Cả hai thấy hạnh phúc là được

Chia sẻ

Người phụ nữ ấy tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân của chúng tôi từ thành phố cảng. Chị thú nhận không lạ gì “đất Hà Thành” và đã có một đôi lần đi ngang qua, nhìn thấy văn phòng, định vào, nhưng lại thôi.

Lý do khiến chị chần chừ là vì việc của chị đã kéo dài 3 năm nay và thực sự nó không quá lớn. Tuy nhiên, chị nói việc của chị như bị ngứa ghẻ, dẫu không “nguy hiểm chết người”, nhưng không giải quyết thoả đáng về tinh thần, khiến chị lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt, khó chịu, không an tâm hưởng niềm hạnh phúc.

Chị tâm sự rằng chị là người phụ nữ không may mắn trong hôn nhân. Chị vốn là một nữ sinh khá xinh đẹp, đã đoạt giải “hoa khôi” của trường năm chị học lớp 12. Chính vì thế, nên từ hồi học cấp ba, chị đã có quá nhiều thanh niên theo đuổi, tán tỉnh. Trong số những người theo đuổi hồi đó, có những bạn trai cùng trường, những anh trai cùng phố, có cả những anh trai hơn chị dăm bẩy tuổi, có cuộc sống độc lập, là thuỷ thủ tàu viễn dương, kinh tế khá giả. Chị đã không thể kiên tâm học tập và thi đại học như bố mẹ chị mong đợi, mà vội vã lên xe hoa theo một chàng thuỷ thủ cao to, đẹp trai, giàu có, người cùng thành phố. Ngày cưới, chị phải mặc áo cưới rộng vì đã có bầu hơn ba tháng…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm nay chị 42 tuổi, con trai chị 24 tuổi và chị cũng goá chồng tròn 20 năm. Cưới nhau được 7 tháng, chị sinh con trai trong niềm hân hoan của cả hai bên gia đình. Vừa học xong phổ thông, không nghề nghiệp gì đã lấy chồng, sinh con, nhưng chị và con trai được sống trong đầy đủ vì chồng chị nói “thừa sức nuôi em và 2 con cả đời”, chỉ cần “em là bến đỗ bình yên” sau mỗi chuyến đi xa. Nói đến đây, nước mắt lưng tròng, chị bảo, đúng là “niềm vui ngắn chẳng tày gang” và cuộc sống của chị “đang vui thì đứt dây đàn”. Trong một buổi tối đi liên hoan cùng bạn bè, chàng thuỷ thủ đẹp trai chồng chị đã ra đi mãi mãi vì vụ tai nạn giao thông. Chị thành goá phụ, con thành mồ côi cha khi cháu chưa tròn 4 tuổi.

Hai mươi năm chị ở vậy nuôi con ăn học đại học, ra trường, có việc làm. Suốt những năm tháng còn trẻ, nhiều người đàn ông, kể cả những thuỷ thủ là bạn đồng nghiệp của chồng muốn kết hôn với chị, nhưng chị đều từ chối. Vậy mà trong một lần đi du xuân, chị đã gặp một người đàn ông, dù chỉ gặp nhau 15 phút, vậy mà anh ấy khiến chị gắn bó suốt mấy năm nay, không dứt ra được.

Người đàn ông ấy hơn chị 10 tuổi, là sĩ quan quân đội, cũng cao to như chồng chị trước đây. Cái dáng cao lớn, bộ râu quai nón, đôi bàn tay rắn chắc, dáng vẻ nhanh nhẹn, cái nhìn ấm áp của anh đã chinh phục chị. Chị thú nhận đây là mối tình “sét đánh”. Gặp nhau trong quán nước, hỏi thăm nhau vài câu, chị xin số điện thoại, liên lạc điện thoại với anh vài lần, vậy mà chị quyết định “xăm xăm băng lối”, một mình đi từ Hải Phòng lên Hà Nội gặp anh. Người sĩ quan quân đội ấy cũng goá vợ 5 năm rồi, có con trai đi du học và định cư ở nước ngoài, con gái mới lấy chồng và ở Hà Nội, nhưng không ở cùng anh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Căn nhà được Nhà nước phân không rộng, nhưng ngăn nắp, gọn gàng “kiểu nhà binh”, mặc dù ngôi nhà đó không có bàn tay phụ nữ. Người đàn ông ấy chân thành và ấm áp hơn chị tưởng. Anh ấy biết nấu ăn, biết đàn và hát, biết quan tâm đến phụ nữ theo kiểu “phương Tây”. Lần đầu tiên chị lên Hà Nội gặp anh cũng là lần anh chị “trở thành tình nhân”. Cái đêm họ ở bên nhau ấy, chị nói nó ngọt ngào hơn đêm tân hôn, bởi ngày trước chị lấy chồng còn quá trẻ, lại có bầu khi đang học lớp 12, cái “đêm tân hôn” năm ấy nó dấm dúi, vụng trộm, chị chẳng có ấn tượng gì cả.

Anh nói yêu chị, chị nói chị yêu anh còn trước cả khi anh nói.

Suốt hai năm trời, cứ tuần này anh xuống Hải Phòng thì tuần sau chị lên Hà Nội. Họ dành cho nhau trọn vẹn những ngày cuối tuần ấm áp. Vì yêu xa, nên lần nào gặp cũng vui, đêm nào cũng là đêm tân hôn. Chị nghẹn thở vì hạnh phúc, niềm hạnh phúc muộn màng như bị dồn nén bao nhiêu năm. Anh tiễn chị về bịn rịn như tiễn người đi xa. Anh giới thiệu chị với bạn bè và các con anh, họ đều vui vẻ tiếp đón chị. Chị cũng nói chuyện tình yêu của mình cho con trai, con trai chị bảo cứ điều gì làm mẹ vui là con OK hết. Con của anh cảm ơn chị vì từ khi có chị, anh vui vẻ hơn, lạc quan yêu đời hơn. Chị hạnh phúc, nhưng vẫn cảm thấy chưa trọn vẹn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh không nói gì đến chuyện kết hôn, hay đăng ký kết hôn. Anh nói anh yêu chị thật lòng và qua cảm nhận, chị cũng thấy điều đó. Còn tình cảm chị dành cho anh thì khỏi phải nói, có lẽ nó còn hơn cả tình yêu. Bao nhiêu lần chị định hỏi “anh coi em là cái gì?”, nhưng lại ngại. Chị sợ nhất là anh nghĩ mình muốn trói buộc anh. Chị sợ nhất là làm anh hiểu lầm, rồi biết đâu mối quan hệ này rạn nứt.

Khi chị tâm sự đến đây, chuyên viên tư vấn đã hiểu điều chị băn khoăn, điều thôi thúc chị đến gặp tư vấn. Giá chị là cô gái 18, đôi mươi, yêu lần đầu, khi thấy người yêu ba bốn năm chỉ biết yêu chứ không nói gì đến đám cưới, chắc chắn các chuyên viên đã bảo chị “stop lại” để thử lòng, hay giả vờ hờn dỗi, giả vờ bỏ chạy, thậm chí là “hỏi thẳng” anh người yêu. Nhưng chị và anh không phải là đôi trẻ mới yêu lần đầu, cả hai yêu nhau mãnh liệt, song mỗi người đều có một quá khứ riêng, khoảng trời riêng, không còn quá trẻ để xoá hết và làm lại từ đầu.

Chuyên viên tư vấn thăm dò suy nghĩ của người phụ nữ đang yêu:

- Thật sự chị có cần một thủ tục kết hôn, hay một đám cưới đàng hoàng không? Trong mối quan hệ với anh ấy, chị cảm nhận thấy điều gì là quan trọng nhất?

- Dạ không – người phụ nữ trả lời ngập ngừng – Thật ra em cũng đã có chồng, có con, còn sắp làm mẹ chồng, bà nội nữa. Một đám cưới hay tờ giấy đăng ký kết hôn cũng không phải điều quá quan trọng với em. Được sống trong tình yêu, được thường xuyên gặp nhau, chia sẻ những khát khao, những vui buồn trong cuộc sống mới là điều quan trọng. Nhưng em thấy chưa hiểu, rằng tại sao anh ấy không muốn nói đến kết hôn? Điều gì khiến anh ấy chỉ muốn duy trì cuộc tình như thế này?

- Chị có thể hỏi thẳng anh ấy – Chuyên viên tư vấn nói – Hoặc không hỏi, chị cũng có thể phán đoán rằng cả hai còn khoẻ mạnh, anh ấy là sĩ quan đương chức, cũng chưa đến mức độ cần “hai ta chung một nhà”, để nương tựa vào nhau lúc tuổi già. Việc hai người đăng kết hôn cũng ít nhiều phiền phức, liên quan tới việc chị phải “theo chồng” hoàn toàn. Vấn đề tài sản chung và riêng, tiền bạc, tài chính cũng là vấn đề phải suy nghĩ. Đặc biệt, nếu anh chị có xích mích (điều không tránh khỏi) dẫn tới việc muốn “dừng cuộc chơi” cũng không dễ dàng, bởi những ràng buộc pháp lý….

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Vậy theo các anh chị, tôi có nên tiếp tục duy trì mối quan hệ này không?

- Ôi, đây là vấn đề của chị - chuyên viên tư vấn nói – Anh chị đang là trai không vợ, gái không chồng, có quyền yêu nhau theo cách của riêng mình. Nếu anh chị coi tình cảm, sự gần gũi, chia sẻ là quan trọng thì hãy trân trọng những gì mình đang có, giữ nguyên tình trạng hiện nay. Ở đời, tìm được một đối tượng mà mình yêu người ta, người ta cũng thiết tha với mình, quả là không dễ đâu. Mối quan hệ nam nữ giống như một chậu hoa, có người kiên quyết mua chậu hoa về để trong nhà, biến nó thành “tài sản”, khi ấy họ đăng ký kết hôn để được bảo vệ. Nhưng cũng có người hưởng thức hoa bằng việc dắt tay nhau đi dạo chợ hoa, ngắm cánh đồng hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa mà không nhất thiết phải… mua chúng về. Tôi tin anh chị đều đủ chín chắn để biết mình cần gì và đâu mới là niềm hạnh phúc đích thực của mình…

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.