Kỳ 2: Phai nhạt dấu ấn nghệ thuật truyền thống nơi 36 phố phường

Chia sẻ

36 phố phường là một “đặc sản” riêng có của Hà Nội, ở trong nó là những tinh hoa văn hoá hội tụ để góp phần tạo nên sức hút độc đáo, góp phần tạo nên giá trị ngàn năm văn hiến. Trong đó có những giá trị nghệ thuật, âm nhạc truyền thống vốn có ở đất Thăng Long - Hà Nội.

NSND Xuân Hoạch bên cây đàn bầu, đàn hồ do ông tự chế tácNSND Xuân Hoạch bên cây đàn bầu, đàn hồ do ông tự chế tác (Ảnh: N.B)

Tuy nhiên, giữa đời sống ồn ào thời hiện đại, một số giá trị nghệ thuật, âm nhạc truyền thống ấy đang phai nhạt một cách đáng tiếc…

Có một nghề đặc biệt ở phố cổ

Những du khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích khám phá văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam trên mảnh đất kinh kỳ này từ nhiều năm qua, bên cạnh thưởng thức rối nước ở nhà hát Múa rối Thăng Long, thăm nhà cổ ở phố Mã Mây, cụm di tích xung quanh Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những đình đền đặc trưng ở phố cổ... họ không bỏ qua cơ hội ghé qua ngõ nhỏ Yên Thái để tham quan một cửa hàng chế tác và bán nhạc cụ truyền thống, đồng thời có trình diễn âm nhạc dân tộc trên chính những cây đàn họ chế tác. Cửa hàng chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông bày ken đặc đủ các loại nhạc cụ.

Đây là cửa hàng của NSƯT Phạm Chí Khánh công tác tại nhà hát tuồng Trung ương, đồng thời là nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống. Con gái ông là nghệ sĩ đàn bầu Phạm Trang. Hai cha con có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau và hát, cho nên họ cũng chính là những nghệ sĩ phục vụ du khách đến tham quan.

Tuy vậy, “nhà hát đặc biệt” của hai cha con nghệ nhân, nghệ sĩ Phạm Chí Khánh, Phạm Trang chỉ là không gian phụ của họ. Không gian chính để giới thiệu sản phẩm là cửa hàng bán trống và nhạc cụ dân tộc tại phố Hàng Nón. Nghệ nhân Phạm Chí Khánh chính là con trai cố nghệ nhân Phạm Chí Đương. Cụ Đương lúc sinh thời là nghệ nhân làm trống nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội. Cửa hàng ở Hàng Nón cũng như nghề làm trống mà ông Khánh đang theo đuổi là kế thừa từ cha mình. Ngoài ông Khánh, cụ Đương còn “truyền lửa” nghề của gia đình tới hai người con rể là ông Lương (hiện ở khu văn công Mai Dịch) và ông Thiều (hiện ở Gia Lâm). Họ đều là những nghệ nhân chế tác trống và nhạc cụ gõ có uy tín ở Hà Nội bấy lâu nay. Thành tựu lớn nhất biến thành niềm tự hào luôn được nhắc tới mỗi khi nói về truyền thống gia đình đó chính là chiếc trống cực đại được đặt trang trọng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay là do gia đình chế tác.

Sát cửa hàng của ông Khánh, là cửa hàng của gia đình nghệ nhân chế tác trống nổi tiếng của Hà Nội, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh. Cụ Tịnh năm nay chừng 90 tuổi, cả một đời thăng trầm với nghề chế tác trống ở đất Thăng Long - Hà Nội, cụ có 4 người con trai thì có tới 3 người còn theo nghề của cha. Cả ba hiện đều có cửa hàng bán nhạc cụ truyền thống tại Hàng Nón và Hàng Mành. Dấu ấn mà cụ nhớ nhất trong cuộc đời mình là việc chế tác chiếc trống cực đại cao 3,07m, mặt trống rộng 2,07m được sử dụng trong chính lễ tại dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phố cổ là nơi tập trung tinh hoa của những nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống nổi tiếng. Tuy nhiên, do điều kiện sống hiện nay, nhiều nghệ nhân không tập trung được, như xưa mà tản mát ra nhiều vùng lân cận.

Những năm 90 thế kỷ trước, những ai ở phố Hào Nam sẽ không thể nào quên tiếng lạch cạch hằng ngày phát ra từ xưởng chế tác nhạc cụ truyền thống của cố nghệ nhân Tạ Thâm. Nơi đây sản xuất hầu hết các cây đàn dân tộc cho các nghệ sĩ hàng đầu đất nước trong giai đoạn ấy. Theo chia sẻ của những bậc cao niên, để có được uy tín như vậy, nghệ nhân Tạ Thâm đã chịu nhiều đắng cay cuộc đời. Sinh ra đã gắn với âm nhạc, từng giữ chức trưởng khoa âm nhạc của Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc (Hòa Bình), ngay từ trẻ ông đã có đam mê và quyết tâm cải tiến những cây nhạc cụ truyền thống Việt Nam, để nó có thể thể hiện được nhiều kỹ thuật cũng như sắc thái âm nhạc khác nhau.

Nhưng mong muốn này không được sự hưởng ứng của lãnh đạo đơn vị công tác, khiến quá trình công tác cũng như đời sống gia đình của ông gặp nhiều khó khăn. Song dù thế nào cố nghệ nhân vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được mục đích của mình. Và sau hơn 30 năm âm thầm thực hiện, năm 1987, tại cuộc thi "Những công trình cải tiến đàn dân tộc" do Bộ Văn hóa - Thông tin khi ấy tổ chức, nghệ nhân Tạ Thâm tham gia 5 công trình thì cả năm đều đoạt giải cao trong tổng số 10 giải thưởng của cả cuộc thi với 3 giải A, 2 giải B.

Ở con ngõ nhỏ trong phố Chùa Láng hiện nay, làng Láng xưa, có một địa chỉ mà giới nghệ thuật truyền thống đều nhắc đến, đó là nhà của NSND Xuân Hoạch. Bên cạnh việc là một nghệ nhân xẩm, ông còn có niềm đam mê là chế tác nhạc cụ. Ông có thể dành thời gian cả tháng để chỉ ở miết một chỗ và nghiên cứu và chế tác những cây đàn bầu, nhị, hồ, gáo... theo đúng phương thức đàn mộc mà các cụ xưa kia chế tác. Nhiều nghệ sĩ ở khắp mọi nơi đã tìm đến và đặt ông chế tác cho những cây đàn thật mộc mạc theo đúng lối xưa, trong đó có cả những nghệ sĩ hoạt động ở nước ngoài. Nhờ đam mê và nỗ lực của NSND Xuân Hoạch mà những âm thanh đúng hồn dân tộc đã được lan tỏa, góp phần làm đẹp văn hoá nghệ thuật đất Thăng Long - Hà Nội.

Nao lòng trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một

Hà Nội đang sở hữu những nghệ nhân, những gia đình gắn bó với nghề đặc biệt, một loại nghề góp phần tạo nên nét phong phú và đa sắc cho 36 phố phường xưa kia và góp phần cho chúng ta thấy sự hiện hữu đan xen giữa truyền thống và hiện đại của Hà Nội ngày nay. Song, Hà Nội có thể sẽ mất đi những giá trị này bất cứ lúc nào nếu không kịp thời có những biện pháp hữu hiệu.

NS Phạm Trang, cháu nội cố nghệ nhân Phạm Chí Đương theo nghiệp đàn bầu nhưng không nối nghiệp cha ông chế tác trốngNS Phạm Trang, cháu nội cố nghệ nhân Phạm Chí Đương theo nghiệp đàn bầu nhưng không nối nghiệp cha ông chế tác trống.

Phạm Trang, cháu nội cố nghệ nhân Phạm Chí Đương bảo trong ký ức tuổi thơ của cô “nhớ nhất là tiếng bưng trống của gia đình và cả những người hàng xóm xung quanh cứ rộn ràng ở ngoài vỉa hè, rất vui. Từ lâu hình ảnh đó không còn hiện hữu nữa vì thành phố không cho làm ở vỉa hè, trong khi các gia đình ngày một đông người lên và chia nhỏ không gian sống khiến cho không có khoảng không đủ để có thể chế tác trống. Việc chế tác trực tiếp những chiếc trống ở nơi đây đã không còn. Nguồn hàng hiện nay là từ việc chế tác của người chú rể bên Gia Lâm, một phần đặt hàng ở làng Đọi Tam. Trong khi đó, 3 cửa hàng của gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh cũng thế, chủ yếu đều được sản xuất ở Đọi Tam.

Đọi Tam thuộc tỉnh Hà Nam, là làng nghề sản xuất trống da nổi tiếng. Cố nghệ nhân Phạm Chí Đương là anh ruột nghệ nhân Phạm Chí Tịnh. Hai cụ quê gốc ở Đọi Tam, cùng lên Hà Nội lập nghiệp và đó cũng là lý do tại sao hai cụ lại mưu sinh bằng nghề chế tác trống. Và dẫu nghề làm trống đã có từ nhiều thế kỷ trước tại 36 phố phường này, và hai anh em họ Phạm cũng chỉ gắn bó với nơi đây từ thập niên 1950. Song rõ ràng con đường họ từ chốn quê đồng bằng Bắc bộ ra đất Hà Nội cũng giống như những bậc tiền nhân đã đi. Với sự xuất hiện của họ, Hà Nội trong gần một thế kỷ qua vẫn duy trì được những sắc màu độc đáo vốn có của nó. Chỉ có điều, ngoài việc không còn ai trực tiếp chế tác trống ở trong không gian phố cổ như cách đây chỉ chừng 2 thập niên trở về trước, thì qua câu chuyện với Phạm Trang, còn có một điều khiến chúng tôi thấy nao lòng.

Đó là trong gia đình cả hai cụ nghệ nhân thuộc bậc tài danh đất Hà Thành này không có cháu chắt nào theo nghiệp của cha ông, đam mê với công việc trực tiếp chế tác trống. Và nhãn tiền có thể thấy, một ngày rất gần, nguồn cung cấp trống lại trở lại với Đọi Tam, phụ thuộc vào những người họ hàng xa ở quê gốc của hai cụ. Đây thực sự là một mất mát không hề nhỏ đối với 36 phố phường, khi mà người ta sẽ không còn thấy nghề này hiện hữu tại chỗ như du khách vẫn mong ước được thấy, được quan sát. Ở nhiều nước trên thế giới, những địa chỉ như thế này được gìn giữ và bảo tồn để thành một nét đẹp văn hoá nghệ thuật rất được chú trọng.

Hôm nay, những câu chuyện về xưởng sản xuất nhạc cụ của cố nghệ nhân Tạ Thâm chỉ còn nằm trong ký ức của những người từng gắn bó với Nhạc viện Hà Nội một thời đã xa. Trong khi đó, công việc chế tác những cây đàn dân tộc của NSND Xuân Hoạch cũng diễn ra trong âm thầm với chỉ độc nhất nghệ sĩ thực hiện mà không có bất cứ ai hỗ trợ hoặc theo học nghề.

Hà Nội là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ tinh hoa của khắp mọi miền, nhưng tinh hoa của một nghề đặc biệt được gọi là chế tác nhạc cụ có sứ mệnh riêng của nó, đã xuất hiện và ghi danh mình vào dòng chảy lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Theo lẽ tự nhiên, những gì thuộc về truyền thống dân tộc ra đời từ trong quá khứ xa xưa, có thể sẽ có một ngày kết thúc sứ mệnh hiện hữu của mình và đi vào quá khứ. Nhưng đó là những giá trị đã không còn phù hợp, không còn cần thiết đối với con người mới, giai đoạn mới. Còn với những nhạc cụ truyền thống dân tộc, đặc biệt là tiếng trống vẫn không thể thiếu trong đời sống hôm nay và cả mai sau, nó đang và sẽ còn hiện hữu trong đời sống. Nếu để mai một đi nghề chế tác trống ở phố cổ nói riêng, nhạc cụ truyền thống ở khu vực trung tâm Hà Nội nói chung thì thực sự vô cùng xót xa.

Kỳ 3: Đau đáu tìm giải pháp, nỗ lực với bảo tồn

NGUYỄN BẢO - VÂN KHÁNH

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.