Chiếc áo bông của bố vợ và sự trở về của chàng rể

Chia sẻ

Hào và Luyến ly thân đã gần 3 tháng nhưng bà Thảo vẫn hay mời con rể qua nhà ăn cơm với vợ chồng bà - chuyện này có vẻ khó tin với nhiều người nhưng ở khu phố chợ chẳng ai lạ gì vì họ phong cho ông bà Thảo danh hiệu: Bố mẹ vợ cưng chàng rể nhất Hà Nội, nhì đồng bằng Bắc Bộ (không có nhất).

Còn Hào, cậu chàng luôn hâm mộ tình cảm đằm thắm, ấm áp của hai ông bà già. Nhiều người tin rằng Hào sẽ hàn gắn trở lại với vợ khi bện bố mẹ “đối phương” như thế này…

Người ta thường nói, vợ chồng nào cũng vậy, khi mới lấy nhau, kiểu gì cũng phải vượt qua 5 năm thử thách đầu tiên rồi mới tính có thể cùng nhau đến bao giờ chứ đừng mơ vội sẽ đi cùng nhau tới “đầu bạc răng long” ngay từ thuở mới về. Quả nhiên điều này đúng với vợ chồng Hào - Luyến. Bởi họ đã mất ba năm yêu nhau và chỉ đợi ra trường để cưới, về ăn cơm cùng một nhà. Thế mà ước nguyện vừa đạt được, chưa qua năm đầu “cơm đóng gạo góp”, tình cảm vẫn mặn nồng thì bỗng dưng xảy ra chuyện: Luyến rất hay dỗi vặt và cứ buồn buồn, nghĩ vẩn nghĩ vơ. Có hôm Luyến tranh cãi kịch liệt với chồng và liệt kê, moi móc hàng loạt những chuyện tỉ ti từ đời nảo đời nào và kết luận rằng Hào chưa yêu vợ bằng Luyến yêu chồng.

Những chuyện linh tinh đó ban đầu còn khiến cả hai thấy thú vị vì nó có vẻ là món gia vị giống như ăn riêu cá cần có rau sống hay ăn bún đậu thì không thể thiếu mắm tôm. Nhưng lâu dần những chuyện đó lại ảnh hưởng trầm trọng tới tâm trạng và cách cư xử của Luyến đối với chồng. Nếu những ngày ở giảng đường đại học, Luyến duyên dáng bao nhiêu, tự tin bao nhiêu, khiến Hào luôn thắc thỏm lo ai đó sẽ “cua” mất người yêu thì khi lấy nhau Luyến hay suy tư, hay buồn chán và mất tự tin bấy nhiêu.

Có đôi khi, chỉ vì tới cơ quan chồng, trông thấy cô bé cùng phòng xinh tươi đon đả chào và Hào hỏi han mấy câu thân thiết, Luyến cũng ngồi im thin thít suốt cả chặng đường về, chồng hỏi gì cũng không nói. Về tới nhà là lao ngay vào giường nằm như bị trúng gió. Vào một hôm trăng rất đẹp, hai vợ chồng đến nhà cô em họ ăn cơm rồi dự sinh nhật, bất chợt Hào gặp lại “mối tình đầu thơ ngây thời… “ị bô” của mình, đó là Tuyết Mai, cô bạn học cùng mẫu giáo. Mọi người hồn nhiên kể lại chuyện Hào thích cô bé tới nỗi cứ không ăn cơm thì cả nhà lại dỗ: “Ăn rồi cho tới nhà Tuyết Mai chơi” thế là Hào ăn ngon lành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mà Hào thích nhất là mái tóc giả như búp bê, thả từng lọn xinh xinh của Tuyết Mai khi cô được mẹ mua cho dịp Trung Thu. Luyến nghe có vẻ thích thú, cười nói vui vẻ. Hào thấy vợ vui cũng rất vui. Trên đường về, anh hồn nhiên kể thêm một số chuyện về Tuyết Mai. Luyến đế theo một cách nhẹ nhàng khiến Hào càng hứng khởi, tưởng được khích lệ Hào còn bảo hay Luyến về làm tóc giống kiểu tóc giả ngày xưa Tuyết Mai làm.

Hào không hề biết rằng, câu chuyện ngày hôm đó đã ngấm ngầm làm trái tim Luyến nhói đau, cơn ghen âm ỉ nhen nhóm trong lòng. Vốn yêu chồng nên Luyến khó kìm chế những cảm xúc trong trái tim và cô luôn luôn sợ mất anh. Tình yêu đó khiến Luyến trở nên quá nhạy cảm trước mọi chuyện. Còn Hào khi vượt qua giai đoạn khó khăn lúc yêu đương, cưới được vợ rồi anh như người trút được gánh nặng nên trở thành hồn nhiên vô tư quá đỗi, không để ý tới những thay đổi trong lòng vợ.

Cứ thế, mỗi ngày Luyến càng trở nên héo hon, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc và thi thoảng cô lại nằm lỳ ở giường với cơn “đau tim” ngấm ngầm tra tấn. Hào thấy vợ cứ dửng dưng, ốm đau thế nào cũng không giãi bày, hỏi chẳng thèm nói thì rất bực nhưng cố nhịn. Mâu thuẫn bùng nổ chỉ bởi một tình tiết rất nhỏ, mà đôi khi nghĩ lại Hào tự hỏi: “Không có nhẽ, lại chỉ vì cái chân chống xe máy?”. Hôm đó, khi Hào đưa vợ đi chợ, vì Luyến cứ nhủng nhẳng, lại hay cáu cẳn vô lối và cứ lì lì không thèm nói gì khi Hào quan tâm nên Hào không cài mũ bảo hiểm cho vợ như mọi khi mà đưa mũ cho Luyến. Luyến có vẻ hơi miễn cưỡng cầm lấy, sau đó Luyến cứ đứng chờ mà chưa lên xe, Hào bực quá, lần đầu gắt gỏng: “Thưa chị, còn sao nữa đây, hay để em bế bà trẻ lên xe nhé!”.

Thế là Luyến giàn dụa nước mắt, cúi đầu lấy tay gạt cái để chân xe máy ra. Lúng túng thế nào Hào đã ngồi sẵn trên xe rồi mới cáu cẳn lấy chân gạt mạnh cái chân chống xe máy và do quá đà trượt chân đạp vào tay Luyến. Thế là Luyến òa khóc nức nở, vứt cái mũ bảo hiểm ra đường, chạy như điên vào nhà, lao vào phòng ngủ đóng rầm cửa lại nằm khóc. Hào bực mình dựng xe lao theo, vừa đập cửa vừa nói to: “Em vừa vừa thôi, không thể nào chịu đựng được, càng ngày càng như bà lão. Em là vợ anh chứ không phải mẹ anh nhé, em xem lại mình đi”. Thế rồi Hào bỏ đi, không quên để lại tiếng rầm khi đóng cửa nhà thật mạnh.

Tối hôm đó Hào về nhưng Luyến không nói câu nào, cũng từ bữa ấy Luyến tách ra ngủ riêng, lẳng lặng đi làm một mình và về không nấu ăn. Hào vừa dỗ vừa hỏi han vừa tìm cách làm lành nhưng Luyến như người cấm khẩu. Mắt Luyến thâm đen, người gầy guộc và cuối cùng Luyến quyết định… ly hôn. Hào không tài nào hiểu được vợ, cho rằng cô bị ma làm. Vì hai người yêu nhau, anh không hề có lỗi gì, Luyến cũng không có vấn đề gì về tâm lý hay sinh lý nhưng không thể nào hiểu được lý do một chuỗi những ngày Luyến thay đổi một cách lạ thường như vậy. Hào đồng ý chia tay nhưng trước khi quyết định, anh dọn về nhà bố mẹ ở và hẹn vợ cho anh 3 tháng để chuẩn bị vì anh vẫn cảm thấy quá sốc.

Đầu giờ chiều mùa đông ngày nghỉ, nắng ấm áp trải dài trên những con đường vắng, Hào chợt thấy nhớ vợ khủng khiếp. Anh cảm thấy như mình chưa bao giờ thực sự hiểu Luyến. Nhớ lại ngày yêu nhau, hai đứa ríu rít trên những con đường mùa đông thay lá anh gọi cho Luyến nhưng máy tắt. Hào vòng xe đến nhà bố mẹ vợ chơi cho khuây khỏa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tới sân nhà, anh thấy bố vợ đang ngồi bên đống quần áo rét phơi nắng trước hiên. Ông cầm chiếc áo bông cũ lên ngửi, rồi hít hà và cười một mình. Hào thấy làm lạ, mon men tiến tới khẽ hỏi: “Nó bị làm sao hả bố?”. Ông Thảo phá lên cười: “Nó chẳng làm sao cả, nhưng nó có hơi của bà ấy”. Cả hai bố con cùng cười vang. Ông Thảo trêu chàng rể: “Anh cũng tò mò nhỉ, hay anh thấy tôi buồn cười?”. Hào thật thà: “Không, con lại tưởng nó có mùi gì hay bị mốc”. Ông Thảo cười đỏ hồng gương mặt, ông nói: “Mốc là mốc thế nào. Để tôi kể cho mà nghe: Chiếc áo này bà ấy mua tặng tôi, nhưng cứ khi lạnh thì tôi lại “ga-lăng” khoác cho bà ấy. Nhưng bà ấy không thích. Ban đầu tôi hơi khó hiểu vì tại sao hành động đáng “ghi điểm” của mình lại không làm người mình yêu vui.

Sau này tôi tự tìm ra câu trả lời: Đàn bà khi yêu họ không thích những thứ không thuộc về người yêu của mình, có nghĩa cái gì mình dành cho người ta phải đích thị là của mình chứ không phải của người khác, kể cả là cái mà người ta tặng mình. Do đó, tôi khoác cái áo bà ấy tặng cho tôi là bà ấy không thích. Nhưng khi tôi khoác cái áo cũ nhưng là của tôi thì nàng lại rất mê”. Hào ớ người ra và chợt hiểu vì sao Luyến lại đau khổ nhường ấy. Đúng, vì Luyến yêu chồng, không muốn chia sẻ bất cứ điều gì ở chồng với người khác, ngay cả một sở thích từ thuở nảo, thuở nào khi mà cô ấy chưa từng biết đến anh, nhất là lại liên quan tới một phụ nữ khác, tai hại lại còn là người phụ nữ anh đã thích.

Hào vội vã phi ra xe quên cả chào bố vợ, ông Thảo gọi với: “Này, có chuyện gì mà như bị điện giật thế, không chào nhau câu nào vậy?”. Hào nói trống không: “Chiều tối nhé!” rồi rồ xe lao đi tìm vợ. Hào biết chắc chắn anh đã chinh phục và có được người mình yêu vào thời điểm khó khăn nhất, bây giờ, một lần nữa, anh nhất định sẽ có lại người mình yêu vì so sánh tương quan hiện tại số điểm đang nghiêng mạnh về phía mình.

Quả nhiên, sau mấy tiếng đồng hồ dồn hết tâm huyết trình bày, giải thích, xin lỗi, dỗ dành Luyến cũng chịu quay gương mặt sưng nề với đôi mắt bọng to và thân hình gày xanh ra nhìn chồng. Hào không thể tưởng tượng được Luyến lại dành cả hai ngày nghỉ cuối tuần chỉ để khóc và tra tấn bản thân mình bởi những suy luận quá đà. Có lẽ, trên đời này, chỉ còn có một mình vợ anh mới có kiểu yêu kỳ lạ như vậy mà thôi. Chiều hôm đó, đúng như đã hứa, Hào đưa vợ tới nhà bố mẹ ăn cơm và họ làm lành với nhau.

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.