Gái cũ không cho nhận con

Chia sẻ

“Mẹ anh không cho cưới, thì anh không dám cưới! Mẹ anh không cho nhận con thì anh không dám nhận! Nay mẹ anh muốn nhận cháu đích tôn, thì anh quỳ lạy tôi xin cho nhận con! Cuối cùng anh vẫn chỉ là... thằng hèn!”... Như Ý ném vào mặt Hoành một chuỗi những ấm ức như vậy, rồi đóng sầm cửa, không cho “giai cũ” vào nhà.

Tình yêu trong trẻo

Khi Ý ra đời, nữ hộ sinh nói với mẹ cô: “Ôi con bé này xinh quá! Chân lại dài, lớn lên nó xinh đẹp và thông minh lắm đấy!”. Mẹ Ý đón con, thấy đúng như lời cô hộ sinh, bà vui mừng đặt tên con gái là Như Ý! Quả thực Ý lớn lên xinh đẹp, thông minh, học giỏi, niềm tự hào của bố mẹ và dòng họ. Khi cô đỗ đại học, ra Thủ đô đi học, cả gia đình vui mừng hân hoan, hy vọng một ngày cô thành công chốn kinh kỳ, làm rạng danh dòng họ và vùng quê nhiều khó khăn.

Như Ý nhận lời yêu của Hoành khi cô vừa ra trường mới đi làm thử việc. Hoành thì đã làm mấy năm ở một ngân hàng với thu nhập khá. Gia đình anh cũng ở ngay 1 trong 4 quận trung tâm cũ của Thủ đô, bố mẹ có chút gia thế, khá giàu có. Thế nên khi con trai cả đưa Ý về giới thiệu thì mẹ anh không hài lòng, bởi quê cô xa quá, tận miền Trung Nam bộ. Bất chấp sự không đồng thuận của mẹ, Hoành và Ý vẫn yêu nhau tha thiết. Chính vì cảm giác bị cấm đoán nên tình yêu càng mặn nồng. Kết quả là Ý có thai. Hoành rất vui, bàn với Ý cứ để cái thai qua tháng thứ 4 rồi mới báo cho mẹ, như vậy thì bà xót cháu nên nhất định phải cho cưới.

Nghe theo “âm mưu” của người yêu, Ý khấp khởi chờ đợi cái ngày cô đương nhiên được chào đón vào gia đình chàng trai mà cô yêu say đắm. Nhưng ngày đó đến, Hoành dẫn Ý về xin phép cưới, mẹ anh tím mặt lại, kiên quyết không đồng ý, còn nói những câu tỏ rõ sự coi thường cô. Ý bật khóc, bỏ về. Hoành chạy theo an ủi “Em yên tâm, anh sẽ thuyết phục mẹ. Và anh hy vọng bố sẽ ủng hộ chúng mình”. Ý lại thấp thỏm chờ sự thuyết phục bố mẹ thành công của Hoành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng Ý không phải chờ đợi lâu. Mẹ Hoành đã tìm đến cô. Trái với mong đợi của cô gái trẻ người non dạ, rằng bà mẹ đã cảm thông, “đã vì đứa cháu nội trong bụng mà chấp nhận con dâu”, thì bà nổi trận tam bành, mắng cô không tiếc lời là “đồ gái hư” đã dụ con trai bà vào tròng, biết điều thì đi tìm cách phá thai, bà cho ít tiền mà chi phí, còn nếu cứ “bám chặt” con trai bà thì không bao giờ bà chấp nhận, và bà sẽ tuyên bố cái thai không chắc đã của Hoành, muốn thế phải đẻ ra rồi đi xét nghiệm ADN đã, chứ đừng mơ có đám cưới! Bà nói xong vứt cho Ý cái phong bì tiền, rồi ra về, mặc cho Ý khóc như mưa và van xin bà. Ý đã cầm cái phong bì tiền đó chạy thẳng đến bệnh viện, nhưng cái thai gần 5 tháng rồi, không ai dám phá nó. Hôm đó cô như điên dại, lang thang vạ vật ở góc sân bệnh viện.

Có một phụ nữ trung tuổi vẻ như hiểu chuyện, đã động viên cô cứ sinh con, rồi chị ta sẽ giới thiệu cho người hiếm muộn nuôi, cô sẽ được họ cho một khoản tiền để bồi dưỡng sau sinh cho lại sức. Chị này cũng bảo “Nếu em chưa có chỗ ở thì về nhà chị, ăn ở chị chăm sóc cho đến ngày sinh mẹ tròn con vuông”. Ý nghe thế, thấy giống các “mẹ mìn” mà báo chí hay viết, họ săn con của những bà mẹ dại dột như cô rồi môi giới cho người vô sinh nhận con nuôi, họ kiếm bộn tiền. Ý hiểu và rất sợ người đàn bà “mẹ mìn” kia, nhưng câu chuyện của chị ta cũng khiến cô chợt nhận ra rằng có người muốn làm mẹ mà không thể, vậy thì cô có quyền đó sao cô nỡ vứt bỏ máu thịt của mình. Ý nghĩ đó giúp cô đứng bật dậy, trở về nhà trọ, quyết định ngủ một giấc lấy lại sức và quyết sẽ chiến đấu để bảo vệ đứa con chưa ra đời đã phải chịu đau khổ do mẹ nó lụy tình.

Lạ là khi Ý mạnh mẽ lên, thì Hoành lại hèn nghe theo sự cấm đoán của bố mẹ, ngày càng chán nản, xa rời Như Ý. Anh sợ mất hết tài sản, sợ bị mẹ cấm vận không cho tiền xài sang như thói quen mặc hàng hiệu, ăn đồ hiệu. Anh động viên Ý thôi thì cứ sinh con, sau đó xét nghiệm ADN rồi đưa về cho mẹ xem, chắc chắn mẹ sẽ nghĩ lại. Ý thấy Hoành hèn quá, nên cô cũng chán, không còn coi anh là bờ vai để cô dựa nữa, nên kiên quyết nói chia tay với Hoành. Cô vượt cạn trong vòng tay của mẹ đẻ lặn lội từ quê ra chăm cô con gái vốn “ngoan hiền giỏi xinh”, nay dại dột sa vào lưới tình không lối thoát. “May là nó chưa nghĩ quẩn. Nó bản lĩnh tự sinh con và còn báo cho mẹ biết để mà ra chăm nó ở cữ thế là cũng may rồi”, mẹ Hoài luôn nghĩ cho con, nén nước mắt không dám khóc, nên Ý cũng vững dạ.

Như Ý sinh cậu con trai kháu khỉnh, trộm vía giống bố nó như lột. Tiếc là bố nó và nhà nội không đếm xỉa gì đến giọt máu này. Thằng bé chả biết có phải thương mẹ nó vất vả sinh ra nó không, nó hay ăn chóng lớn, chả sốt ho sài đẹn gì. Chẵn tháng, bố thằng bé đến, mua hoa tặng Ý, mua quần áo cho con. Ý không vui, không buồn. Nhưng ngay khi Hoành ra về, cô nói mẹ ra phường đăng ký khai sinh cho thằng bé, lấy họ mẹ, kiên quyết không cần họ bố nó, vì nhà họ đâu có cần đứa bé này. Sau khi Hoành biết đứa bé không mang họ bố, Hoành đề nghị xét nghiệm ADN để nhận con và cho ông bà nhận cháu, nhưng Ý kiên quyết không cho. Bởi như thế là xúc phạm cô, xúc phạm tình yêu chân thành đầu đời mà cô đã dành trọn cho Hoành, và quan trọng hơn, là cô không thể để con mình phải chịu khổ nhục cả đời nếu thực sự nhà nội đã không muốn nhận nó. Sau lần đó, Hoành “một đi không trở lại”.

Cái giá đắt đỏ

Ít lâu sau, Hoành cưới vợ. Là cô gái do bạn bè của mẹ anh giới thiệu. Cô cũng con nhà giàu, cũng dân phố nhớn, cũng có nghề nghiệp tốt. Nhưng do cô giữ dáng và ham ăn ham chơi nên cô không muốn sinh con sớm. Cô tuyên bố “Đẻ có 1 đứa thôi, nên cứ 35-37 tuổi hẵng tính, không gì phải vội”. Thế là cô lôi chồng đi du lịch hết nước này qua nước nọ. Tiền bạc 2 nhà đều khá giả, cứ việc tiêu xài. Hoành vì chiều cô vợ mê du lịch, nên cũng bỏ bê công việc, dẫn đến những vị trí đề bạt quản lý anh đều bị gạt ra cho “người tham công tiếc việc” làm. Mấy năm trôi qua, Hoành bắt đầu chán nản vì một bên thì mẹ ỉ eo chê cô con dâu vô tích sự đủ thứ, chỉ ham ăn chơi, chả đẻ cho ông bà đứa cháu nội, đã thế lại làm ảnh hưởng đường thăng tiến của chồng; một bên thì vợ chê bố mẹ “ác ý thế không ai chịu nổi”. Cuối cùng 2 vợ chồng trẻ thỏa thuận “chia tay không cần ồn ào”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ý thấy Hoành đã lấy vợ, cô quyết tìm cho mình một bờ vai và cho con một người bố. Cuộc sống có lúc đối với Ý như rơi vào ngõ cụt. Thời gian nghỉ sinh, cô không có lương, phải vay mượn khắp nơi để 2 mẹ con tạm sống. Bố mẹ nghèo nên cô không dám để họ biết cô đói khổ. Thật may cuộc đời đã xuất hiện ông Bụt thật. Đó là ông Cường, sếp một doanh nghiệp đối tác công ty cô, mà cô vẫn kính trọng gọi là chú, thương hoàn cảnh của Ý nên ông gọi chị Vân, một người chị cùng quê thân với Ý đến, đưa cho một khoản tiền khá lớn, ông dặn:

-Tiền này, tôi gửi cho cô Ý nuôi con. Sau này cô ấy có thì trả, không có thì coi như tôi giúp đỡ. Nhưng tôi muốn nhờ cô chuyển giúp, vì nếu tôi trực tiếp đưa thì sẽ gây hiểu nhầm, nhất là kẻ nào đó lại bịa ra chuyện “thằng bé giống tôi” thì phức tạp.

Ý nhận được tiền và lời nhắn gửi của ông Cường, cô cảm động tận tâm can, thầm hứa sau này nhất định cô sẽ nỗ lực kiếm tiền và sẽ trả lại. Số tiền của ông Cường quả thật đã giúp Ý vượt qua bĩ cực. Cô gửi con sớm vào nhà trẻ rồi đi làm trở lại, với mong muốn tự lập cuộc sống và tìm một hướng đi hạnh phúc cho 2 mẹ con. Nhưng cuộc sống không giản đơn. Khi cô có tuổi trẻ và độc thân thì rất dễ, hàng trăm hàng ngàn chàng trai trẻ vây quanh cô, “trồng cây si” trong mưa rét đợi cô. Nhưng khi cô có con nhỏ, các chàng lặn không sủi tăm. Nếu Ý có chủ động alo, nhắn tin hỏi thăm thì họ cũng vờ cáo bận, thậm chí không trả lời. Họ không dại gì dính vào “cô gái không chồng mà đẻ”, cưới cô ấy làm vợ để miệng tiếng chê cười, có đào hố trốn thì bố mẹ cũng lôi lên từ mặt. Lấy vợ là để cùng xây dựng hạnh phúc, chứ lấy về rồi “con riêng, con chung” phức tạp, biết đâu một ngày “cái thằng bố nó” bỗng dẫn xác đến nhận con, chia tài sản, eo ôi, quá phức tạp ấy chứ! Chả dại!

Thời gian cứ trôi vùn vụt, tuổi xuân có thì, ngoài công việc bận rộn thì cô phải một thân một mình lo đưa đón con học hành, ốm đau vào viện. Rồi nhà thuê, bị chủ đòi nhà hoặc tăng tiền đột ngột. Gánh nặng chỉ mình cô gánh. Đôi vai gầy ngày càng mảnh khảnh hơn. Nhưng cuộc sống vượt qua giai đoạn khốn cùng nhất đã cho cô nghị lực, niềm tin và một quyết tâm tìm kiếm hạnh phúc đích thực cho mình và cho con. Hạnh phúc ấy nhất định không có chỗ cho kẻ hèn đã làm lỡ dở cuộc đời cô và làm tương lai con trai cô mất phương hướng...

Thế mà hôm nay, bất ngờ, Hoành đến, cầu xin cô cho anh nhận con, chỉ vì bà nội bất ngờ phát hiện bệnh hiểm nghèo. Bà nói “Cưới ngay! Cưới ngay! Đón cháu nội cho mẹ. Nếu cần thì mẹ đến tận nơi xin lỗi cô Ý”. Nhưng, đời nào Như Ý chịu...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.