Bà ngoại

Chia sẻ

Chiều hôm đó, từ bệnh viện trở về, mẹ tôi thông báo một tin rất buồn: Bà ngoại mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Dần dần, rất có thể, bà sẽ không còn nhận ra người thân của mình. Vì thế con làm được gì cho bà thì hãy làm nhé.

Lời nói của mẹ khiến tôi bàng hoàng, không dám tin đó là sự thật. Bà ngoại tôi rất thương yêu các con, cháu. Làm sao có chuyện một ngày nào đó, bà sẽ không còn nhớ gì đến chúng tôi nữa.

Theo sự dặn dò của mẹ, tôi bắt đầu quan tâm đến bà nhiều hơn. Trừ những lúc phải đi học, tôi thường quanh quẩn bên bà, hỏi bà đủ thứ chuyện. Tôi hy vọng khi được quấn quýt bên con cháu, hình ảnh của chúng tôi sẽ hằn sâu hơn trong trí nhớ của bà, để rồi dù bệnh có tiến triển đến đâu cũng không thể xóa chúng tôi đi được nữa.

Thi thoảng, tôi lại hỏi bà: “Bà có biết cháu là ai không?”. Bà tôi cười hiền, gõ vào đầu tôi: “Bà là người bế bồng cháu, không nhẽ lại không nhận ra cháu là ai. Cháu là cháu ngoại của bà. Hồi nhỏ, cháu thường nằm cạnh bà, đợi bà xoa lưng mới chịu ngủ”.

Tôi mừng, thở phào, vậy là bà vẫn ổn.

Tôi lại hỏi tiếp: Vậy bà có mấy người con? Bà nhớ không?

- Bà chỉ có một mụn con gái là mẹ cháu thôi. Bà thương mẹ cháu lắm. Cái lần ấy mẹ cháu bị ốm, bà nấu cho mẹ cháu bát cháo mà bỏ nhiều muối khiến cháo mặn chát, mẹ cháu không ăn được gì. Tội nghiệp.

Tôi quay sang ôm chầm lấy bà. Bà tôi lại lẩn thẩn rồi. Thực ra, người nấu bát cháo mặn ấy chính là mẹ tôi chứ không phải bà. Câu chuyện bát cháo tôi đã nghe mẹ kể lại rất nhiều lần. Mẹ bảo, mẹ cứ ân hận vì lúc bà ốm, vì sự đểnh đoảng của mình mà mẹ không chăm lo cho bà chu đáo.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Sau khi mẹ tôi lấy chồng, bà ngoại tôi ở quê một mình. Một lần, bà đi ra cổng làng rồi tự nhiên quên đường về. Ngôi nhà của chúng tôi ở ngay gần đó mà bà không nhận ra. May nhờ có người hàng xóm giúp dẫn bà về nhà. Sau đó, còn vài sự cố nữa xảy tới khiến chúng tôi bắt đầu tin rằng, có chuyện gì đó không ổn đang xảy ra với bà.

Mẹ tôi liền tức tốc về quê để đón bà lên ở với gia đình tôi. Nhưng, nói mãi mà bà vẫn không chịu đi. Bà lại tỏ ra minh mẫn, viện ra nhiều lý do để từ chối. Nào thì bà còn phải hương khói tổ tiên, chăm sóc nhà cửa, rồi bà nhớ các bạn già trong xóm. Mẹ tôi liền nói: “Nhà con cũng ở ngay gần đây. Bà sang đó chơi thôi rồi chiều lại về nhà vậy nhé”. Bà nghe vậy mới vui vẻ đồng ý. Chúng tôi đưa bà đi, mà trong lòng muốn khóc.

Kết luận của bác sĩ khiến chúng tôi không còn nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của bà nữa. Mỗi ngày qua đi, bà tôi lúc tỉnh, lúc quên, hồn nhiên như một đứa trẻ.

Cho đến những ngày gần đây, bệnh của bà có vẻ diễn tiến nặng thêm. Hôm qua, trong bữa cơm, tự nhiên bà buông bát, nhìn tôi hỏi:

- Cô gì ơi, tôi đang ở đâu? Tại sao tôi lại ở nhà của cô. Tôi muốn về với gia đình mình.

- Tôi run run trấn an bà:

- Bà ngoại, bà đang ở trong gia đình mình đấy. Cháu là cháu ngoại của bà. Còn đây là mẹ cháu, con gái bà.

- Không phải. Cháu tôi còn nhỏ lắm. Nó đang cần tôi bế bồng. Tối đến, tôi còn phải xoa lưng cho cháu ngủ. Con gái tôi thì đang ốm. Vậy mà tôi lại nấu cháo mặn cho nó ăn. Các cô cho tôi về, để tôi nấu cho nó bát cháo khác. Chắc là nó đang đói lắm.

Mẹ quay sang, nháy mắt, bảo tôi im lặng. Rồi mẹ chạy lại đỡ bà đứng lên, dỗ dành:

- Bà ơi, vậy con đưa bà vào bếp để bà nấu cháo cho con gái bà ăn. Nấu xong thì con đưa bà về nhà với con gái và cháu ngoại của bà nhé.

Mẹ tôi đưa bà vào bếp, lấy gạo để bà nấu cháo. Một lát sau, bà ngoại kêu mệt nên mẹ dẫn bà vào phòng. Sáng mai thức dậy, bà ngoại có thể sẽ bình tĩnh hơn và không còn nhớ gì đến chuyện tối nay.

Tôi nghĩ về bà ngoại, thấy thương bà thật nhiều. Vì bệnh tật, bà tôi đôi lúc quên đi hiện tại, nhưng trong sâu thẳm, bà vẫn nhớ về quá khứ và những kỷ niệm yêu thương với các con, cháu. Bà cứ lo chưa chăm sóc con cháu tốt trong khi bây giờ, chính bà mới là người cần được con cháu phụng dưỡng.

Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật, mà sao, tôi vẫn không thể chấp nhận…

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.