Đoạn nghĩa, cạn tình vì tranh chấp thừa kế

Chia sẻ

Bố mẹ qua đời không để lại di chúc, hoặc chỉ để lại di chúc bằng miệng, di chúc không rõ ràng dẫn đến việc các con tranh chấp không còn nhìn mặt nhau.

“Nồi da nấu thịt” vì bản di chúc thừa kế không rõ ràng

Cách đây không lâu, một cụ ông 74 tuổi phải hầu tòa về tội Giết người. Nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai mà bố mẹ để lại cho các con trước khi mất.
Theo đó, cụ ông Nguyễn văn Soi (trú tại huyện Thanh Oai, HN) có tranh chấp mảnh đất chung do bố mẹ để lại với vợ chồng bà Nguyễn Thị Êm (em dâu ông Soi). Ông Soi cho rằng, mình là con cả nên mảnh đất này nghiễm nhiên là mảnh đất ông được thụ hưởng khi bố mẹ mất. Trong khi đó, vợ chồng bà Êm lại đinh ninh do mình canh tác đã lâu, lại thờ cúng bố mẹ sau khi mất nên sẽ được hưởng phần thừa kế này. Tuy nhiên, giấy tờ di chúc mà bố mẹ ông Soi để lại trước khi mất lại không thể hiện mảnh đất này thuộc quyền thừa kế của ai khiến cho hai bên càng tranh giành nhau quyết liệt. Rất nhiều lần vợ chồng, con cái hai gia đình anh-em mắng chửi nhau ầm ĩ cả xóm làng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi ông Soi ngang nhiên dựng tường rào bao quanh vùng đất đang tranh chấp thì bà Êm gọi bố con ông H (em ruột chồng bà Êm và là em cùng cha khác mẹ với ông Soi) đến đập phá bức tường để làm công trình khác. Sự việc khiến hai bên tiếp tục giằng co, xung đột. Ông Soi làm đơn tố cáo con trai ông H về tội Hủy hoại tài sản, khiến cháu trai phải ngồi tù. Bức xúc, ông H đứng trước cổng nhà anh trai chửi bới, gây sự. Ông Soi vừa căn vặn, mắng chửi em vừa vào nhà lấy dao ra dọa. Bị ông H thách thức, ông Soi đâm em trai, dẫn đến người em bị thương nặng và không qua khỏi. Ông Soi bị tuyên phạt 14 năm tù giam.

Bị anh trai đẩy ra đường vì… bản di chúc bằng miệng của mẹ

Mang theo tập hồ sơ đến văn phòng tư vấn luật, anh Hùng (quê ở TP Hải Phòng) không giấu được vẻ lo lắng hỏi luật sư: “Liệu tôi có thể giữ lại được căn nhà và mảnh đất mà mẹ tôi trước khi chết đã cho không?”. Vị luật sư nghiên cứu hồ sơ rồi đáp: “Cụ qua đời không để lại di chúc thừa kế cho anh, nên việc đòi 100% tài sản thừa kế là khó. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ quyền lợi tối đa mà anh đáng được hưởng”.

Anh Hùng kể, bố mẹ anh sinh được hai anh em trai, cả hai đã yên bề gia thất. Bố anh mất đã lâu. 10 năm trước, anh trai lấy vợ, sinh con, mẹ anh đã chia cho hai anh em mỗi người một mảnh đất để dựng nhà. Thế nhưng, do chuyển công tác, vợ chồng anh đã bán đi mảnh đất mà mẹ cho để lên Hà Nội định cư. Còn anh thì chung sống với mẹ trong gian nhà đứng tên sổ đỏ là mẹ anh. Nhiều lần, mẹ anh tâm sự, anh trai anh đã ổn định cuộc sống nên mẹ yên tâm, còn căn nhà này, mẹ có ý định sẽ để lại cho vợ chồng anh để anh có trách nhiệm giữ mảnh đất hương hỏa của gia đình, thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, anh mặc định đất đó là của vợ chồng anh, đã được mẹ cho nên vay mượn tiền để xây sửa lại nhà khang trang.
Sau khi mẹ anh qua đời, anh trai anh từ Hà Nội về đòi chia tài sản mà bố mẹ để lại. Anh nói lại với anh trai về nguyện vọng của mẹ, nhưng anh trai không đồng ý bởi những điều mẹ nói, anh ấy không nghe thấy. Do đó, tài sản cha mẹ để lại, anh nghiễm nhiên có quyền hưởng.

Anh Hùng tá hỏa vì khi mẹ mất, bà vẫn chưa sang tên sổ đỏ cho vợ chồng anh. Bà cũng không để lại di chúc trước khi qua đời. Mới đây, anh trai anh còn đưa ra một tờ giấy nói là di chúc mà mẹ để lại trước khi mất, có nói sẽ chia cho anh trai một nửa mảnh đất mà vợ chồng anh Hùng đang ở. “Tôi cho rằng, khi mẹ tôi quá yếu, anh tôi đã viết giấy rồi bảo mẹ tôi điểm chỉ, ký tên, trong khi bà không biết đó là giấy tờ gì” – anh Hùng than thở.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng từ ngày anh trai về nhà đòi chia nhà, chia đất, vợ chồng anh Hùng ăn ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ phải ra đường ở. Tình cảm giữa anh em anh Hùng cũng không còn thân thiết như trước, thậm chí các con anh trai gặp vợ chồng Hùng cũng không chào hỏi như xưa. “Tôi không biết phải làm sao, bởi nếu anh cứ kiên quyết đòi chia tài sản thì vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho anh. Có lẽ, bố mẹ tôi ở nơi chín suối, chắc cũng đau lòng khi thấy các con đang tranh giành nhau khối tài sản mà họ chưa kịp để lại di chúc” – anh Hùng buồn rầu nói.

Luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc công ty luật The Light cho biết, từ khi tham gia các vụ án dân sự, đặc biệt là các vụ án về phân chia tài sản thừa kế, anh đã gặp không ít trường hợp cha mẹ chia tài sản thừa kế bằng… miệng, không có giấy tờ, văn bản dẫn đến các con tranh chấp sau này. Như vụ án xảy ra cách đây không lâu ở huyện Đông Anh, hai ông bà sinh được ba người con, 1 gái 2 trai. Con gái lấy chồng xa, đã ổn định, còn hai con trai khi lập gia đình, ông bà họp mặt gia đình để chia tài sản cho các con. Theo đó, ông bà cho con trai út tiền mua và xây nhà trên mảnh đất khác, còn con trai cả có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ già và hương khói sau khi qua đời nên sẽ được ở trong căn nhà mà ông bà đang ở. Thế nhưng, khi bố mẹ mất, anh con út lại về để đòi anh cả chia tài sản mà bố mẹ để lại, đẩy vợ chồng con cái người anh trai ra đường. Phiên xét xử chia tài sản thừa kế diễn ra, anh cả không đủ bằng chứng đưa ra về việc được bố mẹ để lại di chúc tài sản, nên đành chấp nhận việc phải chia tài sản theo quy định của pháp luật…

Một vụ án khác xảy ra tại Hòa Bình, hai cụ có 7 người con, 5 gái, 2 trai. Trong quá trình xây dựng kinh tế mới, hai cụ đã tạo dựng được mảnh đất hơn 500m2. Cụ ông đã mất năm 1989, còn cụ bà mất năm 2015. Trong 7 người con thì có 6 người con đã thoát ly, ổn định cuộc sống, còn con trai cả tên M ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già đến lúc qua đời. Năm 1995, anh cả tự ý thay đổi quyền sử dụng đất của bố mẹ sang tên mình. Khi mẹ qua đời, mấy người con của các cụ quay về để lo việc hương khói cho bố mẹ thì mâu thuẫn với vợ chồng anh cả về việc hương khói này. Vì không muốn dính líu đến gia đình anh cả nên mấy anh em đòi vợ chồng anh cả cắt ra 200m2 đất vườn để xây nhà thờ bên cạnh. Anh cả không đồng ý, họ bèn lôi ra việc bố mẹ mất không để lại di chúc, do đó, mỗi người sẽ được hưởng một phần tài sản mà bố mẹ để lại. Vụ việc kéo dài mấy năm, sau nhiều lần hòa giải không thành, các con của hai cụ đưa nhau ra tòa nhờ phán quyết. “Cuối phiên xử, Tòa tuyên tài sản phải chia theo dạng là tài sản thừa kế không có di chúc để lại, vì thế, những người còn lại đều được hưởng phần di sản mà mẹ để lại. Trong vụ án này, điều còn lại được giữ là họ thống nhất chỉ lấy 200m2 để xây dựng nhà thờ, phần đất còn lại thì để anh cả sở hữu” – luật sư Nguyễn Hưng chia sẻ.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.