Buổi liên hoan kỳ lạ ngày 20/11...

Chia sẻ

Trời tuy lạnh nhưng lòng thật ấm khi biết trong ngôi nhà nơi thôn xa heo hút có bao nhiêu cặp mắt đang đau đáu chờ mong cô giáo.

Tốt nghiệp Sư phạm ra trường, tôi lên núi làm cô giáo.

Hai mươi tháng mười một đầu tiên của nghề nhà giáo, tôi nhận được món quà của học sinh nghèo xóm núi: túi cam hái vườn nhà trái còn chưa kịp căng da. Những trái cam nhỏ xíu, chua lòm được các em lễ mễ mang lên khu nội trú mừng ngày nhà giáo cho cô, kèm thêm bó hoa dại hái vội bên đường. Cô ơi, chúng em tặng quà cho cô… Câu nói mộc mạc rất “nhà quê” đồng phát ra nơi mười cái miệng nhỏ xinh xinh khiến tôi vui chảy nước mắt. Cám ơn rối rít. Dắt hết mấy em vô phòng nội trú. Lăng xăng xúc gạo, bỏ đường đi nấu xoong chè để cô trò cùng xơi. Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là cảm giác ấm lòng khi được những đứa học trò quan tâm, dẫu cái thành ý quan tâm chỉ là một túi cam chua kèm bó hoa dại! Ấn tượng ngày nhà giáo đầu tiên với tôi đẹp đến nỗi suốt nhiều năm sau tôi vẫn nhớ. Nỗi hồi hộp, đợi chờ không dưng cứ “đến hẹn lại lên” mỗi lúc ngó lên tường thấy tờ lịch mỏng tang rớt xuống những tờ lịch đầu tiên của tháng 11.

Cũng lạ, đám học trò xóm núi của tôi hay lắm: Bao thế hệ nối tiếp nhau không cần ai nhắc bảo vẫn cứ tự động nhớ ngày tri ân thầy cô, tự động dắt nhau đi thăm, chúc mừng, “quà cáp” cho thầy cô bằng đủ thứ quà quê chính tay các em thu hái được từ ruộng vườn, rừng núi: bó mía, mớ rau lang, bì dâu da hoặc túi sim rừng… Đôi khi, “quà” còn là những món dễ thương tự các em nghĩ, tự tay các em làm: một vòng hoa đội đầu cho cô, chiếc thuyền buồm nhỏ xinh làm từ vỏ lon bia hay cái ống cắm bút có khắc tên cô được đẽo gọt từ tre trúc… Đơn sơ, không có giá trị lớn về vật chất nhưng giá trị tinh thần đương nhiên… vô giá! Sức tưởng tượng của lũ học trò yêu thực là phong phú, ít có khi nào quà năm sau trùng quà năm trước. Vậy nên cô giáo tôi luôn hồi hộp chờ đợi, luôn khát khao những cảm giác bất ngờ sẽ khiến tôi - hoặc cảm động lịm người hoặc cười chảy nước mắt vì vui!

Buổi liên hoan kỳ lạ ngày 20/11... - ảnh 1

*
Năm đó, ngoài việc ban ngày lên lớp chính, trường còn tổ chức cho giáo viên ban đêm về các thôn buôn dạy phổ cập.

Tôi và thầy P được phân công dạy thôn H. Đường xuống H mùa mưa đất bùn lầy lội, đi rất vất vả. Học trò phổ cập thôn này tương đối đông. Nói “đông”, nhưng lớp ghép 6, 7, 8, 9 cũng chỉ chừng độ mươi em. Những em thiếu niên (có cả… thanh niên!) đã quá cái tuổi đi học thường do bỏ học giữa chừng. Nghỉ lâu, không còn mặn mà với chữ nghĩa, lớp trường nên vận động các tướng đến lớp rất khổ. Tới từng nhà, thuyết phục hết hơi, hết sức để các em chịu chong đèn đêm đêm đi học đã là may, không thể trông mong gì nhiều chuyện “lễ nghĩa” nơi mấy “ông người rừng” (lời nói vui của thầy P) suốt ngày toàn lặn lội rẫy nương…

Vậy nhưng chúng tôi đã lầm. Chưa hẳn vậy.

Đêm ấy - tôi còn nhớ rõ - là đêm 19, trước ngày nhà giáo. Trời tháng 11 vào đông mưa lất phất, lạnh căm căm. Thời tiết tệ thế này, kiểu gì mấy ông mãnh “người rừng” chẳng rủ nhau trốn học ở nhà trùm chăn - chắc không dưới nửa lớp! Bụng nghĩ vậy nên tôi với thầy P không khỏi ngạc nhiên khi vào phòng thấy các em lục tục đứng dậy chào đông đủ. Còn nữa: Không em nào mang sách vở hoặc bút thước. Lạ chưa?? Chưa kịp hỏi lí do thì anh lớp trưởng (lớn tuổi gần bằng cô giáo!) rụt rè tiến lên, gãi đầu gãi tai xin phép thầy cô cho lớp… nghỉ học một hôm. Nhưng để làm gì? Dạ, để chúng em tổ chức… liên hoan mừng thầy cô nhân ngày nhà giáo! Thật quá bất ngờ, cái “tình huống sư phạm” oái oăm lần đầu tiên tôi gặp. Ai dám bảo học trò phổ cập là “rừng rú”, không biết lễ nghĩa?? Đành rằng các em hành xử có hơi “qua mặt”, nhưng kiểu “qua mặt” này dễ thương đến nỗi hai thầy cô chỉ biết nhìn lại nhìn qua - rồi không hẹn mà đồng… gật đầu! Chỉ chờ có vậy các em lập tức vỗ tay hoan hô như sấm, xong nhất tề đứa chạy đi nhóm lửa, đứa lôi từ dưới hộc bàn ra nào chuối, mía, khoai… chuẩn bị sẵn tự lúc nào không hay.

Chưa hết, còn nguyên một bao bắp tươi giấu đằng sau cửa cũng được lôi ra. Cả thầy trò cùng ngồi vây quanh lò than rực hồng nướng bắp nướng khoai, cùng chia nhau ăn những món quà quê quen thuộc mà bỗng nhiên ngon đến cực kì trong cái lạnh đêm đông, cùng rôm rả chuyện trò sẻ chia bao nỗi ấm lạnh vui buồn… Lần sẻ chia đó giúp cô giáo tôi có dịp hiểu sâu hơn về hoàn cảnh cơ cực – thậm chí đáng thương - của những em học trò xóm núi do nhận thức thấp, do côi cút đói nghèo nên chuyện học hành phải dở dang. May sao, vẫn còn chút ánh sáng cuối đường hầm khi các em còn biết nghe lời, đêm đêm nỗ lực chong đèn đi tìm con chữ!

…Và nữa, đáng trân trọng hơn khi cái mầm “thiện lương” tiềm ẩn trong con người các em – dẫu qua bao nhọc nhằn vất vả mưu sinh - vẫn vẹn nguyên, không mai một! “Tôn Sư trọng Đạo” chính là một phần của cái thiên lương ấy khi các em còn nhớ tới ngày 20/11, còn biết chân thành bày tỏ lòng yêu kính, biết ơn đối với thầy cô. Đêm liên hoan kì lạ với các em học trò phổ cập giữa núi rừng mùa đông thêm lần nữa là món quà 20/11 vô giá mà đời làm thầy tôi nhận được từ học sinh. “Quà” ấy khiến tôi hết thấy nhọc nhằn khi phải lặn lội hằng đêm đến với các em. Trời tuy lạnh nhưng lòng thật ấm khi biết trong ngôi nhà nơi thôn xa heo hút có bao nhiêu cặp mắt đang đau đáu chờ mong cô giáo. Và nữa; những tiếng reo vui vỡ òa âm sắc thân thương trìu mến mỗi khi nghe tiếng chân cô giáo bước lên thềm…

NGUYỄN VĂN DANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.