Bất bình đẳng trong kế hoạch hóa gia đình

Chia sẻ

Việc chủ động phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích: Giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh được những tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần phát triển của xã hội. Thế nhưng, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình hiện đang có nhiều bất bình đẳng.

Công tác tuyên truyền về KHHGĐ hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở phụ nữ (ảnh: Int)Công tác tuyên truyền về KHHGĐ hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở phụ nữ (ảnh: Int)

Nam giới không chịu áp dụng các biện pháp tránh thai

Mang câu hỏi này thắc mắc với các cán bộ dân số, đều nhận được câu trả lời: Đó là nam giới thường “phó mặc” vai trò tránh thai cho phụ nữ. Dù cho ngày nay, các biện pháp tránh thai dành cho nam khá phổ biến như: bao cao su, thuốc tiêm, bôi bên ngoài để tiêu diệt tinh trùng hay triệt sản nam... Nhưng số nam giới chủ động sử dụng biện pháp tránh thai là rất hiếm.

Nhiều chị em thừa nhận đã chịu không ít tác dụng phụ xảy ra khi sử dụng các biện pháp tránh thai, nhẹ thì nôn nao khi dùng thuốc, chảy máu khi đặt vòng hoặc cấy que. Có người sử dụng liên tục một phương tiện tránh thai gây biến chứng như dính dụng cụ, giảm ham muốn, khó thụ thai. Nhưng do tâm lý cam chịu nên nhiều chị em chấp nhận phần thiệt về mình. Như vậy mới có tình trạng chị em vừa sinh con đã dính bầu tiếp, hoặc thường xuyên uống thuốc tránh thai khẩn cấp… tới mức gây chảy máu ồ ạt, vô sinh. Nhìn từ việc sử dụng biện pháp tránh thai cho thấy, bất bình đẳng giới đang tồn tại.

Là một địa bàn đặc thù có “làng trong phố”- nơi còn lưu giữ nhiều giá trị xưa, cán bộ dân số phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cũng trăn trở về sự bất bình đẳng này. “Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, nhiều người vẫn “mơ hồ” về các phương pháp tránh thai hiện đại, người dân không đồng ý để cán bộ dân số tuyên truyền… khiến việc tuyên truyền tránh thai an toàn – nhất là cho nam giới vẫn còn nhiều trắc trở”, chị Nguyễn Thị Mai Hương, Phó ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ phường chia sẻ.

Tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, “khoán” việc tránh thai cho phụ nữ vẫn là thách thức cho cán bộ dân số phường. “Rắc rối” càng nhiều hơn khi đây là địa bàn có nhiều tòa nhà chung cư, thường xuyên “kín cổng cao tường”, có khi đến nhà để tuyên truyền mà chỉ gặp… người giúp việc. Lượng người di cư nhiều, nhận thức khác nhau, tất cả đều dẫn đến sự khó kiểm soát tình hình dân số”, chị Lê Thị Thúy Hà, cán bộ dân số phường cho biết.

Năm 2015, Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (Đề án 818) ra đời, được kỳ vọng cung cấp phương pháp tránh thai chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Theo đó, cộng tác viên dân số sẽ vận động, tiếp thị người dân mua trợ giá và sử dụng các biện pháp tránh thai được cấp phép bán từ đề án này. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chưa chấp nhận sử dụng, do nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, hoặc không muốn tránh thai, hoặc từ chối do sử dụng các dịch vụ y tế cao cấp khác…

Khó - nhưng không nản!

Chị Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình thừa nhận: Thực trạng bất bình đẳng giới trong chủ động phòng, tránh thai là có, nhưng một thực tế khác cũng “bất bình đẳng” không kém là nhiều nam giới còn chưa biết đến sản phẩm phòng tránh thai an toàn. “Nghĩa là, trong cách thức tuyên truyền còn có khoảng trống với nam giới”.

Theo chị Hiếu, đa dạng hóa tuyên truyền chính là giải pháp căn cơ nhất. Cách thức tuyên truyền phải chia thành từng nhóm nhỏ, tuy độ bao phủ ít nhưng lại thấm sâu, lan tỏa. Báo cáo viên có thể lắng nghe được hết những tâm tư, nắm bắt được mong mỏi của người dân để tư vấn, điều chỉnh sao cho thỏa đáng.

Việc tuyên truyền thành từng nhóm nhỏ đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Chị Ngô Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Phúc cho biết: Các nhóm được chia tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, sức khỏe, ví dụ: học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (đối tượng này chia tiếp thành 2 nhóm nhỏ khác là khối lớp 6 – 7 và khối lớp 8 – 9), phụ nữ sinh 1 con, phụ nữ sinh 2 con. Từ đó, báo cáo viên thông qua các câu lạc bộ; lồng ghép trong các tiết học, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, sẽ tuyên truyền chính sách pháp luật về dân số, các kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…

Cũng áp dụng phương pháp tuyên truyền thành từng nhóm nhỏ, đồng thời duy trì liên lạc, phổ biến kiến thức cho các cán bộ dân số qua mạng xã hội mà công tác dân số tại phường Dịch Vọng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo chị Trương Hà Thu, Phó Chủ tịch phụ trách công tác dân số Hội LHPN phường, để thay đổi hành vi, chủ động phòng tránh thai an toàn cho đối tượng nam giới, cán bộ dân số sẽ thông qua các đoàn thể có nhiều nam giới như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, nhờ đó tuyên truyền hiệu quả hơn. Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiêu tuyên truyền sử dụng biện pháp tránh thai tại hai phường này luôn đạt từ 80% trở lên.

Cũng từ thực tế hai địa phương của Hà Nội, cho thấy xóa bỏ bất bình đẳng giới dưới góc độ chủ động phòng tránh thai an toàn, rất cần sự đổi thay trong quan niệm từ đàn ông trong gia đình và cả sự quyết liệt của chị em.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.