Nâng cao cảnh giác với tội phạm công nghệ cao dịp giáp Tết

Chia sẻ

Thời điểm giáp Tết, tội phạm lừa đảo qua không gian mạng có dấu hiệu gia tăng. Các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều người dính bẫy lừa mà không biết.

Chiêu thức tinh vi, đánh vào lòng tham và cả tin

Mới đây, một cụ bà 80 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã nhận ra chiêu giả công an, lừa đảo qua điện thoại để trình báo cơ quan chức năng. Theo đó, bà N.T.V (trú tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an quận nói bà liên quan đến một vụ án và yêu cầu bà chuyển 250 triệu đồng trong tài khoản để kiểm tra. Nếu bà không chuyển thì sau 2h chiều cùng ngày sẽ có người đến để làm việc và bắt giữ.

Thấy hành vi nghi vấn của đối tượng, bà V đã báo công an phường. Ngay sau đó, công an phường xác định đây là vụ lừa đảo qua điện thoại.

Thực tế, không phải ai cũng có thể tỉnh táo được như bà V khi gặp phải tình huống bị lừa đảo qua mạng. Bởi theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, công an cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo qua mạng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, tội phạm giả danh công an, viện kiểm sát… chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được trình báo. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi thực tế, rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo đã không tố giác tội phạm. Nhiều người còn cho rằng mình dại nên mới mất tiền oan và “không có bằng chứng thì không thể tố cáo”. Hoặc nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền chỉ một vài trăm đến một vài triệu, họ “ngại” trình báo vì cho rằng số tiền nhỏ và khó lấy lại được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một thủ đoạn lừa đảo mới “rộ” lên vào dịp giáp Tết là lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo cho vay vốn giải ngân của ngân hàng. Cụ thể, đầu tháng 1/2021, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đã triệt phá một ổ nhóm lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người. Để lừa đảo, các đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng, đăng thông tin hỗ trợ các ngân hàng vay vốn, giải ngân nhanh trên mạng xã hội facebook. Khi bị hại có nhu cầu vay vốn, các đối tượng hướng dẫn kết bạn qua zalo, chụp ảnh giấy tờ làm hồ sơ vay vốn gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, rồi chuyển cho các đối tượng. Sau khi có thông tin, các đối tượng sẽ làm giả hợp đồng tín dụng của ngân hàng rồi gửi cho nạn nhân với yêu cầu phải đóng tiền để mua bảo hiểm, trả góp trước 3 tháng mới được giải ngân khoản vay. Do thiếu hiểu biết, nhiều người đã mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi đã nhận được tiền, các đối chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân. Theo cơ quan điều tra, các đối tượng đã lừa đảo hơn 400 bị hại với số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng. Vụ án này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho những người nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết khi thực hiện giao dịch vay tiền qua mạng xã hội, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, giáp Tết.

Người dân cần tỉnh táo để tránh sập bẫy lừa

Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao, Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có những diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức khác nhau. Nhiều vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, với số nạn nhân hàng nghìn người, gây ra nhiều thiệt hại lớn.

Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo, cảnh báo của cơ quan chức năng. Khi dùng tài khoản facebook, zalo, người dùng phải kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, nhanh chóng cảnh báo cho bạn bè, người thân khi tài khoản bị chiếm đoạt để phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng. Ngoài ra, khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân cần báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất, gọi tới đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội 113 hoặc trang facebook Công an Hà Nội.

Tang vật thu được trong vụ án lừa đảo tại quận Hoàn Kiếm 	(Nguồn: Công an Hà Nội)Tang vật thu được trong vụ án lừa đảo tại quận Hoàn Kiếm (Nguồn: Công an Hà Nội)

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác. Người dân không nên cung cấp mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.

Đồng thời, khi có đề nghị đăng nhập trang web lạ, người dân không nên gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch bằng Internet Banking, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta (công an, viện kiểm sát, tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều yêu cầu công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp; tuyệt đối không trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và không bao giờ buộc người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh.

Đối với hành vi vay tiền qua mạng xã hội, người dân không nên vay tiền của các loại hình được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân ngay trong ngày thông qua các trang mạng xã hội. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân hãy tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh ngân hàng để được vay vốn, bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật, tránh trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, những hành vi lừa đảo trên mạng xã hội đều mang dấu hiệu tội phạm khiến cho nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Hành vi lừa đảo có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự được quy định tại Điều 74 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản và Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức hình phạt có thể lên đến Chung thân. Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng mạng xã hội cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng.

“Trước hết, người dân tuyệt đối không đưa lên tài khoản facebook của mình những thông tin cá nhân quan trọng, như số tài khoản, địa chỉ nhà, các số điện thoại, email… vì điều này khác nào gọi “đạo tặc” đến nhà, bởi các đối tượng tội phạm cũng sử dụng facebook, thậm chí đây là kênh quan trọng để chúng phát hiện con mồi. Với những lời đề nghị trên facebook liên quan đến vật chất (vay mượn tiền, cào thẻ điện thoại…), nếu có số điện thoại của chủ trang facebook, nhất thiết phải gọi kiểm tra trước khi gửi tiền, vì rất có thể người bạn đó đã bị “hack” facebook, hoặc lời yêu cầu đó tại trang giả mạo. Nếu không có cách nào liên lạc, cần thận trọng và cân nhắc kỹ có nên đáp ứng hay không” – Trung tá Hiếu cho biết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.