Tiền vợ, tiền chồng, ứng xử sao cho khéo?

Chia sẻ

Chuyện chồng kiểm soát tài chính, vợ thắt chặt lương và chi tiêu… không phải là hiếm trong các gia đình Việt. Việc nhập nhằng kinh tế giữa vợ chồng đã gây ra nhiều câu chuyện đau lòng...

Ra tòa, đòi chia từ… bộ bàn ghế

Đầu năm 2014, anh C và chị H (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) gặp nhau khi cùng làm việc tại một văn phòng luật. Anh là luật sư, còn chị làm nhân viên hành chính. Nhìn bề ngoài, ai cũng nói họ là “đôi đũa lệch”, trong khi chị H cao ráo, xinh đẹp thì anh C lại thấp bé, đen nhẻm. Bỏ ngoài tai mọi ý kiến bình luận, chị vẫn quyết định lấy anh sau 3 tháng gặp gỡ và tìm hiểu.

Cưới nhau rồi, mọi “tật xấu” của nửa kia mới bắt đầu phơi bày, khiến cho những kỳ vọng đầu tiên của người đối diện nhanh chóng sụp đổ. Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh chỉ sau ngày cưới chưa đầy 1 tháng. Anh C một mực bắt vợ nghỉ việc ở văn phòng luật vì cho rằng, nếu hai vợ chồng làm cùng công ty thì anh sẽ bị quản lý tài chính và không thoải mái vui vẻ với mọi người. Chị H đành phải cầm hồ sơ đi xin việc ở nơi khác. Dù có thu nhập tốt hơn vợ nhưng thi thoảng, anh C mới đưa cho vợ một vài triệu đồng để chi tiêu. Số còn lại, anh cất giữ với lý do để dành tiền mở văn phòng luật riêng nên chưa thể giúp vợ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Theo anh, vợ chồng nên đồng cam cộng khổ, lúc đang khó khăn thì giúp đỡ, hỗ trợ và cùng nhau xây dựng tương lai…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị H đành phải một mình gánh vác tiền sinh hoạt trong gia đình. Nhiều hôm, hết sạch tiền đi chợ, chị kêu thì anh không tin còn lục tung ví của vợ khiến chị có cảm giác bị xúc phạm ghê gớm. Đến khi có con, các khoản chi phí nhiều lên, mà chồng vẫn không đưa tiền khiến chị nổi cáu. Chị dồn hết vào những lời nói đay nghiến chồng. Vợ chồng chị cãi nhau như cơm bữa. Cứ như thế, không chịu được cuộc sống đầy áp lực, chị đã làm đơn ly hôn.

Tại phiên xét xử vụ án ly hôn do chị làm nguyên đơn, anh C một mực xin nối lại tình cảm, đồng thời, hứa sẽ quan tâm, chăm lo cho vợ và sẽ đưa hết số tiền mà mình kiếm được, khoảng 20 triệu đồng/tháng cho vợ. “Ba năm qua, tôi làm thuê nên lương không cao. Nay có đủ kiều kiện và thời hạn để mở văn phòng luật riêng nên chắc chắn kiếm nhiều tiền để lo cho gia đình” – anh C trình bày. Thế nhưng, khi chị H vẫn kiên quyết dứt áo ra đi, anh C đứng bật dậy: “Nếu cô ấy vẫn dứt khoát như vậy thì xin tòa chia tài sản giúp vợ chồng tôi, gồm 50 triệu tiền mừng cưới và một bộ bàn ghế sofa.

Tòa chấp thuận đơn ly hôn của chị vợ. Sau phiên tòa, người dự tòa vẫn bàn tán nhau về vụ đòi chia bộ bàn ghế của người chồng. Bởi đến tận lúc ly hôn, người chồng vẫn đòi rành mạch về tài sản với vợ, mặc cho những năm qua, vợ anh đã một mình lo toan cuộc sống của cả gia đình, còn anh chỉ chu cấp một cách nhỏ giọt!

Vợ “muối mặt” ngửa tay xin tiền chồng

Năm 2010, Hạnh kết hôn. Vợ chồng Hạnh lương ai người ấy tiêu. Lúc đó, Hạnh chỉ nghĩ, hai vợ chồng độc lập chi tiêu có những cái hay riêng. Thế nhưng, đến khi có con, các khoản chi tiêu gấp nhiều lần lúc còn là vợ chồng son thì bắt đầu nảy sinh rắc rối mới. Lúc này, tiền lương của Hạnh dồn hết vào bỉm sữa, quần áo, tã lót. Đứa trẻ lại hay đau ốm, tháng nào con nằm viện thì thu nhập của cô chỉ đủ trả viện phí và thuốc men. Thế mà chồng vô tâm, làm được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu chứ không đưa cho vợ. Chỉ khi nào vợ hỏi đến, anh mới đưa cho cô vài ba trăm nghìn đồng để lo toan việc nhà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy chồng tằn tiện với mình, Hạnh cũng tự ái, không hỏi tiền chồng, thắt lưng bóp bụng lo toan cho cả gia đình. Nhưng đến khi bé thứ hai chào đời thì cô đuối sức. Hạnh tặc lưỡi, vợ chồng ăn ở với nhau, phải cùng có trách nhiệm vun vén gia đình, chăm sóc các con. Hạnh bảo chồng đưa thêm tiền chi tiêu hàng tháng, nhưng chồng lại nói: “Có bao nhiêu anh đều đưa hết cho mẹ giữ, nếu em cần thì bảo mẹ đưa cho vậy”. Cô là con dâu, đâu dám ngửa tay xin tiền mẹ chồng. Cô nói thiệt hơn thì chồng cáu: “Tiêu gì mà lắm vậy, lúc nào cũng đòi tiền, trong khi nhà không phải đi thuê, mẹ chồng lo chợ búa, cơm nước”. Tháng nào đều đặn, Hạnh cũng gửi mẹ chồng 2-3 triệu đồng tiền ăn cho cả gia đình, ngót mất hơn nửa tháng lương, chẳng lẽ, cô phải in hóa đơn ra để bắt chồng “thanh toán”?

Phương, bạn tôi cũng gặp cảnh tương tự. Cô là nhân viên văn phòng, lương cơ bản, còn chồng là giám đốc một công ty tư nhân, thu nhập mấy chục triệu đồng một tháng. Ai cũng khen cô tốt số, lấy chồng đã có sẵn nhà đẹp, xe sang, không phải lo toan mưu sinh vất vả như người khác. Thế nên, hễ cô kêu hết tiền, tằn tiện chi tiêu… thì nhiều người lại mỉa mai là “nhà giàu hay kêu khổ” khiến cô vô cùng ngượng ngùng, khó xử.

Hồi mới cưới, Phương cũng trao đổi với chồng về nguyên tắc khi chung sống. Cô mong muốn mỗi tháng, anh đưa một khoản tài chính cố định để mình lo toan sinh hoạt gia đình, ngoài ra, vợ chồng cần có một quỹ tiết kiệm nho nhỏ để phòng ngừa rủi ro. Nhưng những lời Phương nói như “nước đổ lá khoai”, chồng cô mặc định mình sẽ sắm sửa các vật dụng to tát như máy giặt, tủ lạnh, điều hòa… còn các khoản lặt vặt chợ búa, điện nước hằng ngày thì vợ thừa sức lo được! Vì vậy, mỗi lần Phương hỏi đến tiền, anh đều nói: “Mấy khoản nhỏ nhặt ấy em tự lo đi”. Hỏi nhiều chồng không đưa, cô không muốn hỏi nữa. Tiền của chồng bao nhiêu, cô cũng không quan tâm. Chồng nghĩ tiền của mình nên có quyền chi tiêu, mặc nhiên sắm điện thoại “xịn” cho em gái, sửa nhà cho bố mẹ ở quê chẳng thèm hỏi ý vợ. Còn Phương với mức thu nhập thấp, nên dù tằn tiện chi tiêu vẫn không để dành được một khoản nho nhỏ.

Có lần, chồng cô nói đùa: “Sao không thấy vợ biếu xén nhà nội nhỉ?”. Câu nói vô tâm của anh khiến Phương rơi nước mắt. Chẳng lẽ, Phương phải hét lên với chồng rằng, cô đã quá mệt mỏi khi phải lo toan hằng ngày cho tổ ấm nhỏ, đến bộ váy áo mặc đi làm cũng phải mua loại rẻ tiền hay sao?

Khó giữ hạnh phúc, nếu quá rạch ròi giữa tiền vợ, tiền chồng

Kinh tế là một trong những yếu tố quyết định đến sự bền vững trong hôn nhân. Theo một nghiên cứu năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện tại Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang với gần 1.000 mẫu khảo sát cho thấy, những cặp vợ chồng có vợ hay người khác đóng góp chính vào thu nhập gia đình, có nguy cơ ly hôn cao hơn các cặp vợ chồng có người chồng hay cả hai cùng đóng góp. Cụ thể, 4,1% số người ly hôn được khảo sát cho rằng, lý do ly hôn do vợ có đóng góp chính về kinh tế, 8,1% ly hôn là do vợ chồng sống phụ thuộc về kinh tế vào người khác…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Xưa nay, phụ nữ thường “tay hòm chìa khóa”, còn nam giới đi làm để tạo thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, đa số các ông chồng đều tự nguyện “nộp lương” cho vợ. Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng ngày nay lại cho rằng, vợ chồng cần rạch ròi, độc lập về tài chính để không phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, tài chính trong gia đình cần có một “quỹ chung” để tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. “Quỹ chung” sẽ có một người làm “tay hòm chìa khóa”, không phân biệt vợ hay chồng, nhưng người được giao trọng trách phải tế nhị trong cách ứng xử, không quá lạm dụng quyền hạn để làm bạn đời khó xử.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.