Cặp vợ chồng khuyết tật truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích

Chia sẻ

Trong giới thể thao, anh chị Phạm Hồng Thức – Hoàng Hồng Kiên nổi tiếng là cặp vận động viên khuyết tật chân từng giành nhiều thành tích cao trên đấu trường trong nước và khu vực. Đời thường, chị Kiên là diễn giả nổi tiếng, một đóa hồng kiên cường truyền cảm hứng sống và yêu cho rất nhiều người.

Duyên phận từ thể thao

Chị Hoàng Hồng Kiên (SN 1980) là người dân tộc Tày tại Lạng Sơn, liệt 2 chân từ nhỏ. Thời điểm đó, ở một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Lạng Sơn, hoàn cảnh của chị bị người đời kỳ thị. Nuôi giấc mơ thoát khỏi nghịch cảnh, năm 20 tuổi, chị Kiên “trốn nhà” với 100 nghìn đồng tiết kiệm, một mình quay xe lăn từ 12h đêm đến 5h sáng để ra ga tàu xuôi về Thủ đô, đến Hội Người mù Hà Đông xin việc, bắt đầu một hành trình gian nan nhưng đầy quyết tâm.

Bấy giờ, anh Phạm Hồng Thức (SN 1975, quê Gia Lâm, Hà Nội) mất đi đôi chân vì tai nạn năm 14 tuổi. Suốt 2 tháng sau đó, anh sốc và nghĩ nhiều đến cái chết. Được gia đình, bạn bè luôn ở bên, động viên, sau 3 năm nỗ lực vực dậy tinh thần, anh đã vượt qua mọi khó khăn, tự lập mọi việc trong nhà, trong cuộc sống.

Gia đình hạnh phúc của chị Kiên, anh Thức và con trai Tuấn Anh (Ảnh: NVCC)Gia đình hạnh phúc của chị Kiên, anh Thức và con trai Tuấn Anh (Ảnh: NVCC)

Giờ đây, họ đang sống trong căn nhà nhỏ ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm). Chị Hồng Kiên tâm sự, bánh xe số phận đã đưa anh chị tìm thấy nhau, cùng bước lên đỉnh vinh quang nhờ mối duyên thể thao.

Chị còn nhớ ngày làm việc trong Hội, hàng ngày lăn xe vài chục cây số khắp Hà Nội bán hết chổi mới về. Rồi gặp tai nạn, xe lăn hỏng, một tay chị bị gãy. Vì không có tiền nên chị cố chịu đau, để xương tay tự liền. Sau này, thương chị khó khăn, Hội Người mù Hà Đông đề xuất với Trung tâm Thể thao Khúc Hạo tặng chị một chiếc xe lăn để đi làm trở lại. Đến đấy, thấy chị khỏe nên HLV Ngô Anh Tuấn đã gợi ý chuyển chị vào đội điền kinh xe lăn.

Trong quá trình tập luyện, sau những lần xe hỏng, chị đều được đồng đội - anh Phạm Hồng Thức sửa hộ. Từ đó, tình yêu chớm nở. Tình yêu ấy chính là nghị lực để họ cùng nhau làm nên thành tích ở Paragames tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2003 và sau này là rất nhiều huy chương các loại cùng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Và đến năm 2004, họ quyết định về một nhà. “Tôi nghiệm ra một điều. Nếu đã lựa chọn một điều gì thì hãy bảo vệ nó và đi đến cùng. Tôi đã quyết định xuống Hà Nội, quyết định chọn thể thao, quyết định làm vợ, làm mẹ… Mỗi lần quyết định là một lần tôi căng tràn nghị lực để theo đuổi nó…”, chị Kiên bồi hồi.

Chị Hoàng Hồng KiênChị Hoàng Hồng Kiên.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng “bốn tay”

Năm 2007, sau 2 chấn thương khi thi đấu, chị Hồng Kiên quyết định tạm dừng sự nghiệp thể thao vẻ vang của mình để làm mẹ.

“Đến bây giờ mình vẫn không thể quên được khoảnh khắc được đẩy từ phòng mổ ra và thấy ông xã ngồi xe lăn ôm con. Hình ảnh ấy như một nguồn sống, 2 người đàn ông ấy sẽ gắn liền cuộc đời mình”, chị Kiên nhớ lại.

Phía sau hào quang và vẻ vang mà thể thao mang lại, họ cũng như bao cặp vợ chồng khác, làm đủ nghề để sống. Từ nấu cỗ thuê, làm chổi chít, tăm tre, mở cửa hiệu giặt là… họ đều tự làm, rồi tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật.

Gia đình hạnh phúc của chị Kiên, anh ThứcGia đình hạnh phúc của chị Kiên, anh Thức.

Chị Kiên luôn thấy may mắn vì có ông xã bên cạnh. Với chị, anh là một người chồng phi thường và vô cùng tâm lý. Từ việc nhà như nấu cơm, giặt giũ đến hỗ trợ chị trong những buổi diễn thuyết, anh đều làm hết. Chị vẫn còn nhớ những ngày ông xã đi bằng tay từ tầng 1 lên tầng 3 bệnh viện để chăm vợ rồi lại chăm con nằm khoa sơ sinh bị vàng da sinh lý. Anh tự thay bỉm cho con, tắm cho vợ, nấu nướng bồi bổ cho chị mà không cần bố mẹ đôi bên giúp đỡ. Họ vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc khó tả khi được nghe con gọi 2 từ “bố, mẹ”.

“Những thiệt thòi khi là người khuyết tật vẫn còn rất nhiều. Để vượt qua những bão giông của cuộc đời, các bạn hãy nhìn vào những điểm tốt của nhau để bỏ qua lúc bất đồng. Từng việc lớn như làm kinh tế, nuôi con nên có sự chung sức của cả hai. Hơn cả, hãy vượt qua mặc cảm mà nắm bắt cơ hội. Có như vậy, người khuyết tật mới dám vươn lên” vợ chồng chị Kiên – anh Thức tin tưởng.

Vay tiền lãi suất “nóng” để sang Nhật Bản học làm diễn giả

Hơn 5 năm làm diễn giả, chị Kiên đi suốt Bắc Nam và nước ngoài để diễn thuyết về cách làm chủ bản thân, hôn nhân và hoạch định cho cuộc sống, nhất là với các cặp vợ chồng và người trẻ. Thành quả ấy đánh đổi bằng một sự kiên trì không buông bỏ.

Cặp vợ chồng khuyết tật truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích - ảnh 4

“Để sang Nhật Bản học làm diễn giả, tôi phải có 500 triệu đồng. Năm 2015, số tiền ấy là quá lớn, và không ai dám cho vợ chồng khuyết tật vay cả. Họ bảo chúng tôi chỉ có 4 tay thì đến khi nào mới trả hết nợ. Nhưng anh Thức khuyên tôi vững tin, cả hai quyết định vay “nóng” với lãi suất rất lớn. Vậy là tôi được sang Nhật, mang theo giấc mơ thay đổi cuộc sống của mình và cả gia đình”. Trở về nước, chị bắt đầu đứng lên diễn thuyết cho các sinh viên đại học. Từ đó tới nay, anh chị đã cùng nhau, cùng con đi đến hơn 20 quốc gia và khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Mang kiến thức và kinh nghiệm của mình đến với nhiều người, chị Kiên nhận ra, nhiều người phụ nữ đang tự “buông” chính mình, từ bỏ mơ ước của bản thân, nhất là khi bước vào hôn nhân, họ dành gần như hết thời gian và sức lực cho chồng con, để rồi nhiều khi có nỗi buồn mà đối phương không thấu hiểu. “Vì vậy mà hôn nhân của họ rạn nứt lúc nào không hay…”.

Cặp vợ chồng khuyết tật truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích - ảnh 5

Bởi vậy, chị Kiên cho rằng, những người phụ nữ hãy tự tin, sống cho chính mình, tập lựa chọn và dám chọn để mỗi ngày trôi qua không phải tiếc nuối. Được như ngày hôm nay, anh chị cũng đã trao cho nhau rất nhiều động lực. Giờ đây, hạnh phúc an yên của họ là được ngắm cậu con trai Tuấn Anh lớn khôn từng ngày.

Một cái Tết nữa lại sắp về với gia đình nhỏ. Năm qua, dịch Covid-19 khiến chị Kiên lỡ những chuyến công tác nước ngoài. “Covid-19 lấy đi nhiều dự định, nhưng mang lại cho chúng tôi nhiều thời gian bên nhau, không còn những ngày họa hoằn lắm con mới được thấy mẹ ở nhà. Khép lại một năm 2020 không dư dả nhưng chan chứa yêu thương, tôi mong năm mới lại có thêm nhiều cơ hội được ở bên gia đình, và những kiến thức của mình sẽ được trao cho nhiều người hơn nữa”, chị Kiên hy vọng.

Tết này cả gia đình sẽ ở bên nhau, giản đơn nhưng an yên và hạnh phúc.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.