Ăn cơm vợ nấu

Chia sẻ

Anh được mệnh danh là người đàn ông sợ vợ nhất trong các hội nhóm. Gần 20 năm đi làm, ở công việc, vị trí nào, chuyện tụ tập bia rượu ít hay nhiều anh đều giữ chừng mực, và luôn tuân thủ một nguyên tắc: Về nhà ăn cơm vợ nấu.

Ăn cơm vợ nấu - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Bữa trưa ở công sở, thay vì ăn cơm căng-tin hay ra ngoài quán ăn uống như đồng nghiệp, anh luôn “chung thủy” với bữa ăn cặp lồng do vợ chuẩn bị sẵn. Đến nỗi, chiếc cặp lồng cơm của anh trở thành “giai thoại” trong cơ quan, và trong các cuộc trà dư tửu hậu của bạn bè. Có những bữa tiệc trưa công ty tổ chức, anh vẫn không bỏ đi cặp lồng cơm đó mà mang ra để chia cho mọi người ăn cùng, bảo tiếc công vợ nấu. Ban đầu, có người còn chế giễu anh, nhưng sau thấy anh ăn những món đồ vợ nấu bằng sự trân trọng thì chẳng ai nỡ đùa cợt nữa.

Anh kể, từ ngày lấy nhau, muốn để chồng phấn đấu, chị chấp nhận ở nhà nội trợ chăm con, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Những lần chứng kiến chị vất vả, cuộc sống quanh quẩn chẳng được đi ra ngoài giao lưu mở mang, anh bảo thuê giúp việc để vợ đi làm. Nhưng chị bảo giúp việc không thể chăm sóc con cái, bố mẹ tốt bằng mình được. Vả lại, công việc nội trợ gia đình cũng là một “nghề” của phụ nữ, luật pháp cũng đã ghi nhận điều đó. Vậy nên, anh cứ cố gắng đi làm phấn đấu sự nghiệp, lo kinh tế, chị sẽ đảm đương phần việc này.

Ở nhà nội trợ nên chị có thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình. Anh tôn trọng công sức của vợ nên bữa sáng và bữa tối đều ăn ở nhà. Bữa trưa, chị chuẩn bị cặp lồng cơm cho anh mang đi làm, bảo ăn đồ nhà làm vệ sinh và chất lượng hơn đồ ăn của hàng quán bên ngoài. Anh đón nhận tình yêu của vợ qua những bữa cơm cặp lồng mang đi ấy. Trong suốt mùa dịch Covid, cả cơ quan nháo nhào với việc ăn trưa ở công sở, bởi nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa, rồi nhìn cặp lồng cơm của anh, lòng đầy ghen tỵ và ao ước.

Với chị, công việc chuẩn bị bữa ăn cho người thân là một niềm vui. Bởi đơn giản là nó chứa đựng tình yêu thương của chị trong đó. Và cũng bởi đó là niềm vui của chị nên anh rất chú trọng đến điều ấy. Những hôm chồng gọi điện về nhà muộn, chị biết anh có cuộc tiếp khách xã giao bên ngoài. Nhưng thay vì cáu gắt, giận dỗi như những người vợ khác, chị vẫn vui vẻ. Bởi chị biết, anh có tiệc tùng nhưng vẫn dành bụng để về ăn cơm vợ nấu, dù muộn đi chăng nữa.

Những hôm anh đi công tác xa nhà, chị bần thần trước những món ăn quen thuộc nấu cho chồng hàng ngày. Ở nơi xa, anh luôn nhạt miệng với những bữa cơm khách. Gọi điện về vợ con, lần nào anh cũng xuýt xoa bảo nhớ cơm vợ nấu, chỉ mong về nhà để được ăn những món quen thuộc. Chỉ là bát canh chua, mấy quả cà pháo, khúc cá kho, hay mấy miếng thịt ba chỉ rang cháy cạnh thôi. Nhưng nó là niềm vui của người nấu và là nỗi nhớ, là cái nghiện của người ăn nó mỗi ngày. Và là nỗi nhớ nhung kéo anh về mỗi khi xa nhà.

Nguyễn An

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Hè này con muốn về quê

Hè này con muốn về quê

(PNTĐ) - Mùa hè vừa chớm, lũ trẻ về quê chơi rộn ràng cả xóm. Riêng nhà bà Vân vẫn vắng bóng hai đứa cháu nội, chỉ vì lịch học thêm dày đặc và những e ngại vụn vặt của người lớn.
Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc giản dị

(PNTĐ) - Chị về đến nhà, đầu đau như búa bổ, hai tay rã rời. Nghĩ đến hai con cần phải ăn tối xong trước giờ học bài, chị tự nhủ: “Mình nằm chút thôi rồi dậy ngay”. Vậy mà khi chị tỉnh dậy, trời đã tối mịt.
Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

(PNTĐ) - Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.
4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

(PNTĐ) - Khi con bước vào tuổi teen, nhiều cha mẹ thấy con trở nên khó bảo, không chịu hợp tác. Để có thể đồng hành cùng con, cha mẹ cần có phương pháp phù hợp. Dưới đây là 4 mẹo hay cha mẹ có thể tham khảo từ thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Học viện The Zen Parenting Academy.