Quyền được sống chung cùng bố mẹ của trẻ em

Chia sẻ

Con trai và con dâu tôi trước khi đến với nhau đều đã qua một lần đò. Do đó, khi về sống cùng nhau có đủ "con anh, con em, con chúng ta".

Quyền được sống chung cùng bố mẹ của trẻ em - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Vì sự phức tạp đó nên quá trình nuôi dưỡng bọn trẻ có nhiều bất cập do có sự can thiệp của người thân sống bên ngoài như: bố/mẹ, ông bà nội/ngoại... Gần đây, mẹ chồng cũ của con dâu tôi đến "bắt" cháu nội (cháu trai, 7 tuổi) về sống cùng họ. Họ bảo, đứa trẻ là cháu đích tôn của gia đình nên không thể sống ở nhà người khác. Hiện bố đứa trẻ đã mất, cháu có mẹ và rất muốn sống cùng mẹ nhưng lại phải về sống với ông bà. Tôi muốn hỏi Quý Báo, pháp luật có quy định trẻ em có quyền được sống với ai theo ý mình không? Khi bố mất thì ông bà nội có làm người chăm sóc thay thế được không?

Nguyenthiminhchi@yahoo.com

Trả lời:
Luật Trẻ em quy định gia đình và xã hội có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Đồng thời, Luật Trẻ em cũng quy định trẻ em có 25 quyền của mình, trong đó có quyền được sống chung với cha mẹ. Theo đó, trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 22).

Như vậy, trong trường hợp này, đứa trẻ có quyền được sống cùng với mẹ, ông bà nội không có quyền "bắt" cháu về sống với mình. Con dâu bác có thể nhờ pháp luật để bảo vệ quyền được nuôi con của mình.

Việc chăm sóc thay thế cho trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em như sau. Các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế: Phải dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ em; Bảo đảm an toàn cho trẻ em, bảo đảm ổn định, liên tục và gắn kết giữa trẻ em với người chăm sóc trẻ em; Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em; Ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích. Trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau. Bảo đảm duy trì liên hệ, đoàn tụ giữa trẻ em với cha, mẹ, các thành viên khác trong gia đình khi đủ Điều kiện, trừ trường hợp việc liên hệ, đoàn tụ không bảo đảm an toàn, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 60).

Cùng với đó, Luật cũng quy định về các hình thức chăm sóc thay thế. Đó là, chăm sóc thay thế bởi người thân thích; Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích; Chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi; Việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội (Điều 61).

Căn cứ vào Điều 62, Luật Trẻ em, chỉ các trường hợp trẻ em sau đây mới cần chăm sóc thay thế: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa. Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em. Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ. Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

Chiếu theo các quy định trên, con dâu bác vẫn đủ điều kiện để chăm sóc con mình thì ông bà nội không thể làm người chăm sóc thay thế được. Việc "bắt" cháu nội về sống với mình trong khi mẹ cháu vẫn còn và cháu có nguyện vọng sống cùng mẹ là vi phạm pháp luật.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…