Chiếc chăn đơn của bà

Chia sẻ

Đó là lần đầu tiên cháu xa nhà để tham gia hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức trong vòng 1 tuần. Nhà trường yêu cầu học sinh phải tự mang theo đồ dùng cá nhân, trong đó có chăn để đắp.

Khổ nỗi, mấy chiếc chăn ở nhà đều là chăn đôi quá khổ, mang đi rất cồng kềnh nên cháu gọi cho bà nội để “cầu cứu”. Bà lâu nay vẫn được mệnh danh là thủ kho kiêm “cửa hàng trưởng cửa hàng tạp hóa”. Bà chẳng vứt đi thứ gì, đồ con cháu thải ra bà còn nhặt nhạnh lại, xếp vào một góc rồi bảo “biết đâu có lúc cần thì có cái mà dùng”.

Quả nhiên là bà có chăn thật. Đó là một chiếc chăn đơn, bà nói đủ xinh xắn để cháu mang theo. Ngày hôm sau, khi cháu đến thì bà đã gấp chiếc chăn bỏ gọn gàng trong túi. “Cháu nhớ mang theo chiếc chăn này nhé. ở trên đó chiều tối sẽ lạnh lắm đấy” - bà dặn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ấy thế nhưng, không như cháu tưởng tượng. Chiếc chăn không mới, không xinh xắn, không bóng bẩy như bà khoe mà được bọc bên ngoài bằng một tấm vải màu vàng đã cũ. Chạy viền xung quanh chăn là những đường chỉ dài ngắn chẳng đều nhau.

Tất nhiên, chẳng đời nào cháu mang chiếc chăn đó theo. Đơn giản vì cháu không muốn trở thành tâm điểm bị cười chê của các bạn. Cháu liền bỏ luôn chiếc chăn đơn của bà xuống dưới gầm giường. Ngày hôm sau, cháu lên đường với chiếc chăn đôi sành điệu, chấp nhận đồ đạc sẽ lỉnh kỉnh thêm đôi chút.

1 tuần đi học, ngày nào bà cũng nhờ ông gọi điện lên hỏi thăm xem cháu ăn, ngủ, nghỉ ra sao, và rồi cái chăn đơn của bà đưa có giúp cháu đủ ấm không? “Dạ, chăn nhẹ và ấm lắm, cháu cảm ơn bà” - để bà yên lòng, cháu đành nói dối như vậy.

Bẵng đi một thời gian, cháu đã không còn nhớ tới chiếc chăn đó nữa. Cho tới một ngày, ông nội gọi điện nói muốn cháu trả lại cho ông bà chiếc chăn đơn màu vàng. Đúng lúc cháu đang đi chơi với bạn, lại nghĩ tới cảnh về nhà phải lục lọi tìm lại chiếc chăn cũ mà ngại nên cháu nói:

- Cháu làm mất cái chăn đó rồi. Nếu nhà thiếu chăn, cháu sẽ xin bố mẹ mua lại cho ông bà một cái chăn khác to đẹp hơn.

Nghe đến hai chữ “mất chăn”, ông đùng đùng tức giận. Qua điện thoại ông hạ lệnh, cháu phải tìm lại chiếc chăn bằng mọi giá.

- Sao ông cứ quan trọng hóa cái chăn đó vậy. Chăn gì mà xấu xí, xộc xệch. Nói thật, hồi trước, cháu chưa từng đắp cái chăn đó. Thời buổi hiện đại này rồi, ai còn dùng cái chăn cũ đó nữa.

- Cháu… cháu thật là vô tâm.

Ông không nói gì thêm mà đột ngột dừng máy. Lát sau, cháu nhận được tin nhắn ông gửi tới: “Ông cần cái chăn đó. Chiều nay 4 giờ ông sẽ qua nhà cháu lấy”.

Biết tính ông đã nói là làm, cháu đành bỏ dở cuộc vui để về nhà tìm lại chiếc chăn. Cái chăn vẫn nằm đó, tít sâu trong gầm giường...

- Đây, cháu gửi lại ông chiếc chăn vô giá. Lúc nãy, cháu nói mất là nói thế thôi chứ cái chăn này, chắc là cho đi cũng không ai thèm nhận.

Chiều đó, cháu vừa trả lại ông chiếc chăn, vừa giận dỗi nói.

- Cháu… Có thể với cháu, chiếc chăn này xấu xí, vô giá trị, nhưng với ông, nó lại vô giá. Thực ra, nhà ông bà cũng không có chăn đơn để đưa cháu. Vào cái hôm cháu gọi điện sang, bà sợ cháu không có chăn để đắp ở trường nên đã tìm trong tủ chiếc vỏ chăn này. Đây là vỏ chăn ông bà đã dùng để đắp cho bố cháu khi còn bé. Bà rất quý cái vỏ chăn ấy nhưng vẫn quyết định cắt ra, sửa lại làm thành chiếc vỏ chăn đơn rồi khâu lại. Bà đã phải làm cả tối đó và cả ngày hôm sau mới kịp xong chiếc chăn cho cháu. Mấy lần sang nhà, ông thấy cháu không đắp chiếc chăn đó, nên ông muốn mang về nhà để cất đi... Chiếc chăn ấy mang theo tất cả tình yêu thương mà bà dành cho cháu đấy.

Nghe ông nói, tự dưng cháu thấy mắt mình cay cay… Giờ cháu mới hiểu, chiếc chăn ấy còn đẹp hơn tất cả những chiếc chăn cháu có thể dùng tiền mua được.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.