Nữ minh tinh “Cuốn theo chiều gió” - Một đời đấu tranh vì nữ quyền

Chia sẻ

Ngày 26/7, nữ diễn viên kỳ cựu thế giới Olivia de Havilland đã qua đời ở tuổi 104. Bà để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng khán giả với vai diễn nàng Melanie Hamilton hiền dịu, tình địch của Scarlett O'Hara - nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng: Cuốn theo chiều gió (1939).

Tài năng cùng những thăng trầm

Sinh ra và lớn lên tại Tokyo, Nhật Bản nhưng do bệnh viêm phế quản nên gia đình bà đã phải chuyển tới sinh sống tại California, Mỹ - nơi mẹ bà tin là có khí hậu phù hợp hơn với thể trạng của con gái mình. Không lâu sau đó, cha của Olivia de Havilland đã rời bỏ vợ con, quay về Nhật Bản và kết hôn với một người phụ nữ khác. Được biết, Olivia còn có một người em gái tên Joan Fontaine (tên thật là Joan de Beauvoir de Havilland) - cô em gái cũng nổi danh không kém gì chị mình khi cả hai chị em cùng đoạt giải thưởng cao quý Oscar. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ thì luôn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi Joan Fontaine lúc nào cũng kèn cựa với chị mình, mâu thuẫn giữa họ được cả Hollywood biết đến. Căn nguyên sâu xa có lẽ là do người mẹ có phần thiên vị Olivia hơn khi ủng hộ sự nghiệp diễn xuất của bà mà phản đối em gái. Hai chị em đã từng đối đầu trực diện tại giải Oscar năm 1942, khi Fontaine xuất sắc dành chiến thắng với vai diễn trong phim Suspicion của đạo diễn Alfred Hitchcock.

Nữ minh tinh xinh đẹp De Havilland trong vai Melanie Hamilton trong tuyệt phẩm Cuốn theo chiều gióNữ minh tinh xinh đẹp De Havilland trong vai Melanie Hamilton trong tuyệt phẩm "Cuốn theo chiều gió".

“Mối duyên” với nghiệp diễn xuất đến với Olivia lần đầu tiên vào năm 1933, khi bà diễn vở Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) tại trường trung học Los Gatos. “Tôi thực sự đã bước chân vào thế giới thần tiên đầy mê hoặc của Alice. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy diễn xuất không chỉ là niềm vui mà nó còn là tình yêu của mình”, bà nghẹn ngào khi nói về vở kịch đầu tiên của mình. Tài năng diễn xuất của bà sau đó đã được đạo diễn Max Reinhardt phát hiện. Ông giao cho bà vai diễn Hermia trong tác phẩm “Giấc mộng đêm hè” tại Hollywood Bowl. Olivia de Havilland bắt đầu bước chân vào giới màn bạc khi vở kịch này được chuyển thể thành phim bởi hãng phim nổi tiếng thế giới Warner Brothers vào năm 1935. Bộ phim đầu tay của bà đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cả phía khán giản lẫn các nhà phê bình. Bước ngoặt thực sự đã đến với Olivia khi nhà sản xuất Hal Wallis thuyết phục được hãng phim cho phép bà thử sức với phim Captain Blood. Olivia được đóng cặp cùng cùng Errol Flynn - diễn viên điện ảnh gốc Úc, nổi tiếng với các vai giang hồ lãng tử.

Suốt những năm 1930, Olivia chỉ diễn những bộ phim mang tính lãng mạn, nhẹ nhàng, nơi bà có thể thể hiện được khả năng diễn xuất hoàn hảo của mình, tuy nhiên lại không có khả năng thăng tiến trong sự nghiệp. Bà nói: "Đóng vai một cô gái tốt thật khó khi ở những năm 30, bởi người ta chỉ thích “gái hư” mà thôi”. Thế rồi may mắn đã mỉm cười với Olivia khi nhờ có sự thuyết phục của Ann - vợ của Jack Warner (người sáng lập ra hãng truyền thông lớn nhất thế giới mang tên Warner Bros), bà đã được mời đóng vai Melanie trong bộ phim của đạo diễn David O. Selznick, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Margaret Mitchell - “Cuốn theo chiều gió”.

Người phụ nữ đã khiến một đế chế Hollywood phải “chao đảo”

Có lẽ vì quá xinh đẹp nên Olivia de Havilland chỉ được hãng Warner Bros giao cho những vai diễn “bình hoa di động”. Điều này đã khiến cho bà rất bức xúc bởi hơn ai hết, bà hiểu rất rõ khả năng của mình có thể diễn được nhiều vai “trên tầm”. Vào thời điểm đó, Warner Bros là một hãng phim “khổng lồ”, có quyền kiểm soát mọi diễn viên của mình. Chính vì lẽ đó nên đã có rất nhiều những điều bất công xảy ra, nhất là đối với các nữ diễn viên. Olivia de Havilland cũng không ngoại lệ, bà ngày càng thất vọng về cách hành xử của hãng phim.

Ngôi sao cuối cùng của Hollywood thời hoàng kim vừa qua đời ở tuổi 104Ngôi sao cuối cùng của Hollywood thời hoàng kim vừa qua đời ở tuổi 104.

Đến năm 1943, những tưởng bà đã được “giải thoát” khi hết hợp đồng với Warner Bros, nào ngờ, hãng phim đã trừ đi thời gian hoãn hợp đồng và tuyên bố rằng, bà nợ họ thời gian đó nên vẫn tiếp tục bắt bà phải làm việc. Quá bất mãn với quyết định vô lý này, Olivia de Havilland đã kiện Warner Bros ra toà thay vì chấp nhận làm theo những gì họ muốn. Những tưởng “con kiến mà kiện củ khoai”, thế lực của Warner Bros quá lớn so với một diễn viên nhỏ bé như Olivia, thế nhưng bà nhất định không chịu bỏ cuộc. Sự kiên trì của bà đã được đền đáp, vụ kiện đã đi thẳng đến Tòa án Tối cao California vào năm 1945, trong đó tái khẳng định một phán quyết của Tòa án cấp dưới có lợi cho Olivia. Với việc chiến thắng một hãng phim lớn trong vụ kiện, nữ diễn viên đã tạo ra một tiền lệ mới tốt đẹp hơn ở Hollywood. Những điều khoản mới đã được đặt ra nhằm giúp cho các diễn viên, nhất là diễn viên nữ không bị ép buộc phải kéo dài hợp đồng lao động hay bị buộc phải nhận những vai diễn mà họ không muốn. Phán quyết năm 1945 của tòa án Tối cao California vẫn được công chúng ưu ái gọi dưới cái tên "Đạo luật de Havilland", nhằm vinh danh nữ diễn viên vì sự kiên trì đấu tranh cho nữ quyền trong giới màn bạc. Để thắng được Warner Bros, Olivia cũng đã phải trả giá: Trong suốt hai năm liền bà bị cho vào "danh sách đen", bị Hollywood tẩy chay và không có bất kỳ một cơ hội diễn xuất nào do sức ép từ hãng phim lớn này. Bà không hề nản chí, trong những năm xa rời màn bạc, Olivia đã tìm được công việc mới trong đài phát thanh. Không chỉ vậy, bà còn thường xuyên đi thăm các bệnh viện quân đội để thể hiện sự ủng hộ của mình với những người lính đã chiến đấu trong Thế chiến II.

Nét đẹp ngây thơ của Olivia de Havilland khi bà mới 22 tuổi và đóng trong bộ phim The Adventures of Robin Hood bên cạnh tài tử Errol FlynnNét đẹp ngây thơ của Olivia de Havilland khi bà mới 22 tuổi và đóng trong bộ phim "The Adventures of Robin Hood" bên cạnh tài tử Errol Flynn.

Sau những trải nghiệm ngọt bùi xen lẫn man trá tại Hollywood, nữ minh tinh quyết định rời nước Mỹ vào năm 1953 để sang Pháp, tại đây bà kết hôn với người chồng thứ hai - Pierre Galante, biên tập viên của tờ Paris Match và dành phần lớn thời gian sinh sống của mình tại kinh đô ánh sáng. Những ấn tượng không tốt về Hollywood đã khiến bà không muốn quay trở lại Mỹ, bà từng nói rằng Hollywood là một nơi đầy rẫy những sự ảm đạm và bi kịch.

Là ngôi sao cuối cùng thuộc Thế hệ Vàng của Hollywood, Olivia de Havilland không chỉ sở hữu vô số giải thưởng, trong đó có hai giải Oscar cao quý, điều quan trọng hơn cả, bà đã đã để lại một di sản cho các thế hệ sau này, đó là “Đạo luật de Havilland” – một trong những đạo luật tiên phong đấu tranh cho nữ quyền. Một bài học quý giá khác mà nữ minh tinh xinh đẹp Olivia de Havilland để lại cho thế hệ sau đó là triết lý sống của bà: Cuộc đời bà sống vì ba chữ cái "L": Love (tình yêu), Laughter (tiếng cười) và Learning (học hỏi).

HỮU PHÚ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.