàn lại phải ở nhà. Cô và hai con sinh đôi phải xoay vần với thu nhập chưa đầy 7 triệu/tháng của chồng.

“Ngoài trông trẻ, em có khả năng nấu ăn nhưng các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn đều vắng khách, không có nhu cầu tuyển phụ bếp. Em định tìm việc thời vụ, cầm cự chờ tới khi nhóm trẻ hoạt động trở lại thì cũng chẳng ai nhận”.

Rời Hà Nội để về quê

Cô Lê Thị Hảo đã có 10 năm gắn bó với trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ, quận Thanh Xuân. Trước khi có dịch, mức thu nhập hàng tháng của cô khá ổn định, đủ trả tiền thuê nhà và các khoản sinh hoạt phí ở thành phố. Khi xảy ra dịch, trường tạm dừng hoạt động, thu nhập không còn, cô đã phải về quê ở Hà Tĩnh.

Cô Hảo cho biết, nhiều cô giáo ngoại tỉnh như cô cũng đã tạm thời về lại quê. Tuy nhiên, cô và đồng nghiệp vẫn phải trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng ở Hà Nội chỉ để có nơi chứa đồ đạc. Có cặp vợ chồng đều là giáo viên nên cùng thất nghiệp. Riêng tiền trả thuê nhà chung cư ở Hà Nội đã tốn 5, 6 triệu đồng/tháng. “Nếu trả nhà thì đồ đạc không biết đưa đi đâu. Đến lúc trẻ đi học trở lại, chúng em từ quê lên lại không có chỗ ở. Vì thế, biết là tốn kém nhưng chúng em không có lựa chọn nào khác”.

Một số cô giáo khác ở Hà Nội thì xoay xở đi bán hàng, giao hàng, hay bán đồ online kiếm được đồng nào hay đồng đó. Riêng cô Hảo chuyển thực phẩm sạch của nhà lên Hà Nội rồi nhờ chị gái gửi bán giúp. Nhưng gần đây, dịch bùng phát, chị em cô thấy việc bán hàng như vậy không an toàn do phải tiếp xúc với nhiều người nên cũng đã tạm nghỉ, tìm cách mưu sinh khác.

Cô Trịnh Thị Hiền, giáo viên nhóm trẻ tư thục Lâm Hoa ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Trẻ phải tạm nghỉ học vì dịch bệnh, các cô giáo cũng phải nghỉ không lương theo. Ban đầu, ai cũng nghĩ việc nghỉ học chỉ kéo dài 1, 2 tuần, nào ngờ đến nay đã gần 2 tháng. Nếu chuyển sang làm công nhân trong khu công nghiệp thì mất nghề, mà cứ dở dang chờ đợi thì mất nguồn sống. Làm việc ngắn ngày thì chẳng ai nhận. Giờ, nhiều cô đã đem con về quê nương nhờ bố mẹ”.

Cùng trong bối cảnh dịch bệnh, nếu như giáo viên trường công lập vẫn được Nhà nước trả lương, được hưởng chế độ, phụ cấp thì nhiều giáo viên trường ngoài công lập thiệt thòi hơn khi phải chấp nhận nghỉ không lương hoặc chỉ được nhận một khoản trợ cấp khiêm tốn phụ thuộc vào từng trường.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên ngoài công lập xác định đây là khó khăn chung do dịch bệnh nên sẽ cố gắng khắc phục. “Em đã có gần 10 năm gắn bó với trường. Thời điểm này, chúng em hiểu mình khó 1 thì chủ trường khó 10. Vì thế, các bên cần chia sẻ, hỗ trợ với nhau”- cô Hảo cho biết.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.