Bàn tay em - gửi gắm bao điều

Chia sẻ

Người phụ nữ, vốn được gắn với bao tiêu chí, xưa là “công, dung, ngôn, hạnh”, nay là “tài, sắc”. Vậy mà với Xuân Quỳnh, cái em có, “của hồi môn” khi đi lấy chồng chỉ đơn giản là “bàn tay em”.

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền, rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...
Bàn tay em gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em.
                                                Xuân Quỳnh

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người phụ nữ, vốn được gắn với bao tiêu chí, xưa là “công, dung, ngôn, hạnh”, nay là “tài, sắc”. Vậy mà với Xuân Quỳnh, cái em có, “của hồi môn” khi đi lấy chồng chỉ đơn giản là “bàn tay em”. Anh đến với em vì điều gì? Nhan sắc, của cải, tài năng hay tính cách? Em không biết, cái em chắc chắn và yêu quý thậm chí tự hào là bàn tay của chính mình. Và “em trao tặng cho anh từ ngày ấy”. Anh có để ý đến điều đó không? Có lẽ là không.

“Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng”

Anh không phải người vô tâm nhưng anh cũng chỉ nhìn thấy những điều thường thấy: Tóc em đen dài theo thời gian, niềm vui, nỗi buồn trong nụ cười, tiếng nói; những lo lắng hằn lên gương mặt, nỗi mong chờ hắt lên từ ánh mắt… dù điều đó cũng cho thấy sự gần gũi sẻ chia, cũng làm ấm lòng ngươi vợ. Nhưng “em” vẫn tự hỏi: Không biết “anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?”

“Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả”

Một bàn tay không hề đẹp, không “lý tưởng” để nắm, để nâng niu. Một bàn tay được tả thực đến chi tiết “ngón chẳng thon dài” với “vết chai cũ”, “đường gân xanh” kể lại một tuổi thơ vất vả:

“Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình”

Những dòng tự sự nghe thật đời thường mà sao thấm thía. Hóa ra bàn tay chính là gương mặt thứ hai của người phụ nữ như ai đó đã từng ví. Nhưng gương mặt ấy không phải để xét đoán sự xinh đẹp, nuột nà hay có được nâng niu, chăm bẵm hay không; gương mặt ấy tự hiện lên vẻ đẹp của sự tảo tần, đảm đang hay vô tâm, đểnh đoảng.

Và đôi bàn tay đầy chai và gân xanh chính là hiện thân của người phụ nữ biết chăm lo, vun vén:

“Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc”

Chỉ là những công việc đời thường thôi nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp tinh tế. Em bận rộn nhưng không quên để ý thời tiết, sức khỏe, cái ăn cái mặc, công việc của anh… thậm chí là niềm vui tinh thần của anh nữa. Đôi bàn tay nhỏ bé tất bật và luôn hướng về gia đình, về anh. Chỉ là những công việc đời thường nhưng chứa đựng bao yêu thương và chăm chút:

“Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả”

Phải là người vợ, một người vợ giàu yêu thương và vun đắp mới có thể gạt đi bao bộn bề thường nhật, bao trăn trở thế sự để giữ bình yên và tưới mát không khí gia đình.

Xúc động nhất, không chỉ vượt qua những lo toan cuộc sống, sự nhàm chán và mai một của tình cảm lâu ngày, trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh vẫn chất chứa niềm yêu. Niềm yêu ấy dù không cuộn trào như sóng giữa biển khơi của những ngày đầu dữ dội nhưng lại đong đầy ý vị mặn nồng:

“Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những vần thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở…”.

Và như thế, anh đã thấy bàn tay em - bàn tay của người phụ nữ giàu yêu thương kì diệu đến chừng nào chưa? Đó chính là cả gia tài của em, dù bé nhỏ mà làm được bao điều. Bàn tay em hay chính là em với những gì nữ tính và thương yêu nhất.

“Em chỉ mong tha thiết một điều:
Đường tít tắp không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay”

Dù bàn tay em quen công việc vất vả từ nhỏ, không nề hà khó khăn nhưng cần bao nhiêu hơi ấm bàn tay của người thương yêu nắm lấy, truyền hơi ấm và sức mạnh, tin yêu để cùng nhau đi hết những chặng đường dài phía trước.

Một bài thơ như những lời giãi bày, câu từ không cầu kì, trau chuốt, cấu tứ không quá mới mẻ nhưng để lại thật nhiều cảm xúc và ấn tượng. Hình ảnh bàn tay em trở đi trở lại đầy đằm thắm và bao dung, gợi cho những người đàn ông những nghĩ suy và cho phụ nữ niềm xao xuyến.

Nguyễn Thị Đương

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.