Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao

Chia sẻ

Tại Hội nghị quốc gia về chấm dứt bệnh lao toàn cầu ngày 26/9/2018, Việt Nam đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung và các bác sĩ bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra phim chụp cho một người bệnh mắc laoPGS.TS Nguyễn Viết Nhung và các bác sĩ bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra phim chụp cho một người bệnh mắc lao

- Thưa ông, thực trạng bệnh lao ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Mức độ nguy hiểm của bệnh lao so với bệnh dịch Covid-19 đang hoành hành ra sao?

- Việt Nam hiện vẫn đang là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc, 70% người mắc lao trong đội tuổi lao động, nhiều gia đình phải đối mặt với những chi phí “thảm họa”, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc lao mới. Chương trình chống lao quốc gia hiện đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao mỗi năm, khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân, nhưng vẫn còn khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện. Chính sự không phát hiện kịp thời, phát hiện thiếu, còn nhiều nguồn lây trong cộng đồng, dẫn tới bệnh lao đã tồn tại hơn 140 năm. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống lao ở nước ta.

Chung tay để tất cả các bệnh nhân mắc lao đều được điều trị, người dân có thể ủng hộ Quỹ PASTB bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp: TB gửi 1402 (20.000đ/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn, thời gian từ ngày 3/3-1/5/2020). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ trực tiếp cho Quỹ tại địa chỉ: tầng 1, nhà K, BV Phổi Trung ương; hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, số tài khoản: 16010000288699, ngân hàng BIDV, chi nhánh Sở Giao dịch 3.

 Bệnh lao được ví như kẻ giết người thầm lặng, bởi bệnh thường kéo dài âm thầm, phát hiện muộn; từ khi phát hiện bệnh đến khi tử vong đã lây sang rất nhiều người khác. So với Covid-19, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều. Vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí, với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp, rồi đưa lên miệng, mắt, mũi. Hiện nay tại Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do Covid-19, nhưng số ca tử vong do lao ước tính 11.000 người mỗi năm.

- Mục tiêu của chúng ta là thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Vậy từ nay tới đó, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chúng ta thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là làm thế nào để phát hiện được thật nhiều, thật sớm tất cả các thể lao để điều trị cho khỏi. Thứ hai là phải sàng lọc được sớm hơn nữa những trường hợp mới chỉ nhiễm lao, hoặc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm...

Để đạt 2 nhiệm vụ trên, chúng tôi đã xây dựng chiến lược mới, cũng là chương trình hành động quốc gia phòng chống lao tới 2030 với: 1 cam kết (là cam kết chấm dứt bệnh lao; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, từ Chính phủ cho đến các cấp chính quyền, Bộ Y tế, thậm chí là cam kết của nhân dân); 2 đột phá (đột phá về công nghệ và đột phá về tiếp cận. Về công nghệ, đó là việc trang bị phương tiện chẩn đoán mới với độ nhạy và chính xác cao hơn; sau đó là thay đổi thuốc mới, phác đồ mới hiệu quả hơn. Với đột phá về tiếp cận, chúng ta hướng tới chủ động khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị khỏi cho người bệnh, không chỉ đợi họ đến khám); 3 vận động (chú trọng vào vận động cộng đồng, vận động tổ chức và vận động quốc tế. Đối với vận động cộng đồng, mục tiêu hướng tới là tất cả người dân có thái độ chủ động, tích cực, chuyển động trong phòng chống lao giống phòng chống Covid-19; làm sao để mọi người hiểu, biết cách thực hành chuẩn chống lao. Đặc biệt, phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Tại sao lại nhấn mạnh vai trò phụ nữ? Vì phụ nữ là người sớm nhất, đúng nhất, tốt nhất và lâu dài nhất trong chăm sóc người thân của mình nói chung, người trong gia đình mắc bệnh lao nói riêng. Làm sao vận động, truyền thông để 20 triệu người phụ nữ trong 20 triệu hộ gia đình biết về bệnh lao, bảo vệ cho gia đình mình… là giải pháp hữu hiệu góp phần khống chế bệnh lao).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần vận động các cấp chính quyền, các đoàn thể từ trung ương tới địa phương quan tâm tới phòng chống lao. Bài học từ phòng chống Covid-19 cho thấy, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, chúng ta chắc chắn chiến thắng dịch bệnh, trong đó có bệnh lao.

- Được biết Việt Nam hiện đã có Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (quỹ PASTB). Nếu mắc lao, người bệnh được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc… Với sự ra đời và đi vào hoạt động của PASTB, nhiều bệnh nhân được hưởng lợi.

Trường hợp người bệnh chưa có thẻ BHYT, quỹ PASTB sẽ hỗ trợ họ mua thẻ BHYT. Nếu người bệnh mắc lao phổi nặng, phải nằm viện, quỹ PASTB cũng đồng chi trả với BHYT, giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. Mọi người mắc lao đều có thể tiếp cận chương trình hỗ trợ trên; người nghèo nhất cũng có thể được chữa bệnh. Trong 2 năm qua, quỹ PASTB đã hỗ trợ cho hơn 2.000 người mắc lao; dự đoán trong những năm tới sẽ hỗ trợ thêm gần 2.500 trường hợp.

Riêng trong đợt vận động nhắn tin ủng hộ quỹ PASTB năm 2019, quỹ đã huy động được 425.304.000đ tiền ủng hộ. Nhờ đó, hỗ trợ hơn 1.600 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn bằng việc: mua thẻ BHYT, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng…Bởi vậy người dân không nên lo lắng, ngần ngại. Tất cả mọi người dân từ Bắc vào Nam, nếu nghi ngờ mắc lao hãy để bác sĩ chẩn đoán lao cho mình.

Tuy nhiên, để quỹ PASTB có thể duy trì và hoạt động hiệu quả, giúp được nhiều bệnh nhân mắc lao, rất cần sự chung tay ủng hộ của người dân. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quỹ rất khó vận động (từ đầu năm tới nay mới nhận được 150 triệu hỗ trợ trực tiếp, 50 triệu từ kênh tin nhắn). Trong khi đó bệnh nhân mắc lao vẫn phải điều trị hàng ngày, và mỗi năm quỹ cần tối thiểu 5-7 tỷ để đủ hỗ trợ chi trả cho các bệnh nhân. Thời gian tới sẽ là một thách thức vô cùng lớn, khi chúng ta triển khai Nghị quyết Trung ương đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao. Chúng ta cần một khối đoàn kết mạnh về ý chí, giỏi về chuyên môn kỹ thuật và hiệu quả về tổ chức triển khai thì mới thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Hương (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.