Xuân vườn

Chia sẻ

Năm nay xuân đến sớm, dù là năm nhuận nhưng hình như mùa xuân cứ đến sớm đối với vợ chồng Dung. Niềm vui cứ nhen lên một cách tự nhiên và dung dị, niềm vui không phải là mơ ước đâu đó, mà nó là từ trái tim thôi.

Dung không đếm đã bao mùa đi qua đổi sức lực, trí tuệ và cả tình yêu của vợ chồng Dung với cái trang trại này nên giờ bắt đầu vào thu hoạch thật là niềm vui vô bờ bến. Bao nhiêu người chê lên chê xuống. Hai đứa cùng học đại học sao không xin vào nhà nước làm quan, từ quan to đến quan bé thì đều được, chứ cúi lưng làm ruộng thì bao giờ mà khấm khá được. Lại còn làm thuê cho nhà vườn, mà vườn đâu chứ vườn ông Được thì…

Bạn bè cùng tốt nghiệp đại học đều có những vị trí công việc tốt, họ có những con đường đi riêng, mỗi người đi tới những chân trời mới, không ai giống ai. Với Dung, cô chỉ mong được mãi ở bên Thịnh hạnh phúc giản dị êm đềm là đủ. Hạnh phúc mà Dung cần là sự bình yên với công việc mà cô yêu thích. Khi lựa chọn vào ngành học, cả lớp cũng không ai giống Dung, các bạn chọn toàn những ngành học hấp dẫn, những nghề nghiệp có thể hái ra tiền sau khi rời ghế giảng đường đại học… Nhưng Dung chọn ngành trồng trọt ở đại học Nông nghiệp. Suốt ngày phải học với những cơ man nào là thổ nhưỡng, khí hậu, con sâu, cái kiến, cây và hoa… những thứ mà ở quê nhà Dung đã tưởng như quá biết tường tận, thì đến giảng đường đại học cô phải ngồi học một cách cẩn trọng.

Trong bốn năm học, Dung miệt mài học lý thuyết, chăm đi thực tiễn, rồi hoạt động phong trào năng nổ. Dung luôn là niềm tự hào của bạn bè, gia đình, nhưng con đường tiến thân thì cũng như bao nhiêu sinh viên đầu thế kỷ hăm mốt khi ra trường phải đối mặt với những sự lựa chọn khốc liệt của cơ chế, chính sách. Không chấp nhận thất bại từ những ngày đầu tiên ra cuộc sống tự lập, Dung xin vào làm thuê cho một chủ vườn mạn trung du. Ông chủ vườn này khá độc đáo, ông mê chơi chim cảnh, mê ca hát, mê cả làm vườn. Dung biết ông cần người là do đợt thực tập đó Dung đi cùng nhóm bạn đã đến trang trại của ông chủ vườn tên Được ấy. Và khi ra trường, cô nghĩ ngay đến ông, không giống như bạn bè vội vã xin xỏ vào các cơ quan nhà nước ở thành phố hay huyện thị nào, Dung khăn gói lên xin ông Được vào làm thuê cho ông. Thấy Dung trình bày thế thì ông cười cười bảo:

- Cháu đã nghĩ kỹ chưa mà lên đây làm thuê cho bác. Mày có bằng đại học mà lại đi làm thuê cho một ông làm vườn bình thường, mày nên nghĩ cho kỹ đi rồi hãy quyết định làm ở đây. Còn về phần bác, cứ coi như mày lại ở đây một đợt thực tập nữa là ổn, tùy cháu quyết định.

- Không ạ, cháu nghĩ kỹ rồi, bác cho cháu cơ hội ở đây với bác ạ. Vì nói thật với bác, một tháng thực tập khi trước, bác đã cho cháu tầm nhìn mới rồi ạ, vì thế cháu mới quyết tâm lên đây xin bác cho làm đó ạ.

- Ôi, bác không ngờ, vậy mày kể xem mày có tầm nhìn thế nào khi mày ở vườn ông Được cho bác nghe (dân quanh vùng chỉ quen gọi vườn ông Được).

- Heee vâng bác, là cháu sơ sơ cháu nhìn thấy thế này ạ. Bác có vườn, có sẵn cây con trong vườn rồi, cháu chỉ lên để làm nó sinh sôi thêm thôi ạ.

- Ái chà, khẩu khí con gái được đấy. Vậy thì bác đồng ý cho mày “nghịch” vườn của bác, lời ăn lỗ chịu đấy nhá, bác không bao cấp đâu, đừng tưởng sẵn nong, sẵn né mà kiếm ăn nhanh thế đâu.

- Vâng ạ, chỉ cần bác đồng ý cho cháu ở lại với vườn ông Được là cháu cầm chắc thành công rồi ạ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hai bác cháu cùng cười vui. Câu chuyện cũng đơn giản thế. Nhưng Dung không làm một mình, khi ông Được đồng ý thế, cô mạnh dạn rủ bạn đồng hành là Thịnh. Thịnh cùng học nhưng khác khoa, nghe Dung nói về dự định như thế thì Thịnh giãy nảy:

- Cậu có bị làm sao không, sao lại làm thuê cho ông Được, ở trên đó người ta bảo ông ý bị ma ám đó. Tớ không tham gia đâu.

- Hê, con trai gì mà nhát như thỏ đế. Bác Được hoàn toàn bình thường, cậu đừng nghe thiên hạ đồn đại. Cậu cứ đi với tớ rồi sẽ biết.

- Không, bố tớ cũng đang lo cho tớ về phòng quản lý đất đai của huyện, chỉ chờ có quyết định thôi.

- Thì… thì… cậu cứ đi với tớ lên vườn bác Được trong thời gian cậu chờ quyết định, khi có quyết định thì cậu về, tớ chả giữ. Nhé, dù sao, cậu cũng thân với tớ hơn cả, và cậu vẫn tin cậy tớ mà, chúng mình là bạn thân, cậu không giúp tớ khi này thì chả bao giờ tớ cần cậu giúp tớ đâu. Nói như thế này nhé, cho cậu đỡ áy náy, tớ cần cậu đi với tớ dăm bữa, nửa tháng thôi, cho tớ thêm tự tin cũng như mình vẫn cùng nhau lên ý tưởng ở các hoạt động trong trường ý, nếu tớ thất bại tớ vẫn trả công cho cậu, tất nhiên trả… từ từ. Còn nếu tớ thành công, khi nào cậu lấy vợ, tớ trả cậu bằng một trang trại như là trang trại vườn ông Được, thế được chưa. Đi với tớ nhé.

Nghe giọng Dung tỏ vẻ cầu khẩn thế, Thịnh bỗng bật cười và bảo:

- Ui trời, bà cô chưa chồng làm gì mà hách thế. Ngoặc tay nhé. Cậu không thực hiện được cam kết và bắn súng không nên thì cậu phải đền đạn gấp mười lần đó.

- Nhất trí luôn. Dung đáp luôn không cần suy nghĩ.

Dung vui như mở cờ trong bụng. Với Dung, Thịnh luôn là đứa bạn chí cốt, cả hai luôn đồng hành cùng nhau với nhiều ước mơ, cùng ý tưởng dù là sinh viên khác khoa, nhưng khi hoạt động xã hội Dung và Thịnh đã trở thành đôi bạn thân thiết từ chính những ý tưởng mà cả hai cùng hành động trong các chương trình ở trường. Cũng không hiểu sao mà Dung chỉ nghĩ đến Thịnh khi Dung bắt đầu nghĩ đến việc lên vườn ông Được. Nhiều lúc nghĩ lại Dung vẫn bật cười một mình. Khi những thành công bước đầu thành hình hài, Dung mừng lắm, những ý nghĩ tưởng như viển vông ấy cứ như cùng dắt nhau xúm xít ở Vườn ông Được cho Dung thử nghiệm từ thành công này đến thành công khác, công lớn nhất không thể không kể đến đó chính là sự làm việc miệt mài của Thịnh trong mỗi giờ, mỗi khắc ở khu vườn chỉ toàn cây cối buồn tẻ này. Dung biết, những giọt mồ hôi của Thịnh, những tư duy khoa học của Thịnh đã cùng cộng hưởng với cô để cô thành công với những thử nghiệm khoa học…

Và dù Thịnh còn lưỡng lự, Dung đã kéo Thịnh đi, khi hai đứa dắt nhau lên vườn ông Được, ông Được thấy hai đứa lên thì rất ngạc nhiên, ông cười mỉm bảo hai đứa:

- Này con Dung, bác nói chỉ nhận mỗi mày sao mày còn mang thêm ai nữa đây. Vườn nhà bác là kén đàn ông con giai lắm đó cháu gái nhé.

- Dạ, bác ơi, đây là người phụ tá của cháu ạ.

- Xì, ai là phụ tá của cậu.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Sau khi nghe Thịnh bật ra nói câu đó, cả ba cùng cười vang. Vườn ông Được nằm trên ba quả đồi xoai xoải, vì ông Được lên khai vỡ đầu tiên ở đây nên thành ra bà con gọi vườn mang tên ông, chứ tên cũ của nó là khu đồi Xoải. Tên Xoải không biết biến âm từ đâu, nhưng dân gian gọi lâu rồi thì cứ gọi thế. Cũng có thể bên cạnh đó là những vùng đồng bằng bằng phẳng, phía xa là vùng núi cao ngất gọi là đỉnh Phủi. Những tên địa danh đó đều đã có từ lâu lắm. Dung và Thịnh cũng chỉ biết gọi thế. Ông Được thì nghe dân vùng Phủi đồn đoán ông từng bị bệnh phong không chữa được, gia đình ông giàu có, nên đã lên đây xin đất đồi của xã để cho ông có chỗ chữa bệnh. Ông chữa có khỏi không thì không ai biết, nhưng sau một thời gian dài thì người ta thấy vùng đồi Xoải đang heo hút chỉ thấy cỏ dại cằn cọc mọc, mỗi ngôi nhà bé xíu của ông ở đỉnh đồi thì bỗng cứ như mâm xôi đùn lên từng ngày. Mùa nào thức ấy, hoa quả, chim chóc ríu rít tụ về vườn của ông. Rồi ông tự thuê xe gạt đường, làm hẳn con đường to kết nối từ phía đường liên xã chạy thẳng lên khu đồi của ông. Nhờ có con mắt thẩm mỹ nên ông khéo biết chỉnh trang vườn cây và nhà ở, vườn rau, ao cá, chim hoa… đầy vườn như một phép màu..

Chính vì thế mà Dung mới có một kỳ thực tập đặc biệt ở vườn ông trong kỳ cuối đại học với nhóm bạn và giờ cô trở lại đây để được thực hiện những ấp ủ của mình ở nơi này. Ông Được có dáng người khắc khổ, thoạt nhìn nghĩ ông bị một bệnh gì đó như nghiện thuốc lào, nghiện rượu, nghiện thuốc phiện nữa hay sao mà chả bao giờ thấy ông béo lên, da thì xanh bủng, nhưng ông vẫn vui vẻ vồn vã nếu có điều kiện là giúp dập đám trẻ con cơ nhỡ, cho quả thực nhà nào dưới làng lên xin. Khi mà nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khắp nơi tràn lan thì cây trái, rau dưa trên vườn nhà ông càng có giá trị. Khi Dung và Thịnh đến, khu vườn đồi ông Được như thêm một nguồn sinh khí mới. Ông Được vốn kiệm lời nên không nói ra nhưng ông âm thầm để cho Dung và Thịnh thực nghiệm những chương trình của họ bằng khoa học vào vườn của ông. Thế là mùa cam ngọt, Dung gọi luôn tên là Cam Ông Được, cam trồng theo khoa học an toàn về mọi điều kiện chăm sóc. Vụ đầu tiên thu hoạch đã lãi ngoài sức tưởng tượng của ông Được. Rồi tiếp đến mùa bưởi cũng thế, giống bưởi được lai tạo mới Dung gọi luôn là Bưởi Ông Được, ông Được vui như mở cờ trong bụng. Tên hai loại cam, bưởi mang tên ông đúng là điều ngoài sức tưởng tượng của ông.

Ngoài việc bán trái bưởi và cam thương phẩm, Vườn ông Được còn là nơi cung cấp giống bán cho thương lái những nhà vườn khăp nơi. Tiếng lành đồn xa… Vườn ông Được giờ không chỉ nổi tiếng bởi tên ông gắn với những đồn đoán kỳ dị này khác mà trở thành tâm điểm của huyện, của tỉnh về mô hình kinh tế mới như các nhà đài, nhà báo vẫn nói hàng ngày một cách ví von “nhà khoa học cộng với người nông dân ra quả ngọt”. Người vui nhất là Dung thì đúng rồi, nhưng vui nhất vẫn là ông Được, ông vui mừng không tả xiết vì ông chẳng có công trạng gì mà hai đứa nó đã mang đến cho ông niềm vui quá lớn. Và hơn cả, là ông đã tác thành cho hai đứa nên vợ nên chồng. Đó là niềm vui mà ông cũng không bao giờ mơ tới. Ông chỉ nghĩ đến vùng đồi heo hút này để né tránh mọi sự đời, ai ngờ ông lại làm cho vùng đồi Xoải này trở thành một ngọn đèn lung linh tỏa sáng, cả vùng núi Phủi mênh mông hoang vắng ngày nào giờ sum suê, đông đúc người đến và ở lại.

Phần Dung, cô cũng mừng vô cùng khi những ý nghĩ của mình đã hiện thực hóa ngoài sức mong đợi. Dung không nghĩ Thịnh đã đồng cam cộng khổ cùng cô để cô được thực hiện những ấp ủ với tình yêu trồng trọt của mình như thế. Mùa xuân này, không chỉ là niềm vui trọn vẹn của vợ chồng cô ở khu vườn ông Được huyền thoại là tiếng đập của đứa con của cô và Thịnh đang đạp trong bụng cô, mà là thương hiệu cam, bưởi vườn ông Được đã được cấp bằng chứng nhận sở hữu về giống. Niềm vui ấy như mùa xuân đang đâm chồi nẩy lộc ở ngoài vườn xuân kia… Ngồi giữa ngôi nhà vườn ấm cúng, ông Được nâng chùm quả cam mọng vỏ lên, ông bảo Dung:

- Bây giờ thì con gái đã đến lúc trả công cho thằng Thịnh như lời hứa chưa.

Dung cười hạnh phúc đáp:

- Con dành câu trả lời cho anh Thịnh ông ngoại ạ.

Nghe thế, Thịnh đang đứng cạnh gốc đào phía trước nhà bèn đùa:

- Ông ngoại ơi, thôi con bỏ vườn đi luôn đây. Con chán cam, chán bưởi lắm rồi ạ.

Cả ba cùng cười vui vẻ. Một làn gió nhẹ vừa phớt qua, trước cửa nhà cây đào mà Thịnh đã chăm chút để ghim cho nó nở đúng vào dịp Tết cũng đang rung rinh những nụ đào tươi thắm he hé.

Truyện ngắn của VŨ THẢO NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.