Bàn tay của cha

Chia sẻ

Thơ về cha khá phong phú nhưng viết riêng về "Bàn tay của Cha" như thi sĩ Quý Phương quả là độc đáo. Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng, tri ân sâu nặng đối với Cha - người đã gánh vác bao cực nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người.

Bàn tay Cha, nắm tay con
Dìu qua tất cả những cơn bão đời
Khi con mái tóc xanh ngời
Tóc Cha bạc trắng mây trời kém xa

Bàn tay nhỏ, trong tay Cha
Con bình yên cả trong mơ vẫn cười
Nuôi con khôn lớn nên người
Tay Cha run rẩy, trở trời lại đau

Con như chim lạc phương nào
Đủ lông cứng cáp bay vào trời xanh
Nhớ, quên công đức sinh thành
Bởi còn toan tính lợi danh cho mình

Chiều nay ngơ ngẩn đứng nhìn
Trên con phố nhỏ có hình bóng ai
Nắm tay con trẻ bước dài
Trong làn mưa mỏng trên vai ướt mèm

Tự nhiên con bỗng dưng thèm
Bàn tay bé xíu nhỏ mềm như xưa
Để Cha nắm lại cho vừa
Dắt con qua những lọc lừa thế gian

Tự nhiên nước mắt tuôn tràn
Kiếp phù sinh ngắn hơi tàn mấy khi
Bôn ba rồi chẳng được gì
Cha ơi đợi nhé con về chiều nay
                                       Quý Phương

LỜI BÌNH
Thơ về cha khá phong phú nhưng viết riêng về "Bàn tay của Cha" như thi sĩ Quý Phương quả là độc đáo. Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng, tri ân sâu nặng đối với Cha - người đã gánh vác bao cực nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người. Nhan đề "Bàn tay của Cha" tạo cho người đọc ấn tượng khó quên. Nói bàn tay là nói đến một bộ phận cơ thể trực tiếp cầm, nắm để giao lưu tình cảm và nhất là để làm việc, dù là lao động chân tay hoặc trí óc.

Nói đến bàn tay của cha, người đọc hình dung ra đôi tay thô ráp, vạm vỡ, chai sần nhưng ấm áp. Bàn tay của cha có thể mang vác vật nặng, làm được việc khó. Từ "Cha" trong bài điệp tới 7 lần, được viết hoa thể hiện rõ thái độ kính yêu, cảm phục của chủ thể trữ tình. Thi phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh "Bàn tay của Cha" qua những điệp từ, điệp ngữ, qua hồi ức quá khứ của tác giả và nhất là hình ảnh "Bàn tay Cha nắm tay con" trao gửi biết bao yêu thương trìu mến. Nhờ có "bàn tay Cha", ân cần chỉ bày dạy dỗ mà con dần lớn lên nên người.

Bàn tay của cha - ảnh 1

Trong mỗi gia đình, người cha thương con theo cách riêng, chủ yếu biểu hiện qua việc làm và thường ít nói. Cha đảm trách vai trò trụ cột, nhận về mình những công việc nặng nhọc mà chẳng bao giờ kêu ca phàn nàn. Câu nói quen thuộc: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha" dường như ai cũng biết. Abbe' Pre'vót cũng viết: "Tấm lòng của người cha là một tuyệt tác của tạo hoá". Cha là người không chỉ yêu thương mà còn bao dung, quảng đại với con cái, với mọi người. Nhân vật trữ tình - người con vô cùng cảm động khi nghĩ về cha với niềm tri ân thành kính: "Bàn tay Cha, nắm tay con/ Dìu qua tất cả những cơn bão đời". Thơ lục bát gieo nhịp chẵn, song tác giả đã rất sáng tạo khi ngắt nhịp lẻ trong câu lục (3/3) để nhấn mạnh ý thơ. Nhờ có cha dìu dắt, quan tâm nâng đỡ, con mới có thể vượt qua được mọi giông bão của cuộc đời vốn rất nhiều chông gai, thử thách.

Tình cảm trân quý, yêu thương tin cậy và cảm phục cha lúc nào cũng thường trực trong lòng con không chỉ trong ý thức mà cả trong tiềm thức: "Bàn tay nhỏ, trong tay Cha/ Con bình yên cả trong mơ vẫn cười". Lại một lần nữa tác giả dùng kiểu điệp cú pháp và lối ngắt nhịp lẻ để nhấn mạnh cảm xúc thơ: khi có cha ở bên con luôn được bình yên, hạnh phúc, cả "trong mơ vẫn cười". Cùng với mẹ, cha cho con làm người, bàn tay cha nâng đỡ, dẫn dắt hướng dẫn con bước vào cuộc đời rộng lớn, cho con thắm nụ cười. Con được khôn lớn đã như chim đủ lông cánh chỉ muốn bay cao, bay xa, nào đâu biết ở nhà sức khỏe của cha giảm sút nhiều, cha thường yếu đau mỗi khi trái gió trở trời.

Chủ thể trữ tình đã lắng lòng mình nghĩ suy và ân hận vì đã có lúc quên lãng cha: "Bởi còn toan tính lợi danh cho mình". Câu thơ khiến người đọc tự vấn, nghĩ suy và hành xử sao cho phải đạo với đấng sinh thành. Chiều nay trên đường, bất chợt tác giả thấy một em nhỏ được cha dắt trên đường, trong lòng trào lên một ao ước bàn tay mình nhỏ bé lại như xưa để "cha nắm lại cho vừa", để lại được cha dắt dìu, nâng đỡ. Nghĩ vậy mà niềm xúc động dâng đầy: "Tự nhiên nước mắt tuôn tràn/ Kiếp phù sinh ngắn hơi tàn mấy khi/ Bôn ba rồi chẳng được gì/ Cha ơi đợi nhé con về chiều nay".

Khép lại bài thơ là lời ước hẹn của người con: về thăm cha ngay "chiều nay". Cuộc đời vô thường, cha già như trái chín cây, chưa biết rụng lúc nào. Người con đã có sự thức tỉnh rất kịp thời. Bởi người cha, người mẹ nào chẳng mong được gặp gỡ, được con cháu thường xuyên thăm nom chăm sóc. Tác giả dùng nhiều từ láy trong bài (run rẩy, toan tính, ngơ ngẩn, lọc lừa, bôn ba) góp phần làm cho tình thơ thêm dào dạt, lời thơ thêm gợi cảm.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)
Trạm cà phê và sách

Trạm cà phê và sách

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.