Bài học từ bệnh viện

Chia sẻ

Chị không ngờ rằng, chỉ từ một câu chuyện ở trong bệnh viện, mà chị lại thay đổi đến vậy. Giờ đây, chị thấy cuộc sống thật quý giá. Cuộc đời không quá dài, cho nên, chị muốn dành thời gian quý giá cho những điều tốt đẹp.

Cô bé 6 tuổi ngồi trong lòng mẹ. Hai mẹ con ngồi sát bên cạnh giường một nam bệnh nhân, tay nắm chặt người bệnh. Nam bệnh nhân nằm thiêm thiếp, nhưng vẫn lộ rõ vẻ mệt mỏi qua gương mặt. Được biết, bệnh nhân là một người làm trong ngành y, thế nhưng, khi phát hiện ra bệnh, thì ung thư đã ở giai đoạn cuối. Những ngày không còn hy vọng, anh được đưa về “viện nhà”, nơi anh và vợ cùng công tác để tiện chăm sóc. Cũng là hằng ngày để anh có dịp ở bên đồng nghiệp.

Người mẹ lấy điện thoại, bật nhạc bài hát. Cô bé hát khe khẽ theo nhạc: “Một nụ cười bé, cha vui cả ngày, một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm, thầm cầu mong cho, con sẽ an lành, chín tháng sinh thành, một đời yêu thương”... Rồi giọng hát vang to dần: “À ơi à ơi, con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang đầy lời mẹ ru. À ơi à ơi, mãi mãi chúng ta, một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to”... Mỗi một lần hát xong, cô bé lại hỏi: “Bố ơi, con hát hay không?”. Người bố giọng khản đặc, nhưng cố gắng hết sức, bật ra một tiếng “hay” mệt nhọc. Cô bé mỉm nụ cười mãn nguyện, lại hát lại, rồi lại tiếp tục hỏi: “Bố ơi, con hát hay không?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chứng kiến cảnh đó, chị cố gắng kìm để không khóc. Nhất là mỗi lần đến đoạn điệp khúc: “Mãi mãi chúng ta, một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to”, thì nước mắt chỉ trực chào ra. Cô bé còn nhỏ quá, bé không biết rằng, người bố mà cô hết mực yêu thương kia đang cận kề bên bờ vực sinh tử. Lời hát của bé, có thể như ngàn vạn mũi kim, châm vào trái tim của người cha, khi anh biết cái viễn cảnh của “một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to” sắp sửa tan như bong bóng xà phòng.

Lòng chị nặng trĩu suốt chặng đường về. Điều gì quý giá nhất trong cuộc sống này? Là sức khỏe. Niềm vui nhất mỗi ngày là gì? Là cả nhà bình an, khỏe mạnh, trở về nhà sau một ngày làm việc, học tập, cùng nhau ăn bữa cơm tối, sum vầy... Chẳng phải bây giờ chị mới nhận ra được điều đó, nhưng càng ngày, điều đó càng rõ rệt hơn trong tâm trí.

Về đến nhà, hai con chạy ra ôm lấy chân mẹ. Chị ôm choàng lấy con, chảy nước mắt. Thật hạnh phúc làm sao khi buổi chiều đi làm về, các con đã được chồng đón từ trường về. Dù chơi bẩn lấm láp, nhưng trông chúng thật hồng hào, khỏe mạnh. Bất giác, chị trào nước mắt, nghĩ đến những chiếc giường bệnh phủ ga trắng tinh. Sáng nay, một bác bệnh nhân nói với chị, bây giờ, bác chỉ thèm lại được khỏe mạnh như xưa, được đi ra ngoài đường, cho nắng, gió chảy tràn qua mặt. Chỉ thế thôi là bác cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Trong bếp, chồng chị đang lúi húi nhặt rau. Sáng nay đi làm, chị vẫn còn giận anh. Tối hôm qua, chị dằn dỗi không nằm cùng anh. Chỉ bởi vì, chị nói anh sửa bóng đèn điện trong nhà tắm mấy hôm mà anh chưa làm. Đã thế, lại còn bỏ đi đá bóng với bạn, xong rồi nhậu nhẹt đến đêm mới về.

Nhưng hôm nay, cơn giận bỗng biến đi đâu mất. Nhìn anh, chị nghĩ, chỉ cần anh khỏe mạnh. Cả nhà không gặp biến cố gì, luôn ở bên nhau thì dù thi thoảng anh có ham vui một chút, có những sở thích riêng mình một chút, chị cũng sẵn sàng chiều anh, không còn so đo nữa.

Và thay vì ngồi chờ anh với mâm cơm nguội, chị sẽ cùng các con ăn trước. Sau đó, chị đi đắp mặt nạ, tập thể dục… làm những điều khiến chị thấy vui vẻ.

Và chị thấy ngạc nhiên, khi chị cảm thấy thật thoải mái, sống tràn đầy năng lượng, thì chị cũng không còn cảm giác hậm hực, tức tối với anh nữa. Trước đây, cảm xúc của chị trồi sụt theo anh. Hôm nào anh về sớm, chị thấy vui vẻ. Hôm nào anh đi về muộn hoặc đi với bạn, chị cảm thấy bực tức. Nhưng giờ, khi chị tìm được niềm vui từ chính bản thân, làm chủ được cuộc sống của mình, thì chị lại thấy không còn phiền muộn với chồng như trước nữa.

Điều đó, làm cho cuộc sống của chị vui vẻ. Các con cũng được lây lan cảm xúc tích cực từ mẹ. Con trai chị có lần ôm cổ mẹ nói: “Mẹ ơi, con thích mẹ cứ vui vẻ mãi thế này”.

Câu nói của con trai đã khiến chị giật mình, bừng tỉnh. Chị tự nhủ, phải yêu thương, dành sự quan tâm cho những người thân yêu của mình nhiều hơn.

Chị chăm gọi điện về cho gia đình hơn... Mỗi ngày, chị đều nói lời yêu thương các con, đều ôm con thật chặt. Buổi sáng, có lỡ cáu giận với con vì điều gì đó, nhưng đưa con đến cổng trường, bao giờ chị cũng mỉm cười, nói yêu con, chúc con một ngày vui vẻ... Cố gắng làm được điều tốt đẹp gì thì làm, bỏ ra ngoài những điều không vui, không cả hờn giận người từng làm tổn thương mình...

Chị không ngờ rằng, chỉ từ một câu chuyện ở trong bệnh viện, mà chị lại thay đổi đến vậy. Giờ đây, chị thấy cuộc sống thật quý giá. Cuộc đời không quá dài, cho nên, chị muốn dành thời gian quý giá cho những điều tốt đẹp.

Ai gặp chị cũng nói dạo này chị trông trẻ đẹp hơn. Trước đây, chị tốn tiền cho rất nhiều mỹ phẩm đắt tiền, nhưng không nhận được lời khen đó. Thì ra, thứ mỹ phẩm quý nhất chính là nụ cười. Khi chị nở nụ cười trên môi, nụ cười từ trái tim mình, chị cảm thấy mình thật bình yên và xinh đẹp.

HOÀNG MAI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.