Tăng người nghiện và phạm tội về ma túy

Chia sẻ

Vụ con sử dụng ma túy tổng hợp đâm chết mẹ ruột ở KĐT Đặng Xá, huyện Gia Lâm ngày 16/11 vừa qua khiến dư luận không khỏi kinh hoàng, xót xa. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trên 50% số đối tượng bị giam trong các trại giam là có nghiện ma túy.

Thủ đoạn của các Đối tượng ngày càng tinh vi

Trung tá Đỗ Văn Tuấn - Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kinh tế, môi trường (công an huyện Ba Vì) cho biết, càng ngày các đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy càng có các thủ đoạn rất tinh vi. Năm 2020, Công an huyện đã đấu tranh trấn áp 40 vụ tàng trữ, buôn bán ma túy. Các vụ điển hình về sự lắt léo như: Đối tượng Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1968) ở thị trấn Tây Đằng bán ma túy bằng cách để hàng ở một nơi, khi giao dịch không trực tiếp đưa hàng mà chỉ người mua tự đến địa chỉ khác lấy. Đối tượng Phùng Nghĩa Vương (sinh năm 1970) ở xã Phú Sơn bán ma túy và nhà nuôi chó becgie gây khó trong tiếp cận nên lực lượng công an không bắt được trực tiếp bán ma túy mà bắt về tội Cướp đoạt tài sản.

Chia sẻ về những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, Trung tá Ngô Tuấn Đạt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Chương Mỹ) cho rằng, đối tượng nghiện ma túy tổng hợp không kiểm soát được hành vi gây nhiều vấn đề về trật tự, an toàn xã hội và gây ra nhiều vụ trọng án. Số vụ án liên quan đến ma túy vẫn tăng hàng năm. Năm 2019, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 40 vụ, năm 2020 có 46 vụ với tổng số tang vật là 125g ma túy. Toàn huyện hiện có 338 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 40 đối tượng nghiện đang thi hành án.

Có những trường hợp đã bị ma túy “quét qua” hủy hoại cả gia đình như: Trường hợp ông Đỗ Văn Khảm (SN 1954) ở thị trấn Xuân Mai cùng 3 con trai nghiện, trong đó hiện có bố bị tai biến và một con bị AIDS giai đoạn cuối. Trường hợp ông Nguyễn Bá Bốn (SN 1959) ở thôn Hữu Văn nghiện ma túy đã dắt díu theo cả vợ và 2 con trai cùng 1 con dâu vừa nghiện và buôn bán ma túy đều bị bắt và kết án tù…

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng. Đáng báo động là có xu hướng trẻ hóa người sử dụng ma túy, nhiều nơi có cả học sinh THCS. Trong khi đó, nhiều cơ sở cai nghiện đang trong tình trạng quá tải. Cả nước hiện có 95 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép hoạt động; số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện này là gần 35.000 người, chỉ chiếm 1/7 số người nghiện.

Đối tượng Đinh Công Tạo quê ở Lương Sơn (Hòa Bình) bị Công an huyện Chương Mỹ bắt tại đồi chè Thanh Bình, đã bị tòa án xử 9 năm tù giam.Đối tượng Đinh Công Tạo quê ở Lương Sơn (Hòa Bình) bị Công an huyện Chương Mỹ bắt tại đồi chè Thanh Bình, đã bị tòa án xử 9 năm tù giam.

Đề nghị không quy định thời gian cai nghiện mà phải quy định buộc đi cai nghiện cho đến khi không còn nghiện nữa thì mới cho tái hòa nhập cộng đồng. Việc quản lý các đối tượng sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là rất cần thiết, bởi tỷ lệ tái nghiện khá lớn nên phải quy định trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Cuộc chiến còn gian nan

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, tình hình buôn bán, sử dụng ma túy trên địa bàn huyện Ba Vì có chiều hướng phức tạp, vừa tăng về số người nghiện và số vụ án lớn hơn, nhất là người nghiện ma túy tổng hợp. Năm 2020, Công an huyện Ba Vì đã quyết tâm xóa các điểm phức tạp về ma túy đã diễn ra nhiều năm qua nên đã vào cuộc quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp mạnh để trấn áp loại hình tội phạm này như: Tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm bắt thông tin qua các đầu mối ở cơ sở, đấu tranh triệt phá ổ nhóm tàng trữ ma túy ngay từ khi mới manh nha. Công an huyện Ba Vì đã triệt xóa các điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn 4 xã/thị trấn: Tây Đằng, Thái Hòa, Phú Sơn và Vạn Thắng.

Theo Thượng tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, là địa bàn có tuyến Quốc lộ 6 và tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền với các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, lại tiếp giáp với 5 quận. Những năm gần đây, tội phạm ma túy trên địa bàn huyện Chương Mỹ có diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, Công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và 32 xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về tác hại cùng các phương thức, thủ đoạn hành động của tội phạm ma túy đến khu dân cư, trường học, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời, tích cực rà soát để phát hiện người nghiện ma túy, lập hồ sơ đề nghị các địa phương áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương cũng như đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý đang gặp khó khăn bởi việc xử lý người nghiện ma tuý lại chưa được coi là tội phạm dẫn đến số người nghiện tăng nhanh và số người nghiện này đã gây ra các vụ án.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an xác định ma tuý là tội phạm của mọi tội phạm, là nguyên nhân gây ra hầu hết các tội phạm khác nên cần tăng cường đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này. Từ nghiện ma tuý sinh ra tội phạm trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí giết người, cướp; sử dụng ma tuý gây ảo giác giết cả gia đình... Điển hình như vụ giết nữ sinh viên Học viện Ngân hàng tại huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng do đối tượng nghiện ma tuý gây ra. Sử dụng ma tuý không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn lâu dài, và hơn 50% phạm nhân trong các trại giam là đối tượng liên quan đến ma tuý.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thêm trong Chỉ thị 36, Bộ Chính trị đã xác định vai trò của lực lượng Công an chủ trì trong phòng, chống ma tuý. Đấu tranh chống ma tuý không chỉ trong nước, trong khu vực biên giới mà còn phối hợp với nước ngoài để đấu tranh. Mục tiêu là ngăn ngừa ma tuý từ nước ngoài vào, trong nội địa phải ngăn chặn nguồn cầu. Vì vậy, từng xã, phường, khu dân cư đến gia đình phải quản lý người nghiện, tham gia tổ chức cai nghiện và đảm bảo an toàn cho đại đa số người dân. Với tội phạm ma túy, phòng ngừa rất quan trọng. Đấu tranh chống ma túy không chỉ là đấu tranh với tội phạm mà phải phòng ngừa, giảm nguồn cung, giảm tác hại của ma túy.

Bài và ảnh VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.