Đừng tiết kiệm lời yêu

Chia sẻ

Tôi là một bà mẹ đơn thân. Hơn 10 năm qua, tôi đã phải gồng mình, vượt bao khó khăn nuôi con khôn lớn. Cũng vì thế, trong từ điển của tôi không có chỗ dành cho hai từ “ủy mị”.

Với con gái, tôi cũng thường dạy con như vậy. Tôi không cho phép con mè nheo, nhõng nhẽo. Tôi muốn truyền cho con sự mạnh mẽ, bản lĩnh, không run sợ trước khó khăn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Như mọi bà mẹ khác, tôi luôn mong con mình sau này được hạnh phúc, thành đạt. Muốn vậy, con không có con đường nào khác là phải học hành cho tử tế. Tôi chọn cho con những môi trường học tốt nhất với các thầy cô giáo giỏi nhất. Nhà tôi hồi đó ở vùng ngoại thành. Mỗi ngày, hai mẹ con phải dậy từ sớm để đi học. Mùa đông, con gái vừa khóc, vừa ngặt nghẽo xin tôi nghỉ học. Tôi lẳng lặng đặt con lên sau xe, lấy dây chằng con vào người mình rồi đi. Dần dần, con biết có van xin nhưng tôi cũng không mủi lòng. Từ đó cháu không còn mè nheo nữa.

Năm cuối cấp hai, con tôi giành giải Nhì học sinh giỏi Toán cấp huyện. Lúc con báo tin, tôi mừng muốn rơi nước mắt nhưng lại kìm lòng. Tôi sợ nếu khen ngợi con sẽ tự kiêu, ngủ quên trên chiến thắng. Tôi tỏ ra bình thản bảo con: “Việc học là của con, con học tốt thì sau này khắc có tương lai tốt”. Tôi thấy mặt con chùng lại, rồi khẽ mếu máo: “Các bạn khác chỉ cần đạt điểm 9, 10 ở lớp thì đã được bố mẹ khen thưởng rồi. Còn mẹ thì…”. Tôi đáp ngắn gọn: “Sau này lớn lên, con khắc hiểu vì sao mẹ phải làm thế”.

Tôi chưa bao giờ ân hận vì mình đã nghiêm khắc với con. Mỗi sáng, tôi dậy sớm, nấu đồ ăn cho con. Khi con dậy, tôi giục: “Ăn mau rồi còn đi học”. Lúc con ốm, tôi mua sẵn thuốc để ở đầu giường cho con. Nhưng, con sẽ phải tự nhớ giờ uống thuốc và tự lấy thuốc để uống. Với tôi, đó là những việc con phải tự làm. Tôi sẽ không làm hộ con khiến con ỷ lại.

Cho đến lần đó, tôi bị ốm nặng. Tôi rất ít khi bị ốm vặt, chắc là do hoàn cảnh khiến tôi không được phép mình sa sút sức khỏe. Nhưng, dù có tự tin đến đâu thì cũng không thể tránh được lúc cơ thể mình gục ngã. Đầu óc tôi choáng váng, hai chân khuỵu xuống. Tôi chỉ kịp lần tới giường rồi nằm vật xuống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi tỉnh dậy khi có ai đó lay mình. Là chị bác sĩ hàng xóm với nhà tôi. Chắc là con thấy tôi ốm nên nhờ chị ấy sang khám cho tôi. Chị bác sĩ nói tôi bị cảm, tụt huyết áp, cơ thể suy nhược, cần được nghỉ ngơi.

Đến bữa, con gái bê bát cháo nóng hổi và túi thuốc đặt ở đầu giường. Rồi con nhẹ nhàng kéo tay tôi dậy:

- Để con xúc cho mẹ ăn. Cháo con tự nấu mẹ ạ

- Không cần con, mẹ có thể tự làm được.

- Mẹ đang ốm, cứ để con chăm sóc mẹ. Người ốm thì được ưu tiên mà.

Đó là lần đầu tiên, tôi được con gái xúc cháo cho ăn, lại là bát cháo do con nấu. Lúc đầu, tôi cũng ngại ngần, nhưng sau, cứ để mọi việc tự nhiên. Rồi tôi thấy trong lòng rộn lên cảm giác khó tả. Hóa ra, cảm giác được người thân chăm sóc mình cũng tuyệt vời và phấn chấn lắm. Những lúc như thế này, nếu không có con ở bên, tự tay nấu cháo, chắc hẳn tôi sẽ thấy rất cô đơn, sợ hãi.

Mấy ngày sau đó, trừ lúc đi học ra, hễ về tới nhà là con chạy vào hỏi thăm sức khỏe tôi. Con ríu rít kể chuyện ở trường, rồi động viên tôi cố gắng nghỉ ngơi để chóng khỏe lại. Con nói việc ở nhà tôi không cần lo, vì con sẽ thay tôi làm. Tôi chỉ cần đừng mắng con vụng về là được.

Nghe con nói câu ấy, nước mắt tôi trào ra. Con đang dành cho tôi tình cảm yêu thương còn tôi lâu nay thì chỉ quen ra lệnh và hay trách phạt con.

Cuối cùng, con đã cho tôi một bài học quý. Rằng, đừng bao giờ tiết kiệm thể hiện tình yêu thương với mọi người, nhất là với người thân của mình. Và thi thoảng, cũng hãy cho mình được quyền yếu đuối, để người thân yêu có cơ hội được chăm sóc, yêu thương mình nhiều hơn.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.