Trái tính, đổi nết vì... Covid 19

Chia sẻ

Dịch bệnh kéo dài kèm theo giãn cách xã hội khiến cho nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn. Có nhiều cặp vợ chồng bối rối khi giải quyết các vấn đề về kinh tế, chăm sóc con… dẫn đến lục đục, trái tính đổi nết.

1

Từ đầu năm đến nay, vợ chồng chị Tuyết (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong tình cảnh căng thẳng vì thường xuyên xảy ra cãi vã. Mọi thứ xuất phát từ việc chồng chị thất nghiệp ở nhà do dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Chị Tuyết đang mang bầu tháng thứ 5, do sức khỏe yếu, kèm theo một số biến chứng thai kỳ nên chị nghỉ hẳn việc ở nhà và chỉ bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Còn chồng chị - anh Thiệp là đầu bếp cho một nhà hàng. Khi dịch bệnh xảy ra, nhà hàng vắng khách, doanh thu giảm nhưng vẫn phải trả tiền thuê tháng. Không trụ được, nhà hàng nơi anh Thiệp làm việc đóng cửa, đồng nghĩa với việc anh nghỉ làm và không có thêm thu nhập ngoài.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc chồng thất nghiệp khiến gia đình chị bắt đầu lao đao. Thu nhập từ bán hàng online của chị Tuyết chỉ đủ cho những khoản chi tiêu nhỏ lẻ trong nhà. Còn tiền đóng học cho con, lãi ngân hàng mà anh chị còn vay khi mua nhà phải đóng hàng tháng… thì chưa biết trông vào đâu. Một mình đi làm phải xoay sở rất nhiều khoản trong nhà khiến chị Tuyết trở lên khó tính.

Thực tế thì anh đã đi xin việc ở một số nhà hàng khác nhưng không nơi nào nhận, bởi họ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị mang bụng bầu đi ship hàng về, thấy chồng nằm dài chơi game, còn con dán mắt vào ti-vi cả ngày thì bức bối, cáu giận. Thất vọng về chồng, chị bóng gió so sánh chồng với người đàn ông khác. Anh Thiệp cũng rơi vào khủng hoảng tâm lý vì bị vợ không ngừng chỉ trích, đay nghiến. Lúc nào mở miệng ra chị cũng kêu “tiền – tiền”… Anh có cảm giác mình chẳng còn là gì trong mắt vợ. Hôn nhân lục đục khi vợ chồng thường xuyên chiến tranh.

2

Các con được nghỉ học dài, anh Đình (Hoàng Mai, Hà Nội) và những ông bố, bà mẹ khác đang phải xoay xở giữa công việc ăn lương và chăm sóc con khi chúng được nghỉ hè. Hai đứa con: đứa con gái lớn 10 tuổi, con trai thứ hai 4 tuổi không có người chăm sóc khiến anh chị phải đau đầu tính toán cách trông con.

Như mọi năm, khi nghỉ hè đến, vợ chồng anh dành cho các con kỳ nghỉ hè lý thú bằng một chuyến đi du lịch trong nước. Sau đó, các con sẽ được về quê với ông bà nội ngoại ở Đà Nẵng 2 tuần rồi sẽ ra Hà Nội để tiếp tục học thêm hoặc tham gia các khóa học kỹ năng khác. Con gái anh đã lớn, ngoài việc học thêm hè, cháu có thể tự chăm lo cho mình hoặc ở nhà một mình khi bố mẹ đi làm. Còn cậu con trai 4 tuổi được bố mẹ gửi mẫu giáo tư và đi học trước hè.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nhưng năm nay, nghỉ hè cũng là lúc dịch bùng phát trở lại. Chuyến đi du lịch Phan Thiết của anh chị đã mua vé và đặt lịch từ trước cũng bị hoãn lại. Ông bà nội ngoại đều ở Đà Nẵng, thuộc tâm dịch bùng phát, anh chị cũng không thể gửi con về quê. Ở Hà Nội, chị vừa lo lắng cho bố mẹ ở quê giữa tâm dịch, vừa không biết làm cách nào để con có một mùa hè bổ ích mà không ảnh hưởng đến công việc đang làm.

Thế là vợ chồng anh phải thay nhau xin làm việc ở nhà để trông con. Anh là dân xây dựng, nên thời gian thoải mái hơn, đợt này do ảnh hưởng dịch nên cũng ít việc nên anh chọn ở nhà chăm sóc con cho vợ đi làm. Thi thoảng anh vẫn đến công trường để giúp đỡ anh em một vài việc chuyên môn mà mọi người không giải quyết được.

Cuối tháng, không thấy chồng đưa lương như mọi khi, vợ anh thắc mắc: “Sao tháng này anh chưa có lương vậy?”. Anh giải thích là đã xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con, nhưng vợ anh vẫn nghi ngờ: “Hay anh nói dối để tiêu riêng? Em vẫn thấy anh đến công trường làm việc đó. Không ít thì nhiều vẫn phải có chứ?”.

Anh thất vọng, buồn bực vì không biết phải giải thích với vợ như thế nào bởi anh ở nhà chăm con đã vất vả, nay vợ không hiểu cho còn nghi ngờ chồng.

3

Việc phòng dịch cẩn thận của chị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến chị “mất lòng” với bố mẹ chồng. Hết giãn cách xã hội, gần 100 ngày cả nước không có ca nhiễm mới khiến cho mọi người cũng thoải mái hơn trong việc đi lại, giao tiếp và thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí khác. Riêng chị Thoa vẫn không dám lơ là phòng dịch. Chị trữ sẵn cả chục chai nước rửa tay các loại từ to đến bé, của người lớn lẫn trẻ con, hơn chục hộp khẩu trang y tế, nước muối sinh lý súc miệng… trong nhà, mỗi lần ai đi ra ngoài, chị đều yêu cầu phải mang theo để bảo vệ mình.

Cẩn thận là vậy, nhưng chồng chị lại lơ là, không quan tâm đến khuyến cáo của vợ. Anh bảo, “cứ sợ dịch thì ở nhà ăn cám à?”. Công việc của anh là kinh doanh, tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ càng cao hơn. Thường xuyên vẫn phải đi tiếp khách, tổ chức ăn uống, đi công tác ở các tỉnh… Đã thế, có nhiều lần chị thấy anh không đeo khẩu trang. Anh bảo: “Nay hết dịch rồi, đeo làm gì?”. Chị nói lại thì anh cáu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đợt dịch vừa bùng phát, chồng chị còn đi đám cưới bạn tổ chức đến 2 ngày. Vừa về đến nhà, chưa kịp tắm rửa, anh sà ngay vào cưng nựng con. Chị nhắc nhở, anh cười xòa: Nhớ con quá!

Hết giãn cách, mấy gia đình bên nhà chồng chị Thoa ở quê rủ nhau đi du lịch Đà Nẵng, có gọi vợ chồng chị cùng tham gia. Sợ dịch, chị không dám đi. Chị chồng nói: “Cả năm mới tổ chức đi chơi 1 chuyến cho bố mẹ vui vẻ tuổi già, đại gia đình sum họp mà cô chú lại không đi. Hay cô chú sợ tốn kém?”. Câu nói của chị chồng khiến chị buồn vô kể.

Sau chuyến đi du lịch, bố mẹ chồng bảo anh chị đưa con về quê chơi mấy hôm, vì ông bà có mua quà cho cháu. Chị lấy cớ từ chối nên một lần nữa, lại mất lòng với bố mẹ chồng. Thậm chí, mấy lần chị gọi điện về để ông bà nội nói chuyện với cháu, mẹ chồng chị còn không nghe máy. Bà bóng gió trách móc chị với hàng xóm, khiến chị vô cùng mệt mỏi.

Dịch bùng phát trở lại, những người du lịch Đà Nẵng phải thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly. Lần này, cả nhà chồng chị tá hỏa, đứng ngồi không yên vì có ghé đến một số địa điểm trong khuyến cáo của Bộ Y tế. Mãi đến khi cầm giấy xét nghiệm âm tính trên tay, mọi người mới thở phào. Lần này, mẹ chồng chị mới nhẹ nhàng bảo: May mà vợ chồng cái Thoa không đi, chứ không thì lại phải cách ly trên Hà Nội, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống lẫn công việc!

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.