Mùa bắt cá đồng

Chia sẻ

Thả lờ phải đợi ngày mưa. Cứ thấy trời nổi giông, mây đen vần vũ là anh Hai xách xâu lờ kèm theo cái cuốc chạy bay ra đồng. Cuốc bờ, móc trổ, đặt lờ đâu đó xong anh dông về nhà ngồi… đợi mưa. Mưa càng to mặt anh càng tươi bởi trời mưa to nước dâng cao cá mới chịu “chạy” để vô lờ...

Tháng mười, đầu mùa mưa, miền Trung lúa vụ 8 mới gặt xong, ruộng còn lấp xấp nước lưng chân gốc rạ. Xưa, đó là mùa bắt cá đồng…

Nhà tôi, ai cũng “máu mê” bắt cá đồng. Nhà ở gần đồng nên càng thuận lợi cho niềm vui bắt cá. Đồng gặt xong, tranh thủ lúc trời chưa mưa lớn, nước ruộng còn cạn, cha tôi đi chụp nơm. Một đôi nơm to vác trên vai, ngang hông cột giỏ bỏ cá, cha lặn lội ruổi rong khắp đồng, hết chân ruộng rộc (ruộng trũng) này tới chân ruộng rộc khác. Gặp nơi ưng ý cha hạ “đồ nghề”, mỗi tay cầm một nơm cha cứ tuần tự vừa đi vừa chụp. Cú chụp nào nghe cá tông rột roạt vào thành nơm là dừng lại, mò, tóm bắt cá cho vào giỏ. Đôi khi cũng bị lừa do “thủ phạm” rột roạt chỉ là con rắn nước hay chú cua kềnh. Vậy nhưng với tay nơm lành nghề như cha thì những pha “bé cái nhầm” ấy hiếm lắm. Thậm chí nghe nơm động cha còn có thể đoán ra: Con cá này là cá gì, tầm bao lớn và vân vân. Cá cha bắt được bằng nơm thường là các thứ cá lớn như tràu (cá lóc), trê, thác lác… Cá nhỏ thì thua bởi chúng động nơm không hay. Hết mùa nơm, tới lúc mưa nhiều, nước to cha tôi chuyển qua thả lưới. Thả lưới nhàn hơn, nhưng chủ yếu bắt cá nhỏ như rô, sặc… chứ ít khi dính cá lớn. Mùa cha đi thả lưới, tôi hay lẽo đẽo đòi theo ra đồng. Mặc cái lạnh căm căm, thú vui của tôi là chờ… xin cha được vài con cá bé hạt tiêu mắc lưới đem về thả vô chậu, nuôi! Mẹ cằn nhằn: Nuôi gì mấy con cá đồng mà bày đặt nuôi cho tốn chậu thau! Cha cười: Kệ, để cho thằng Út có chuyện chơi, bớt đi rong khiến bà… mỏi miệng. Mẹ phì cười…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Hai tôi chọn môn thả lờ. Xâu lờ mẹ mua cho được anh chăm chút kĩ: treo tận trên cao, thấy tôi táy máy đụng vào là… quát. Thả lờ phải đợi ngày mưa. Cứ thấy trời nổi giông, mây đen vần vũ là anh Hai xách xâu lờ kèm theo cái cuốc chạy bay ra đồng. Cuốc bờ, móc trổ, đặt lờ đâu đó xong anh dông về nhà ngồi… đợi mưa. Mưa càng to mặt anh càng tươi bởi trời mưa to nước dâng cao cá mới chịu “chạy” để vô lờ. Đương nhiên lâu lâu anh cũng bị trời chơi khăm: Giông gió ầm ầm nhưng kết cục trời chỉ lắc rắc mấy hạt mưa hoặc… hửng nắng! Những bận xui xẻo ấy, thể nào anh cũng vừa lếch thếch đi dọn lờ vừa rủa xả ông trời chơi ác. Mẹ trêu: Thằng Hai chắc nó trông tháng 30 ngày mưa đủ cả 30. Chớ gì nữa, anh Hai thật thà “hưởng ứng” ngay. Tới lúc cả nhà bật cười ran anh mới biết mình bị “chọc quê”, đỏ mặt.

Cá bắt bằng lờ của anh Hai đa dạng lắm. Gần như đồng có cá gì lờ sẽ bắt được cá đó. Nhiều nhất là cá rô, cá sặc, cá cẫn (cá tràu nhỏ) và… cua. Lũ cua chẳng hiểu sao rất thích chui vô lờ. Cua đồng nướng chín đem giã mắm hoặc nấu canh riêu cũng ngon, có điều chúng phá lắm: Chui vào lờ đã ăn cá thì chớ lại còn kẹp gãy tươi hết các nan lờ nên anh Hai rất ghét. Nói vậy, nhưng cũng có vài thứ cá mà lờ hầu như không bắt được. Ấy là cá trê, cá nhét (cá chạch). Có lần tôi thắc mắc, được cha giải thích: Cá trê sống dưới đáy bùn, lại chỉ di chuyển ban đêm nên không vô lờ. Cá nhét thì… A, con nhớ rồi, cá nhét có vô, nhưng dở lên là… lọt. Đúng đó, cha cười, ôm tôi, con cá nhét đầu nhọn mình nhỏ lại còn trơn, lờ nào giữ nó được? Cha nhắc làm tôi nhớ: Có lần theo anh Hai dở lờ gặp một “em” cá nhét. Anh Hai loay hoay mở bửng (nắp) lờ, chưa kịp trút “em” vô giỏ “em” đã tỉnh bơ rướn người… chui qua nan lờ, rớt bịch xuống đất! Tiếc của, hai anh em bò lê bò toài thi nhau chụp. Con nhét trơn chuội, cứ nắm được vào tay lại tuột ra. Tuột đến lần thứ 3 “em” rớt xuống mép nước. Vậy là quẫy đuôi, mất dạng. Hai anh em nhìn theo ngơ ngẩn, mặt mũi đầy bùn đất, dở khóc dở cười…

*
Bắt cá đồng, thú vui ấy đã mai một từ lâu. Quê giờ nửa phần lên phố. Nửa còn lại cũng đừng mong thấy cá. Những con cá đồng tội nghiệp, chúng đã gần như “tuyệt chủng” bởi hóa chất trừ sâu, bởi các kiểu đánh bắt hủy diệt (như châm điện…). Nhớ chuyện xưa thì viết lại với hy vọng còn lưu chút ký ức thân thương ngày cũ - bởi chúng tôi dường như là thế hệ sau cùng còn biết đến niềm vui mỗi khi quê vào mùa bắt cá đồng…

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.