“Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”

Chia sẻ

Nếu như các ông bố thường mong vợ sinh con trai đầu lòng “cho chắc ăn” có người nối dõi, thì hầu hết các bà mẹ lại mơ sinh con gái trước vì “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”...

Đau đớn vì cô con gái tham lam

Bà Hiển nhập viện vì bị chảy máu dạ dày. Nằm giường cạnh tôi, bà thở ngắn thở dài sốt ruột, nếu không bệnh nặng suýt chết như này thì bà cũng cố không nhập viện. Vào viện, bà lại mong đỡ bệnh xin ra viện sớm để về, kẻo đứa con gái nó đến gây sự với vợ chồng em trai mà không có bà ở nhà! Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao? Bà kể: Chung quy cũng tại lòng tham. Nó muốn cướp nhà!

Thì ra Thúy, con gái bà đã lấy chồng, về nhà chồng và sinh 2 con rồi. Con trai bà lấy vợ và ở chung với vợ chồng bà tại ngôi nhà do vợ chồng bà xây trên phần đất ông bà nội cho. Không may chồng bà Hiển mất đột ngột mấy năm trước, tất nhiên là chưa làm di chúc gì. Ngay sau đám tang ông, cả nhà còn đang choáng váng chưa kịp bình tĩnh lại, Thúy đã đòi chia tài sản. Nó đòi cái gì cũng chia đôi, nó một nửa, em trai một nửa. Bà Hiển vẫn biết tính Thúy từ mới lớn đã ghê gớm, đành hanh, lúc nào cũng đòi phần hơn, không nhường nhịn ai cái gì. Do nó chả chịu học hành, hám đua đòi theo đám bạn ăn chơi, bố mẹ nói gì nó cũng bỏ ngoài tai. Tuy con gái thế, nhưng trời thương lại cho vợ chồng bà cậu con trai khỏe mạnh ngoan ngoãn, Toàn biết vâng lời, học hành chăm chỉ nên tốt nghiệp đại học. May rồi Thúy đi lấy chồng sớm, nhà bà thở phào vì nó yên bề gia thất, vợ chồng nó biết buôn bán làm ăn nên cũng có cuộc sống đầy đủ.

Thúy đi lấy chồng, hơn chục năm qua, mọi việc trong nhà đều do Toàn gánh vác, từ sửa chữa nhà cửa, rồi bố ốm mẹ đau, rồi việc họ hàng hiếu hỷ, con gái không có đoái hoài gì. Ngày em trai lấy vợ, nó hẹp hòi ích kỷ cũng không xắn tay vào lo công việc hay giúp đặt cỗ bàn, nó chỉ đưa chồng con đến ăn cỗ như khách vậy. Thậm chí việc tang của bố, nó cũng bỏ mặc cho mẹ và vợ chồng em trai, coi như đương nhiên là mẹ và em phải lo, không phải việc của... con gái. Thế nhưng tài sản thì nó đòi chia! Hôm trước nó đến quậy ầm ĩ, đòi chia nhà, tôi khuyên bảo nó là không nên làm thế, bố nó mất chứ mẹ đang còn sống, sau này con cũng sẽ có phần. Nó vênh mặt nói tỉnh bơ: “Nhỡ mẹ cũng đột ngột đi như bố thì sao? Con không chạy theo thằng Toàn. Nhỡ nó còn bán nhà trước. Với lại mẹ đằng nào chả chết! Cứ chia sớm đi”. Nó tuyên bố: “Không chia sớm cho rõ ràng thì tôi sẽ về đây ở, chia ra mà ở. Vài hôm nữa tôi cho chở đồ đạc về”. Thế rồi nó chở bàn ghế giường tủ cũ nhà nó thải ra, về chất đầy nhà mẹ ruột. Nó không về ở, nhưng đồ đạc nó chất vào “giữ chỗ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi đau xót quá cô ạ. Chả nhẽ con gái tôi dứt ruột đẻ ra, cũng nuôi, cũng chăm bẵm, nào có khác gì chăm con trai? Lúc nó ốm đau sài đẹn, nó sốt cao, tôi trực con suốt đêm, ngồi tựa vào thành giường không dám ngủ, sợ mệt ngủ quên con sốt cao co giật thì ảnh hưởng sức khỏe của con sau này. Thế mà khi trưởng thành, nó đã chả báo hiếu bố mẹ lấy một xu một cắc, cân đường hộp sữa nó cũng chưa bao giờ biếu bố mẹ, ngày lễ ngày tết nó kéo cả vợ chồng con cái đến “ăn Tết” với “nhà ngoại”, chứ nó chưa biếu bố mẹ một món gì gọi là “quà Tết”. Chưa bao giờ nó tỏ ra có chút quan tâm đến bố mẹ, chưa nói là với em ruột nó. Phận làm cha mẹ, chúng tôi vẫn bỏ qua cho nó, nghĩ thôi thì nó có chút ích kỷ hoặc nó kiếm đồng tiền khó khăn, tôi có gì vẫn bù trì cho vợ chồng con cái nó. Thế mà bây giờ tham quá thành “ác quỷ”, nó mong mẹ nó chết quách đi, để nó chia tài sản! Tôi đau khổ, suy nghĩ nhiều nên mới bị chảy máu dạ dày. May con dâu nó phát hiện ra mà đưa mẹ nhập viện chứ không thì tôi chết như con gái nó nguyền! Tôi vào nằm cấp cứu 2 ngày rồi chuyển lên điều trị mấy hôm nay, con gái con rể chả thấy vác cái mặt đến, chỉ tội con trai con dâu...

“Con gái cái bòn”

Bà Quy bệnh nhân nằm giường bên cạnh nghe bà Hiển kể chuyện nhà, thế mà bật khóc rưng rức. Thấy mọi người nhìn mình ngạc nhiên, bà Quy cố gạt nước mắt: “Tôi cũng là người mẹ đau khổ chả khác gì bà Hiển! Đúng là “con gái cái bòn”, con gái vô ơn các bác ạ”.

Bà Quy sinh được 2 con gái và 1 cậu út. Cô cả xinh xắn hơn, lấy chồng sớm. Cô em muộn mằn gần 40 mới kiếm được tấm chồng, nhưng kinh tế lại “hoàn cảnh”. Cô em muốn “đặt” một đứa con, nhưng khó khăn nên muốn vay cô chị và cậu em mỗi người 50 triệu. Cô em dâu xăng xái định cho chị chồng vay, vì nghĩ tội anh chị không có con, về già biết cậy nhờ ai, nhưng bị chị cả mắng cho té tát: “Cô điên à? Đặt đặt cái gì? Cho nó vay tiền, nó nhiều tuổi rồi, đặt xong nó tuột, lại đặt nữa, có mà tiền núi! Cô có cho vay mãi được không? Vay thế rồi nó lấy đâu mà trả?”.

Bà Quy xót con gái thứ, tội nghiệp nó, khi nó trẻ khỏe, chị gái và em dâu sinh 4 đứa con, nó chạy đôn chạy đáo đưa đi đẻ, trực bệnh viện, bế ẵm bé suốt cả tháng ở cữ cho mẹ bé ngủ đêm bù lại sức. Khi nhờ vả nó thì khen nó mát tay, bế cháu khéo, tắm cho bé sơ sinh cũng khéo, nhờ thế mà các bé đều hay ăn chóng nhớn. Chị cả tuy ở nhà chồng, nhưng nhà đẻ có gì cũng về bòn mót, cái gì thích thì xin cho bằng được. Biết mẹ có cái sổ tiết kiệm nó cũng tỉ tê mượn để lấy vốn buôn bán. Vay mãi mà nó có chịu trả đâu. Bà có đòi một hai lần thì nó bảo: “Con đầu tư hết, còn đang muốn vay thêm. Lúc nào có thì con khắc trả mẹ. Mà mẹ cần tiền làm gì!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi bà Quy biết con gái thứ muốn sinh con nhờ bệnh viện, bà nghĩ nếu con gái cả và cậu em út ủng hộ hoặc cho vay thì bà cũng rút tiền vốn từ gái cả về cho thêm gái thứ để nó đặt lấy một mụn con cho hạnh phúc đầy đủ. Bà không ngờ con gái cả của bà lại không thương, không giúp em gái, lại còn ngăn không cho em dâu, em trai giúp chị. Chúng nó có con cái, chúng chỉ biết mình hạnh phúc mà không biết nỗi khổ và khát vọng của người hiếm muộn. Bà thấy giận con gái cả. Bà quyết đòi lại tiền vốn từng cho gái cả vay, dồn cho gái thứ đặt một mụn con. Nhưng muốn đòi lại tiền đó cũng phải “nghĩ mưu”, chứ chắc chắn gái cả nó sẽ không chịu trả. Lúc đó cũng đã áp Tết, bà hy vọng gái cả sẽ bán được hàng Tết thì mình có đòi vốn cũng dễ hơn, nó sẵn tiền có thể nó trả bà. Nói đến Tết, bà lại cám cảnh, bao nhiêu cái Tết từ ngày gái cả đi lấy chồng đến nay, chưa bao giờ nó biếu bố mẹ một đồng tiêu Tết.

Đã thế mấy ngày Tết nó cứ kéo cả chồng con nó về ăn ngày 2 bữa nhà bà, “Vì các cháu với bố chúng cứ khen các món bà ngoại nấu ngon. Nhà con bận chả có thời gian đâu mà nấu món nọ món kia”. Bà coi chuyện con cháu về ăn Tết với ông bà bố mẹ là niềm vui, nhà có gì bà ki cóp cả năm cũng bỏ hết ra đãi con cháu. Nhưng giờ bà mới thấm thía các cụ xưa đã dạy: “Của cha mẹ là của con, nhưng của con chưa chắc là của cha mẹ”. Bà Quy ngẫm nghĩ mãi, đợi đến cuối ngày 29 Tết, biết chắc gái cả đã dọn nghỉ bán hàng, bà đến nhà gái cả đòi tiền cho vay, bà không dám nói là đòi về để giúp gái thứ đặt con, mà nói là cần tiền ra Tết sửa nhà. Không ngờ gái cả quay ngoắt: “Con làm gì có tiền mà trả. Buôn bán làm ăn thời covid này chỉ có lỗ. Bao giờ có lãi thì con trả”. Bà Quy không chịu: “Con dồn tiền thu được trước Tết, trả cho mẹ, được bao nhiêu thì được. Thiếu thì qua năm làm ăn thu vốn trả. Mẹ sửa nhà thì cũng trả từng phần, không cần chi ra tất cả một lúc”. Gái cả quắc mắt: “Mẹ sửa nhà cái gì? Nhà việc gì phải sửa? Chẳng qua mẹ muốn cho nó tiền đặt con chứ gì! Con không có tiền trả, mà mẹ nghĩ xem, nhỡ đặt không thành vì nó nhiều tuổi rồi, thế là một đống tiền đổ sông đổ biển à!”? Nói xong, gái cả “đuổi khéo” mẹ ruột: “Thôi mẹ về đi, con có việc phải đi trả nợ tiền hàng, kẻo đầu gấu nó đến đòi nợ nó lại mắng cho”.

Bà Quy lủi thủi ra về, trong lòng đau như dao cắt. Tiền của bà đưa nó vay, thế mà nay nó làm như mẹ nó đi ăn xin. Nhục quá! Đấy là may bà chưa phải sống phụ thuộc vào con! Nhưng bà thấy buồn chán, thất vọng, Tết này bà sẽ chả cỗ bàn gì nhiều, gái cả có kéo cả nhà đến ăn thì bà cũng cứ cơm thường thôi chứ chả hơi đâu mà nấu cỗ Tết cho cái đồ vô ơn ăn mãi. Vả lại bà phải tiết kiệm để giúp con gái thứ, nó hiền lành tử tế, sống biết điều, biết hy sinh, sao ông trời nỡ để nó khổ thế? Bà phải giúp nó.

Chiều 30 Tết, như thông lệ, nhà bà sẽ cúng Tất niên, bà cứ thích làm mâm cao cỗ đầy, trước là cúng tổ tiên, sau là cho con cháu thụ hưởng. Chúng ăn no phưỡn, chỉ cần khen “ngon quá” thế là bà sung sướng, dù sau đó bà phải còng lưng rửa bát, thì người mẹ cũng cam lòng. Nhưng chiều 30 Tết năm nay, bà chỉ cúng thật đơn giản, đủ cỗ bàn cho tổ tiên thưởng lãm. Khi cả nhà gái cả kéo đến, thấy mâm cỗ bê ra mỗi thứ chỉ có một đĩa nhỏ chút xíu, nó ngạc nhiên nhìn mẹ: “Mẹ làm cỗ kiểu gì thế này? Thế ai ăn ai nhịn?”. Bà Quy tỉnh bơ: “Mẹ chỉ cúng các cụ thôi. Mẹ không còn khả năng kinh tế! Có thế nào ăn thế!”. Không ngờ gái cả hỗn láo, vô ơn, gào lên: “Được! Thế cả nhà mình đi về. Về nhà nấu ăn. Từ ngày mai 1 Tết cũng không cần phải đến chúc Tết gì ông bà nữa!”. Thế rồi Mùng 1 Tết vợ chồng con cái nhà nó không đến thật. Dù từ xưa, chúng chỉ kéo nhau đến ăn, chứ có bao giờ nó chúc tụng gì ông bà đâu, nhưng có con cháu ríu rít vẫn vui hơn, nay chúng không đến bà cũng thấy chạnh lòng.

Sao con gái cả lại vô ơn đến thế? Bà Quy cứ nghĩ, cứ ấm ức hoài từ Tết. Cuối cùng, bà đổ bệnh. Bệnh đau thắt ngực. Bác sĩ bảo bà phải nhập viện vì bệnh tim khởi phát, để lâu thì nó nặng thêm...

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.