“Vỡ” túi nâng ngực silicon bề mặt nhám

Chia sẻ

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra sự cố bệnh nhân gặp biến chứng do dùng túi nâng ngực silicon loại bề mặt nhám. Đáng nói, nhiều chị em vì nghe nói sản phẩm trên bị thu hồi tại Mỹ, châu Âu nên mới đi khám và phát hiện được tình trạng của mình.

Hình ảnh túi nâng ngực silicon bị vỡ được lấy ra khỏi cơ thể chị N.T.P  	(Ảnh: BVCC)Hình ảnh túi nâng ngực silicon bị vỡ được lấy ra khỏi cơ thể chị N.T.P (Ảnh: BVCC)

Vỡ túi silicon… phát hiện u xơ vùng ngực

Các bác sĩ bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa thực hiện phẫu thuật lấy túi silicon bị vỡ, cắt u vú cho bệnh nhân là chị N.T.P (36 tuổi, ở Hà Nội), do gặp sự cố sau khi nâng ngực.

Theo lời kể của chị P, 6 năm trước, chị thực hiện nâng ngực bằng túi silicon tại một cơ sở thẩm mỹ ở TP. Hồ Chí Minh. Túi ngực chị P đặt là loại bề mặt nhám - loại đang rất thịnh hành vào thời điểm đó.

Trong một lần đi khám cách đây khoảng 2 tháng, chị P vô cùng hoang mang, lo lắng khi bác sĩ nghi ngờ chị bị vỡ túi silicon và có chỉ định theo dõi ung thư vú. Sau đó, bệnh nhân đến kiểm tra tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Các kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh vỡ túi ngực bên trái, có ít dịch khe giữa bao xơ và bao tức ngực bên phải, nhân giảm âm vú phải, nang vú trái. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tại khoa Ngoại Vú - Phụ khoa.

TS.BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Vú - Phụ khoa nhận định, đây là một trường hợp ít gặp và phức tạp vì phải tính toán làm sao để lấy hết toàn bộ tổ chức silicon ra khỏi khoang túi ngực mà không làm tràn vật liệu ra bên ngoài. Nếu không cẩn thận để silicon lẫn với cơ và tổ chức tuyến vú thì sau này có thể tạo thành các khối áp xe nhỏ, tạo phản ứng viêm, u xơ nhỏ.

Trước đó, tháng 7/2020, bệnh viện Việt Đức cũng thực hiện ca phẫu thuật lấy túi ngực bị vỡ cho bệnh nhân chị N.T.V. (43 tuổi). Bệnh nhân từng phẫu thuật nâng ngực được 5 năm tại một cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân. Đáng nói, bệnh nhân không biết túi vỡ. Đầu 2020, khi nghe người thân nói về túi ngực nhám to đã bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi, chị V. mới giật mình nhớ đến túi ngực mình độn cũng là loại túi nhám to này và tới BV Việt Đức thăm khám.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (bệnh viện Việt Đức) cho biết: Qua kiểm tra, nhận thấy bề mặt túi ngực nhấp nhô không đều kết hợp, nghi ngờ có bất thường, các bác sĩ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ bằng máy 3.0 Tesla. Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực đã vỡ từ trước mà chị V không biết, nên được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức.

PGS Hà cho biết, quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân rất dính và khó khăn vì vỏ túi nhám to nên đã bám chắc và dính chặt vào tổ chức xung quanh. Rất may bệnh nhân phát hiện sớm và đến bệnh viện xử trí kịp thời. Nếu silicon bị vỡ để lâu dễ gây viêm nhiễm, thậm chí là hoại tử vạt da.

Sau gần 2 giờ phẫu tích, bác sĩ cũng đã lấy hết phần bao xơ dày và làm sạch tổ chức silicone lỏng đã tràn ra ngoài của bệnh nhân. May mắn vùng ngực bệnh nhân không có tế bào lạ ác tính nên có thể tiến hành thay thế túi ngực và phục hồi.

Đặt túi ngực silicon dạng nhám… phải được theo dõi định kỳ

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, túi nhám to chứa silicon thường cứng và vỏ xù xì như tờ giấy nhám, dẫn tới vùng ngực sau mổ khó mềm mại. Chưa kể theo thời gian, vỏ nhám có thể kích thích cơ thể tạo bao xơ dễ bị vỡ túi cũng như có thể sinh ra một số tế bào lạ quanh bao. Đó là lý do giới chức y tế Hoa Kỳ và châu Âu thời gian gần đây đã đồng loạt yêu cầu thu hồi các loại silicon túi nhám trên thị trường.

Theo thống kê của Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA), chỉ có 30% các trường hợp vỡ túi ngực được phát hiện trên lâm sàng. Đặc biệt với túi ngực gel silicon, tiến triển lâm sàng thường thầm lặng, vỡ túi ngực chỉ phát hiện qua siêu âm vú và chụp MRI. Vì vậy, bệnh nhân không được chẩn đoán kịp thời sẽ dễ gây biến chứng.

Với các trường hợp nâng ngực bằng silicon túi nhám, nếu không thấy dấu hiệu gì bất thường cũng cần siêu âm, chụp chiếu kiểm tra hàng năm. Nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường như: một bên ngực sưng to hơn gấp nhiều lần so với bên đối diện hoặc ngực trở nên cứng, chắc, méo mó, sờ thấy u cục dưới da... bệnh nhân nên đến khám tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp phép; có phương tiện chụp chiếu cộng hưởng từ 3.0 trở lên, cũng như có đội ngũ xét nghiệm về giải phẫu bệnh tế bào chuyên sâu, để được điều trị theo dõi và điều trị biến chứng (nếu có).

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo chị em phụ nữ nên thực hiện nâng ngực thẩm mỹ tại cơ sở uy tín; tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đặc biệt cẩn thận với các loại túi trôi nổi và sau phẫu thuật phải đi khám lại thường xuyên đề phòng nguy cơ xô lệch hay các biến chứng khác.

YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.