Cần siết chặt quản lý các loại vũ khí tự chế

Chia sẻ

Liên quan đến vụ việc nam sinh viên năm cuối trường ĐH Giao thông Vận tải tử vong do “đạn lạc”, chuyên gia tội phạm học cho rằng, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý và giám sát vũ khí tự chế để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Các loại vũ khi tự chế trên thị trườngCác loại vũ khi tự chế trên thị trường

Nhiều vụ án đau lòng

Ngày 8/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Tính (SN 1991, thường trú tại quận Đống Đa) để điều tra về tội "Vô ý làm chết người".

Theo báo cáo ban đầu của Công an TP Hà Nội, khoảng 22h ngày 30/10, Nguyễn Xuân Tính mua khẩu súng nén khí (súng hơi) trên mạng, sau đó mang ra quán nước khoe với một số người bạn. Trong lúc thử súng, Tính không biết trong súng vẫn còn đạn nên đã đưa súng lên bóp cò. Không may, súng nổ, cướp đi sinh mạng của nam sinh viên Đ.A (SN 1999, sinh viên năm cuối trường ĐH Giao thông Vận tải). Cái chết oan uổng của nam sinh viên là nỗi đau vô bờ bến của gia đình và sự tiếc nuối vô tận của nhà trường. Theo lời người thân, Đ.A là nam sinh năng động, hoạt bát, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong trường.

Trước đó, ngày 14/5, Phòng Cảnh sát hình sự cùng Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ hai đối tượng là Vũ Tuấn Dũng (SN 1982, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, HN) và Đặng Trần Đức (SN 1974, trú tại Chùa Láng, Cầu Giấy, HN) vì liên quan đến vụ sử dụng súng tự chế bắn, làm bị thương nhiều người dân đi đường. Theo đó, hai đối tượng ngồi trên nhà cao tầng chĩa súng xuống dưới đường bắn trúng ba người, trong đó có một người bị thương, tổn hại 14% sức khỏe. Tại cơ quan điều tra, khám xét nhà của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 1 khẩu súng hơi tự chế hiệu BE, có ống ngắm, nòng giảm thanh và 180 viên đạn bằng kim loại màu sáng… Các đối tượng còn cất giấu nhiều súng tự chế, súng hơi, đạn chì ngay tại nơi ở để còn cung cấp cho người có nhu cầu qua mạng xã hội.

Đó là hai trong số rất nhiều vụ việc đau lòng do người dân tự ý sử dụng súng tự chế dẫn đến cái chết thương tâm cho người khác. Bởi hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, phòng vệ. Thậm chí, có người còn sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này để thực hiện các hành vi như tống tiền, cướp giật, trộm cắp tài sản…

Cần chế tài quản lý chặt

Theo chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn, Bộ Công an, hiện nay, tình trạng mua bán vũ khí tự chế trên thị trường đang phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội, nhóm tội phạm mua bán vũ khí che giấu thân phận bằng cách thành lập các nhóm kín, lập nick ảo, thay đổi chỗ lưu trú, trao đổi trực tiếp với người mua… khiến cho cơ quan điều tra rất khó phát hiện. Mặt khác, những clip, video có sử dụng vũ khí ngày càng tràn lan, khó kiểm soát, khiến cho nhiều người ngộ nhận hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế là… bình thường, gây nguy hiểm cho xã hội.

Chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, từ thực tế đấu tranh phòng ngừa tội phạm cho thấy, mặc dù luật đã nghiêm minh, nhưng công tác quản lý vũ khí tự chế trên thị trường đang thiếu chặt chẽ. Trong khi đó, ý thức về pháp luật của người dân chưa cao. “Vũ khí không phải là tài sản có thể mua bán và trao đổi tự do mà phải được cấp phép và sử dụng đúng mục đích. Việc sưu tầm vì bất cứ mục dích gì đều vi phạm pháp luật” – ông Thìn cho biết.

Theo, luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh việc quản lý các vũ khí tự chế trên thị trường mà mới chỉ quy định các chế độ quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ (tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 79/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực ngày 1/7/2018).

Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định, các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí… đều bị nghiêm cấm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có cả xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự (tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra)…

“Hành vi sử dụng vũ khí tự chế hoặc vũ khí trái phép nếu xảy ra thiệt hại về người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Do đó, bên cạnh việc chờ đợi chế tài quản lý của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về tính nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí tự chế, có ý thức phát hiện và tố giác tội phạm, tránh việc sử dụng gây ra những hậu quả khôn lường” – luật sư Hiền nói.

Bài và ảnh QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.