Con dâu “khai tử” bố mẹ chồng để bán nhà

Chia sẻ

Trên giấy tờ, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (SN 1932, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã “chết” từ 14 năm trước dù họ vẫn còn sống. Căn nhà 3,5 tầng trên diện tích 180m2 thuộc quyền sở hữu của con dâu Vũ Thị Viễn (SN 1963) - người đã khai tử bố mẹ chồng.

Vợ chồng cụ Hợp cụ An và con gái tại TòaVợ chồng cụ Hợp cụ An và con gái tại Tòa

Đau lòng hơn, căn nhà mà hai cụ đang ở đã được bà Viễn bán cho một người khác với giá 12 tỷ đồng. Vợ chồng cụ Hợp chỉ biết được thông tin khi người mua nhà đến để đòi nhà…

“Khai tử” bố mẹ chồng để chiếm nhà đất

Suốt 3 năm kêu cứu và sau nhiều lần hòa giải, hoãn xử, ngày 18/9/2020, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. Nguyên đơn trong vụ án là ông Nguyễn Nghĩa cùng vợ là bà Hoàng Thùy Linh, bị đơn là bà Vũ Thị Viễn. Hai cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ vụ việc, chị Hoàng Thùy Linh và chồng đứng tên mua nhà, đất của bà Vũ Thị Viễn có diện tích khoảng 180m2 nằm ven hồ Tây (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Sau khi trực tiếp đến khảo sát nhà và đất, vợ chồng chị Linh chấp thuận mua với giá 12 tỉ đồng để mua lại mảnh đất cùng ngôi nhà 3,5 tầng. Sau đó, các bên hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ. Giữa năm 2015, vợ chồng chị Linh đến nhận nhà thì bị cụ Hợp ngăn cản vì cho rằng việc chị Viễn bán nhà, đất là trái phép khi chưa có sự đồng ý của cụ. Sau đó, chị Linh khởi kiện bà Viễn ra tòa để đòi nhà.

Trong giấy tờ bán nhà, đất của bà Viễn ghi bố mẹ chồng đã chết, trong khi hai cụ vẫn đang sống. Bức xúc với hành động của con dâu, vợ chồng cụ Hợp kêu cứu khắp nơi đòi trả lại danh phận “đang còn sống” cho mình.

Tại tòa, bà Viễn vắng mặt, nên Tòa công bố trình bày của bị đơn gửi đến cơ quan tố tụng. Theo đơn trình bày của bà Viễn, năm 1984, bố mẹ chồng chia mảnh đất trên cho ông Tiến - chồng bà. Lúc đó, vợ chồng bà đã kết hôn được 4 năm. Đến năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Viễn. Năm 2005, ông Tiến qua đời nên bà đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản. Trong thông báo ngày 4/7/2006 gửi UBND phường Nhật Tân, công chứng viên ghi: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.

Giải thích về việc công chứng viên ghi: "Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết" dù lúc đó, cụ Hợp và cụ An đang sống khỏe mạnh, bà Viễn nói khi công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã làm theo lời chồng dặn, kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi". Trong biên bản ghi lời khai, bà Viễn cũng cho rằng các thủ tục mua bán nhà, đất cho vợ chồng chị Linh là hợp pháp.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Tại phiên tòa, cụ Hợp cho rằng, con dâu cụ “khai tử” bố mẹ chồng là trái với đạo đức, lễ nghĩa và yêu cầu Tòa giải quyết nhanh vụ việc vì đã kéo dài quá lâu. “Tôi bệnh tim, còn vợ tôi bị nặng tai, gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi chỉ mong vụ án nhanh chóng khép lại, Tòa hủy toàn bộ giấy tờ do con dâu tôi lập ra, để xác nhận là chúng tôi vẫn còn sống, và trả lại nhà để chúng tôi có chỗ ở” – cụ Hợp trình bày.

Luật sư Đặng Văn Cường, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng cụ cho rằng, nếu tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Linh thì vợ chồng cụ Hợp sẽ mất nhà và ngược lại, nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Hợp thì chị Linh sẽ mất 12 tỷ đồng cho bà Viễn. Thiệt hại chắc chắn xảy ra với một trong hai bên xuất phát từ hành vi gian dối của bà Viễn và sai phạm của các cơ quan chức năng khi xác nhận, thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục khai nhận thừa kế và chuyển nhượng quyền sở dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật sư Cường cũng cho biết, cụ Hợp và vợ chưa từng chia thừa kế hay cho, tặng tài sản này cho con trai và con dâu. Tuy nhiên, bà Viễn vẫn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng để sở hữu nhà đất rồi bán đi. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân và công chứng viên liên quan vụ việc. Họ không xác minh tình trạng của ông Hợp và bà An mà chỉ căn cứ lời của con dâu để xác nhận bố mẹ chồng đã chết.

Sau hơn 3 giờ tranh tụng, chủ tọa nhận thấy việc bà Viễn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng đang sống có dấu hiệu vi phạm hình sự. "Căn cứ Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX chuyển hồ sơ để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ. Trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận hành vi của bà Viễn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì HĐXX sẽ tiếp tục xét xử" - Chủ tọa tuyên bố.

Chia sẻ về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người vì lòng tham mà làm việc trái luân thường đạo lý, đồng thời cũng là bài học cho những người khi mua nhà, đất cần tìm hiểu kỹ để tránh “tiền mất, tật mang”.

Bài và ảnh: QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.