Người chị gái chồng hồn nhiên

Chia sẻ

Hai lăm tuổi tôi lấy chồng. Chồng tôi là người đàn ông thương vợ, thương con hết lòng.

May mắn hơn, tôi có bố mẹ chồng thương yêu và luôn chia sẻ công việc với con cháu. Về làm dâu nhà anh, tôi nguôi ngoai đi nhanh nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, không còn cảm thấy mình là người ngoài, nhanh chóng hòa nhập và trở thành một đứa con dâu thân thiết với mẹ chồng.

Nhà chồng tôi chỉ có hai chị em. Chị chồng xây dựng gia đình cách đó mấy con phố. Cuối tuần chị đều đưa hai đứa nhỏ về chơi với ông bà. Chồng tôi là con một, nên ngay từ trước khi cưới anh đã nói rõ với tôi rằng sau này chuyện ra ở riêng là không thể, bởi anh rất thương bố mẹ. Và bố mẹ anh cũng luôn muốn con cháu quây quần. Thú thực ban đầu, biết quan điểm đó của chồng, tôi cũng suy nghĩ mông lung. Chuyện vợ chồng son muốn được tự do và có một cuộc sống độc lập cũng là một nhu cầu chính đáng. Nhưng rồi chính tấm chân tình của anh và sự cởi mở của mẹ chồng khiến tôi không còn lăn tăn về điều đó nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cưới xong, tôi có thai luôn. Mẹ chồng đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Mẹ cũng rất tâm lí khi không hề can thiệp bất cứ điều gì vào cuộc sống hay công việc của vợ chồng tôi.

Ngày ngày chúng tôi đi làm, tối về cơm nước nhà cửa mẹ đã lo sẵn. Tôi có phụ giúp gì cũng chỉ là chút ít, chứ không nhiều. Mẹ luôn nói phải dành sức mà còn đi làm, công việc ở ngoài đã bao nhiêu áp lực rồi. Nếu mệt về cứ nói với mẹ một tiếng, đừng cố… Sau này có con, tôi thuê người giúp việc để mẹ đỡ vất vả. Nhưng người ở nhà quán xuyến vẫn là mẹ. Tiền ăn uống, sinh hoạt mẹ cho chúng tôi luôn. Mẹ nói mẹ không cần nhiều, bố mẹ vẫn đủ dùng, hai đứa giữ để còn chăm lo cho các cháu của mẹ. Không ít lần tôi xúc động, cảm thấy mình may mắn khi có người mẹ chồng luôn thương con yêu cháu hết lòng như vậy.

Bố mẹ chồng tôi có lương hưu. Tuy nhiên, vì nhà có một dãy trọ cho thuê nên tiền chi tiêu hàng tháng của bố mẹ khá dư dả. Cuối tuần nào các con, cháu về tụ tập đông đủ, mẹ vẫn lo từ thức ăn đến bột sữa, đồ dùng cá nhân cho cả con lẫn cháu. Nhiều khi tôi cũng ngại, nên chủ động mua cái này cái khác về nhà. Điều khiến tôi cảm thấy kỳ lạ là đồ ăn thức uống, mỹ phẩm, giày dép quần áo của tôi, chị gái chồng cứ thấy cái nào thích cũng mang về hết. Lúc nào chị cũng nói tôi sướng, về nhà chồng có mẹ chồng lo cho hết, cứ sẵn mà hưởng… Tôi nghe, biết chị ganh tị với mình nên cười trừ. Nhưng lần nào lấy đồ của tôi về dùng, chị cũng hồn nhiên không thèm nói một tiếng, như thể đồ của tôi chị có quyền được dùng vô tư, thoải mái.

Thực sự tôi không thích cái tính ấy của chị. Tôi về nhà chồng cũng chủ động lo lắng việc nhà. Bố mẹ lo cho ăn ở, bù lại vợ chồng tôi cũng biếu bố mẹ những thứ khác, hoặc một năm tổ chức cho ông bà đi du lịch đôi ba chuyến đến những nơi ông bà thích, lựa chọn. Còn chị, từ ngày về làm dâu, tôi chỉ thấy chị thở than thiếu thốn khó khăn rồi xin mẹ, chứ nào thấy chị mua cái gì cho bố mẹ đẻ của mình đâu? Thậm chí hàng tháng mẹ chồng tôi còn cho con gái thêm một khoản để chi tiêu. Nhưng “nước sông không phạm nước giếng”, vì mẹ chồng tôi có của ăn của để nên mẹ bao bọc con gái là chuyện của mẹ. Tôi không có ý kiến gì.

Tuy nhiên, mới đây sau rất nhiều ngày đau ốm, sụt cân, bố chồng tôi phát hiện bị ung thư. Khỏi nói, cả nhà đều bàng hoàng. Cả bố và mẹ đều suy sụp tinh thần.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngay sau khi phát hiện ra bệnh, vợ chồng tôi động viên bố nhập viện điều trị. Chúng tôi nói với ông bà rằng, nhiều người sau một thời gian điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bệnh tiến triển tốt và sống khỏe mạnh. Nên, quan trọng nhất là bố phải vững tinh thần. Vậy là sau đó là những ngày bố chồng tôi gắn với bệnh viện.

Bố đi viện. Mẹ tôi đương nhiên đi cùng để chăm sóc. Chúng tôi chưa phải nghỉ việc để chăm bố là tốt lắm rồi. Không ngờ, chị gái chồng tôi vẫn làm như không có gì thay đổi. Vẫn cuối tuần đưa con sang nhà tôi để ăn uống, có đồ ăn thức uống gì mang về sạch. Sữa của con tôi, chị cũng mang về cho con mình. Chị giúp việc nhà tôi phàn nàn rằng, chị chồng tôi hồn nhiên quá. Có những thứ chị giúp việc mua về để bồi bổ cho ông bà trong viện mà chị gái cứ về nhà là lấy hết mang đi. Có nói thì chị gắt lên: “Mua cái khác đi, bảo cậu mợ ấy đưa tiền cho”. Tôi cố nín nhịn vì muốn chị tự hiểu ra hoàn cảnh gia đình nhà bố mẹ đã rất khác. Nhưng có lẽ chị không thể nào hiểu được, bởi sự việc vẫn cứ tiếp diễn mãi. Tôi đành bảo chồng góp ý với chị. Chồng tôi cũng khó chịu nhưng anh ngại, anh không nói bởi dù sao đó cũng là chị ruột. “Với lại đàn ông đi đôi co mấy thứ lặt vặt, anh không thích!”, chồng tôi bảo vậy.

Đến cuối tháng, chị hỏi tôi thu tiền nhà trọ của người ta chưa, đưa chị một ít để chị góp tiền chơi họ. Tôi khá ngạc nhiên trước đề nghị này. Góp tiền chơi họ là việc của chị, là của để dành của nhà chị, liên quan gì tới nhà tôi mà chị đòi lấy tiền cho thuê nhà trọ của bố mẹ, nhất là trong lúc bố đang ốm đau? Tôi thẳng thắn nói từ khi bố bị bệnh, sinh hoạt hàng ngày đều do vợ chồng tôi lo liệu. Tiền cho thuê nhà trọ và các khoản khác đều phải tập trung vào lo thuốc men cho bố, chứ không còn dư dả như trước nữa. Chị nghe tôi nói, bĩu môi: “Vậy từ trước tới giờ bố mẹ lo cho vợ chồng em hết, thì lương vợ chồng em để đâu?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi đi từ ngạc nhiên tới giận dữ. Tôi còn hai đứa con, còn những đối nội đối ngoại. Tôi cũng đâu phải là đứa con dâu chỉ biết nhận từ bố mẹ chồng. Bố mẹ lo cái này, tôi phải biết ý mà chủ động lo cái khác chứ đâu có như chị chỉ sợ thiệt hơn mà về nhà chỉ lo vơ đi? Phải ghìm cơn giận lại, tôi mới không cãi nhau với chị chồng.

Ngày hôm đó, tôi nói với chồng về những gì chị đã nói với tôi. Anh nghe, thở dài. Nhưng tôi biết với tính cách của anh, anh sẽ không nói gì chị gái. Sau đó, tôi mới biết chị thậm chí còn tới bệnh viện hỏi mượn mẹ tiền. Mẹ chồng sau đó đã khóc và kể với tôi. “Mẹ không nghĩ rằng nó lại là đứa như vậy. Trước mẹ còn lo được thì mẹ cho, giờ bố nằm đây chạy chữa mà nó vẫn nghĩ đến chuyện bòn tiền…”.

Tôi nghe mà cũng chảy nước mắt theo mẹ.

Tôi biết khi bố bệnh, có bao nhiêu tiền dành dụm mẹ đều đã dồn vào cho những lần điều trị, thuốc men. Có còn chút nào đi chăng nữa thì mẹ cũng phải lo để sau bồi dưỡng, tẩm bổ cho bố. Vậy mà con gái của mẹ đúng là… cái bòn.

Có lẽ tôi sẽ bàn lại với chồng mình. Ít nhất anh phải làm sao đó với chị gái, “cứng” hơn trước, để chị không làm phiền lòng cả nhà về những điều như thế này trong thời gian bố bị bệnh nữa.

HƯƠNG CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.