Phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí

Chia sẻ

Đây là một trong những nội dung mới, có tính nhân văn cao, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được quy định tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí - ảnh 1 (Ảnh: minh họa. Nguồn: Int)

Tại khoản 1, Điều 35 của Dự thảo Luật quy định: “Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế và phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác thì được miễn phí”.

Chính sách ưu việt, nhân văn

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi 100 bà mẹ mang thai dương tính, trước đây chúng ta chưa xét nghiệm hoặc chưa có phương pháp điều trị thì có tới 35 cháu sinh ra bị dương tính. Nhưng sau khi chúng ta triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như vấn đề về điều trị thì con số này giảm một cách rõ rệt, có thể dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính.

Bà Lê Thị Yến - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định: Đây là một chính sách rất ưu việt, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Việc duy trì thực hiện chính sách này cũng sẽ góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2030, xóa lây truyền HIV từ mẹ sang con mà Việt Nam đã cam kết.

Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực nên thời gian qua, chúng ta chưa triển khai được việc này một cách rộng khắp. Chúng ta phải nhờ vào nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng. Việc chi trả kinh phí cho xét nghiệm này hiện nay thực hiện chưa thống nhất và chưa đảm bảo. Trước đây, kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ quốc tế, nhưng hiện nay các nhà tài trợ không hỗ trợ cho hoạt động này nữa.

Mặt khác, hàng năm tổng ngân sách nhà nước cấp khoảng 120 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó riêng nhu cầu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Nhưng đã có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV hai lần trong một năm, với mức tiền là 54.000 đồng cho một lần.

Như vậy, tổng kinh phí cần để xét nghiệm này là khoảng trên 172 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp thì sẽ không đảm bảo.

Nên hay không duy trì cơ chế “đồng chi trả”

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay: Trong khi ngân sách nhà nước và quỹ BHYT còn hạn hẹp, viện trợ từ các tổ chức trên thế giới đang ngày càng giảm, chúng ta cần huy động, tìm kiếm nguồn lực từ nội tại. Việc đồng chi trả theo tôi là hướng đi đúng. Và phần “đồng chi trả” từ Quỹ BHYT cũng phải làm rõ, kể cả phần chi vượt tuyến thì nguồn kinh phí nào sẽ trả chi phí này?

Thảo luận quy định về xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Bình – đoàn đại biểu TP Hải Phòng cũng thấy rằng, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ BHYT chi trả, nhưng họ cũng có thể phải tự chi trả thêm một phần kinh phí vì BHYT không chắc sẽ chi trả 100% kinh phí các danh mục xét nghiệm. Điều này chưa thực sự khuyến khích người phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện xét nghiệm HIV.

Bên cạnh đó, “nếu người bệnh được miễn phí thì ai sẽ trả phí cho cơ sở làm xét nghiệm? Nhất là bây giờ hầu hết tất cả các cơ sở bệnh viện tuyến đầu tự chủ và tôi xin lưu ý là rất nhiều trường hợp phụ nữ người ta thường làm xét nghiệm nhưng ra các cơ sở có uy tín tư nhân. Việc này nên chăng luật cần nói rõ điều này và chính số này mới hay làm xét nghiệm và số lượng rất nhiều. Nếu luật không rõ thì không ai làm được cả?” - GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đặt câu hỏi.

Trước các băn khoăn trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: Hiện nay chúng ta có khoảng 90% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), số 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Như vậy, chúng ta đảm bảo được 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV, đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.