Làng hoa Tây Tựu: Hoa nở rộ mà không có nơi tiêu thụ

Chia sẻ

Từ ngày người dân nghiêm chỉnh chấp hành việc hạn chế đi lại mua sắm trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, làng hoa Tây Tựu càng trở nên ảm đạm. Hoa đã tới kỳ thu hoạch mà không thể bán khiến người trồng hoa vô cùng lo lắng.

Mỗi sào hoa ly người trồng có thể lỗ từ 30-50 triệu đồngMỗi sào hoa ly người trồng có thể lỗ từ 30-50 triệu đồng (Ảnh: CP)

Vụ hoa ly sau Tết đã vào thời điểm thu hoạch. Hoa nở rộ, bung đủ màu sắc tại làng hoa Tây Tựu. Nhưng năm nay hoa Tây Tựu vắng người mua. Sắc hoa  không đủ vơi đi không khí ảm đạm ở vùng đất trồng hoa lớn nhất Thủ đô này. Người trồng hoa từng mong hoa vụ này sẽ cho thành quả lớn khi ra Tết, có nhiều ngày Rằm và các lễ hội đầu xuân, ngày Lễ tình nhân, 8/3... , nhưng dịch Covid-19 đã khiến nguồn cung bị thừa quá nhiều.

Ghi nhận vào chiều ngày 5/4, tại làng hoa Tây Tựu, dù đa số các loại hoa như hoa cúc, hồng, ly, hoa loa kèn đều đã vào vụ cho thu hoạch nhưng không khí thu hoạch hoa nơi đây khá vắng vẻ. Một số vườn hoa dù đã nở rộ nhưng người dân không thu hoạch để héo thậm chí cắt bỏ.

Giá thành hoa thấp, có loại chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm trước, hoa thu hoạch xong không có thương lái đến thu mua. Nhiều gia đình bị lỗ hàng trăm triệu, nhiều hộ đã phá bỏ các ruộng hoa đang trổ bông để trồng vụ mới với hy vọng khi hết dịch Covid-19 sẽ bù lại phần nào những gì đã mất.

"Như đợt vừa rồi, cao điểm là mùa Valentine bây giờ đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nhưng lượng khách đặt mua cũng ít. Khách buôn thì lấy theo đợt nhưng cũng cầm chừng rồi ít dần. Nghề trồng hoa trông mong nhất là dịp sau Tết khi mọi người đi lễ hội sẽ tiêu thụ lượng lớn, nhưng năm nay đều ngừng hết khiến giá hoa giảm mạnh. Nhà nào may mắn thì lãi ít, còn đa số là hoà vốn hoặc thua lỗ", ông Nguyễn Công Cường, ở tổ dân phố Hạ phường Tây Tựu chia sẻ.

Những người dân tại những địa điểm này cho biết, kể từ sau dịp Tết (2020), tất cả các loài hoa được trồng tại đây như hoa cúc, hoa hồng và đặc biệt là hoa ly đều chung giảm giá mạnh. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại hoa đều chung cảnh ế ẩm, khó bán. Những loài hoa tốn ít vốn như cúc, hồng, thược dược... thì trung bình, mỗi gia đình lỗ khoảng chục triệu đồng/ tháng; nhưng với loại hoa cần nhiều tiền đầu tư như hoa ly (mức giá 20.000 đồng/củ giống, cộng thêm công đầu tư nhà giàn, hệ thống tưới, thuốc trừ sâu, phân bón…, đầu tư cho mỗi sào ly cũng lên hết cả trăm triệu) thì thiệt hại là con số lớn hơn nhiều. “Tôi đã đầu tư khá nhiều vào ruộng hoa ly, nhưng hiện tại, hoa ly đang xuống giá thảm hại, bây giờ trong đầu tôi chỉ nghĩ tới số tiền sẽ mất trắng lên tới hàng trăm triệu trong nay mai mà thôi. Tôi đã tính đến việc bán đất để trả lãi”, bà Nguyễn Thị Minh, nông dân trồng hoa ly tại Tây Tựu, Hà Nội nói.

Mặt khác, tình cảnh của người nông dân trồng hoa vốn đã bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết. Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, người dân Tây Tựu thất thu. Người trồng hoa - không ai lường trước được sẽ có dịch Covid-19, thành ra nhiều nhà phải gồng mình vay mượn để trả nợ bù vào tiền mua phân bón và chăm sóc.

Trên các trang mua bán online, hoa cũng không phải mặt hàng được tìm kiếm nhiều. Bà con Tây Tựu đã nhiều năm nay gắn bó với nghề trồng hoa, từ đó mà xây sửa được nhà cửa, phát triển kinh tế. Mong rằng, dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi, để người dân làng hoa được hỗ trợ, không còn cảnh từng ngày héo hon cùng những gốc hoa và những mùa hoa phải trôi đi đầy tiếc nuối. 

P. V

 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.