Thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên của Việt Nam

Chia sẻ

(PNTĐ) – 2 ca ghép tạng ruột lần đầu tiên ở Việt Nam đã thành công, đưa Việt Nam vào danh sách của 19 nước trên thế giới ghép ruột. Cả 6 tạng ghép đầu tiên ở Việt Nam về thận, gan, tim, tụy, phổi và nay là ruột đều do đội ngũ y bác sỹ Học viện Quân y thực hiện.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y phát biểuTrung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y phát biểu

Sáng 31/10, Học viện Quân y đã tổ chức họp báo thông tin về thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam. Tham dự có, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Quân ủy trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam cùng gia đình người bệnh.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, trong 2 ngày 27 và 28/10, đội ngũ y bác sỹ của Học viện đã thực hiện thành công 2 ca ghép tạng ruột từ người cho sống. Đây là đỉnh cao thứ 6 về sự nghiệp ghép tạng của y học Việt Nam. 

Hiện nay, trên thế giới có 61 trung tâm thành công về ghép ruột ở 19 nước đã thực hiện 1.000 ca, trong đó Việt Nam đã ghi danh được 2 ca. Từ năm 1992, Học viện Quân y đã chinh phục, ghi danh vào bản đồ thế giới với các ca ghép thận đầu tiên; năm 2004 ghép gan; năm 2010 ghép tim; năm 2014 ghép tụy; năm 2017 ghép phổi và nay là tạng thứ 6 ghép ruột cũng đã thành công. Thành công này mở ra một chân trời mới, tương lai mới cho bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chúc mừng thành tựu của Học viện Quân y và khẳng định đây là cơ sở hàng đầu của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công ghép tạng ruột non trên người, là mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học, là điều đáng mừng của cả ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam chúc mừng Học viện Quân y năm 2020 đã có 2 thành công xuất sắc, đó là tháng 3/2020 đã thành công nghiên cứu ra test Covid-19 để tìm ra bệnh nhân nhiễm Covid, nay là thành công trong ghép tạng ruột. Những thành tựu này là dấu ấn rõ ràng cho sự trưởng thành cuản ngành y học quân đội.

Các y bác sỹ đang thực hiện ca ghép tạng ruộtCác y bác sỹ đang thực hiện ca ghép tạng ruột.

Bệnh nhân thứ nhất là Lò Văn T, (26 tuổi ở Lai Châu) được chẩn đoán là suy chức năng ruột do hội chứng ruột ngắn type-3, bệnh gan do suy chức năng ruột.

Đầu tháng 9/2020, bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên, Lai Châu phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non còn lại gần 20cm). Ngày 29/9/2020, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3.

Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột. Với người trưởng thành, khi phần ruột non còn lại dưới 20cm thì được gọi là tình trạng ruột cực ngắn và gây tình trạng suy chức năng ruột, phụ thuộc hoàn toàn bằng nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. 

Bệnh nhân thứ hai là Nguyễn Văn D, 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì  viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80cm) vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5/2020, bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân, Học viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân trên đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.

Ngày 27/10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T; người hiến ruột là mẹ đẻ của  bệnh nhân (47 tuổi).

Ngày 28/10, e kíp trên tiếp tục thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D; người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi).

Sau mổ, 2 người hiến ruột đều ổn định, 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Bệnh nhân hồi phục sau mổBệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật.

Để chuẩn bị cho 2 ca ghép này, từ năm 2018, Học viện đã tích cực chuẩn bị, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột tại Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) và đón đoàn chuyên gia của bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép ruột tại Học viện.

Tháng 12/2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”, Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quyết là chủ nhiệm đề tài.

Sau đó, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản), phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Theo Trung tướng, giáo sư tiến sĩ Đỗ Quyết, Bệnh viện Quân y 103 có thể triển khai độc lập các ca ghép ruột trong thời gian tới.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.