Mang quốc tịch nước ngoài có được nhận nhà bố mẹ cho, tặng?

Chia sẻ

Em gái tôi đang định cư ở nước ngoài, đã kết hôn với người nước ngoài và có quốc tịch bên đó.

Hiện nay, bố mẹ tôi đã già yếu và muốn tặng cho em gái tôi căn nhà đang ở khi bố mẹ tôi mất (hiện căn nhà đang đứng tên bố mẹ tôi). Cho tôi hỏi, trong trường hợp này, em gái tôi có được nhận nhà mà bố mẹ tặng không? Nếu được thì em tôi có được đứng tên một mình căn nhà đó không? Khi đó có cần cam kết gì giữa hai vợ chồng em gái tôi không?

Đào Trà My (Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời
Trường hợp của em gái bạn, trước hết cần hiểu về hình thức chuyển dịch tài sản và thời điểm chuyển giao tài sản. Khi tài sản thuộc sở hữu của bố mẹ, muốn chuyển dịch cho con cái, thì có hai hình thức chuyển dịch: Tặng, cho tài sản và lập di chúc. Việc tặng cho tài sản có hiệu lực từ sau khi bố mẹ lập hợp đồng tặng, cho và em bạn đăng ký quyền sử dụng với cơ quan đăng ký đất đai. Bố mẹ bạn có ý định chuyển dịch tài sản cho em gái bạn sau khi qua đời, thì bố mẹ bạn nên lập di chúc. Sau khi bố mẹ bạn qua đời thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế. Kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia tài sản, có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính do người chết để lại). Sự chuyển dịch về tài sản bằng hình thức tặng, cho của bố mẹ cho em bạn thì có hiệu lực khi bố mẹ bạn lập hợp đồng tặng cho, em gái bạn đăng ký quyền sở hữu, khi đó quyền về tài sản mới chính thức sang tên em gái bạn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở số 65/2014/QH-13 ngày 25/11/2014 quy định về trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở như sau: “b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật”.

Về điều kiện được tham gia giao dịch về nhà ở được Quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở như sau:

Điều 119. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở

1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:

a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

2. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:

b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Điều kiện được công nhận quyền sở hữu về nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Vấn đề thứ hai bạn hỏi là việc đứng tên em bạn khi đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản được tặng cho hoặc được nhận thừa kế: Khi lập di chúc hoặc khi xác lập tặng cho tài sản, nếu bố mẹ bạn muốn cho con rể đứng tên thì là của chung, còn nếu bố mẹ bạn không muốn điều đó thì có thể chỉ tặng cho con gái. Việc đó tùy thuộc ý chí của em bạn có muốn nhập khối tài sản riêng được nhận từ bố mẹ bạn vào khối tài sản chung với chồng hay không. Đồng thời, vì chồng của em gái bạn là người nước ngoài, nên cũng phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Luật nhà ở, quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
….
“b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Việc tặng cho con ruột tài sản, khi người con không nhập khối tài sản riêng đó vào khối tài sản chung thì không phải cam kết gì cả. Các giấy tờ chuyển dịch tài sản đứng tên một mình em gái bạn đã chứng minh đầy đủ quyền về tài sản rồi.

Luật sư: TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.