Lễ nghĩa xưa và nay

Chia sẻ

Thời thơ ấu của tôi lớn lên ấm áp và trong trẻo trong một ngôi nhà, con phố đông vui sầm uất bậc nhất có nghề kim hoàn nổi tiếng trong số 36 phố phường Hà Nội.

Ngôi nhà thuở thơ ấu tôi ở đặc trưng hình lòng ống cổ kính thâm nghiêm với 3 tầng gác, cửa sổ trổ bằng những khung sắt đúc hoa, nền nhà lát gạch cổ trơn bóng, cửa sổ trong kính ngoài chớp, ban công rất rộng bao quanh là họa tiết sắt hoa văn viền bê tông và có những ô cửa sắc màu với giàn hoa giấy.

Trong ngôi nhà tứ đại đồng đường ấy có bà nội, gia đình tôi và bác ruột ở chung, gắn bó bên nhau cả một quãng đời tuổi thơ. Sau này khi đã trưởng thành, lập gia đình ở riêng, những kỷ niệm vẫn in hằn sâu đậm trong tâm trí, mà mỗi khi nhớ về trong tôi vẫn thảng thốt một nỗi niềm, nỗi nhớ về hình bóng bà nội lưng còng áo the, về những phép tắc bà dạy bảo khi tôi còn là cô bé nhảy lò cò hồn nhiên. Tôi nhớ lắm buổi sáng thức dậy khi còn mắt nhắm mắt mở từ gác 2 đi xuống phòng ăn tầng 1, câu cửa miệng của tôi là: “Con thưa bà con đã dậy”. Bà ngồi đó trên tấm phản rộng tay lần tràng, quyển kinh đặt trên kệ trước mặt, một tay gõ mõ tụng kinh mỗi sáng. Tôi cúi gập người chào bà bằng câu chào quen thuộc như một thứ phản xạ tự nhiên, chào xong tôi chờ ý bà, khi bà ngẩng đầu gật khẽ coi như nghi thức buổi sáng hoàn tất. Ngày nào tôi và các chị em trong nhà cũng chào như vậy. Đối với lũ trẻ con chúng tôi thì đó là phép nhà, phải giữ như một thói quen cố hữu không thể thiếu.

Minh họaMinh họa

Khi còn là cô bé chưa cắp sách đến trường, tôi đã được học bài vỡ lòng về lễ nghĩa, biết tiết kiệm trong sinh hoạt, thói quen chào hỏi trước khi học chữ. Bà nội tôi - một góa phụ mất chồng từ khi còn trẻ bản lĩnh và can trường ở vậy nuôi 4 người con khôn lớn trưởng thành. Bà trọng lễ nghĩa, phép tắc và kiên định với nguyên tắc sống: ”Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Sự kiên định ấy bà giữ bên mình, trong sinh hoạt hàng ngày, chi tiêu, nuôi dạy các con biết tiết kiệm không phung phí.

Chỉ là một ví dụ khi mẹ tôi xuống bếp nấu cơm bà dặn: “Nếu nhóm lửa, thay vì quẹt que diêm hãy vào bếp cời lò than đang cháy cuốn giấy châm lửa”. Năm tháng đi qua bố tôi và các anh chị em lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hình bóng người cha nhưng lại có được lời ru, sự nghiêm khắc đầy trách nhiệm của bà, để rồi mãi sau này khi bà đi xa, mới thấy thấm thía những lời dạy bảo ấy như một chất xúc tác mạnh mẽ hình thành cốt cách, bản chất thanh cao của con người biết Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Các con của bà trong đó có bố tôi đều tốt nghiệp đại học và giữ những vị trí công tác quan trọng trong cơ quan đơn vị. Đối với cháu nội, bà dạy chị em chúng tôi việc chào hỏi người lớn, khi có khách đến nhà dù lạ hay quen thì chị em tôi luôn khoanh tay cúi đầu chào. Đó là việc mời cơm trước khi ăn: “Con mời ông bà, bố mẹ, anh chị mời cơm”. Những câu chào tưởng chừng đơn giản nhưng đã dạy chúng tôi lễ phép như một thứ phản xạ bắt buộc với người lớn mỗi khi giao tiếp. Rồi đến việc rót nước, mời tăm, lễ phép ông bà, bố mẹ sau khi ăn cũng được chị em tôi thực hiện rất nghiêm túc và vui vẻ.

Chúng tôi lại được dạy cách chào hỏi trước khi đi - về, thể hiện sự nghiêm túc giờ giấc và kỷ luật. Sự chỉ bảo ân cần từ cách dạy dỗ của bà nội và gia đình khiến chúng tôi biết cư xử khi ra ngoài xã hội, không chỉ nhà tôi mà hầu hết các gia đình thời ấy đều có cách dạy con rất tinh tế. Để rồi sau này bước chân về nhà chồng tôi không gặp khó khăn trong giao tiếp và được mẹ chồng rất quý mến. Vậy nên trước đây chuyện con cái cãi lại hoặc ngược đãi, vô lễ với ông bà, cha mẹ là điều không thể xảy ra, nếu cá biệt sẽ bị xã hội lên án rất gay gắt. Thế nhưng ngày nay, trong xã hội mà con người được tiếp cận với đủ mọi loại hình thông tin, dân trí mở mang thì không thiếu chuyện con cái mắng chửi ngược đãi cha mẹ, đi ngược lại đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Hằng ngày qua truyền thông, chúng ta không khỏi đau lòng vì những câu chuyện “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ con nuôi cha mẹ kể tháng, kể ngày”, những vụ bạo hành ngược đãi cha mẹ vẫn còn xuất hiện đâu đây trong xã hội vốn coi trọng sự chăm sóc người cao tuổi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày nay, bữa cơm một số gia đình gần như thiếu vắng câu mời, hỏi, khi đến bữa mạnh ai nấy ăn. Có những bữa cơm gia đình chưa thực sự gắn kết, các cháu ngồi xuống là ăn, hồn nhiên ăn uống không cần biết còn ai chưa ăn. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” việc ăn cũng quan trọng lắm, bởi vậy mới có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Ngày trước xung quanh gia đình tôi có những người hàng xóm sống bên nhau mấy chục năm, tình cảm rất khăng khít. Một nhà có hiếu, hỉ là cả xóm cùng tới phụ giúp, có miếng gì ngon đều chia sẻ. Ngày nay cuộc sống thời công nghiệp điều kiện kinh tế khấm khá hơn, hầu hết các gia đình ở riêng kín cổng cao tường, chuyện nhà ai, nhà nấy biết, có hỷ mời thì đi, ma chay đến viếng rồi về, thậm chí hàng xóm cả năm, lễ Tết chẳng đặt chân sang nhà nhau. Đến nỗi những đứa trẻ cùng xóm, cùng phố cũng ít khi nào có dịp chơi chung. Ngày xưa, học trò kính trọng, yêu quý thầy cô nhưng bây giờ thì khác, chuyện trò cãi thầy đã không hiếm.

Tôi nhớ những lời nhắc nhở bảo ban nghiêm khắc uốn nắn năm xưa của bà giáo dục chị em chúng tôi cách sống và hành xử phải phép, là tiền đề xây dựng nhân cách mỗi người trưởng thành chín chắn theo thời gian. Giờ đây sống trong xã hội hiện đại, chúng ta cũng không thể nào coi nhẹ lễ nghĩa, vì đó là then chốt nền tảng đạo đức để chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Lễ nghĩa với người Việt Nam là truyền thống, lễ nghĩa tạo ra nhân cách con người giàu tính nhân văn, biết trọng đạo lý, hiếu thuận. Lễ nghĩa là giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và dù trong hoàn cảnh nào thì việc trọng lễ nghĩa cũng luôn được xã hội ủng hộ, kính trọng, tôn vinh.

Lê Vân

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.