Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại trễ hẹn: Không thể cứ xin lỗi suông

Chia sẻ

Chứng nhận an toàn hệ thống là một trong những loại “giấy thông hành” quan trọng hàng đầu để dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông về đích. Nay chứng chỉ đó đã được cấp, việc đưa công trình này vào khai thác thương mại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm HùngTàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm Hùng
 
Lại trễ hẹn
 
Ngày 29/4, ngay sát kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021, Bộ GTVT phát đi thông báo về việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống từ cơ quan tư vấn độc lập ACT của Pháp. Đây là một tin vui với người dân Thủ đô nói riêng và Nhân dân trên cả nước nói chung. Bởi, chứng nhận an toàn hệ thống này chẳng khác nào một loại “giấy thông hành” để đưa đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông về đích, chấm dứt một quãng thời gian dài chờ đợi với không ít lần trễ hẹn. Bộ GTVT đánh giá, giấy chứng nhận an toàn hệ thống là cơ sở để Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đưa ra quyết định cuối cùng nghiệm thu công trình. Sau khi có kết quả nghiệm thu, Bộ GTVT mới có thể bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. Sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ GTVT đã bổ sung báo cáo "nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng" và gửi tới Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
 
Tuy nhiên, cũng trong thông cáo phát đi ngày 29/4, Bộ GTVT thông tin dự án không thể về đích dịp 1/5/2021 như đã định. Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ có xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Thông báo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào vận hành, khai thác.
Trước đó, ngày 26/4, Bộ GTVT đã có Báo cáo số 3638/BC-BGTVT về công tác đánh giá an toàn hệ thống đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Trong báo cáo này, Bộ GTVT cho biết, theo dự kiến, ngày 28/4, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được đơn vị tư vấn ACT của Pháp cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Từ đó, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án để kịp thực hiện công tác bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5/2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Phải có cam kết kèm theo xử lý trách nhiệm
 
Lý giải cho sự trễ hẹn lần này, Bộ GTVT cho biết, từ đầu tháng 4/2021, Bộ cùng với UBND TP Hà Nội đã xây dựng kịch bản triển khai các công việc còn lại của dự án và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến đưa vào khai thác vào dịp 30/4 - 1/5/2021. Đồng thời, trong suốt thời gian một tháng vừa qua, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt và các cơ quan, cá nhân liên quan đã hết sức nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu trên. Hiện, các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành, tuy nhiên các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn. “Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của Nhân dân và toàn xã hội” – theo thông cáo của Bộ GTVT.
 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội không khỏi buồn rầu về điệp khúc xin thông cảm vì trễ hẹn của Bộ GTVT trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. “Không biết bao lần dự án này vỡ tiến độ và Bộ GTVT lên tiếng xin thông cảm” – ông Bùi Danh Liên nói và cho rằng, điều người dân Hà Nội muốn nghe không phải lời xin lỗi hay xin thông cảm mà là một lời cam kết có sức nặng của Bộ GTVT. Lời cam đoan ấy phải được đưa ra trước Chính phủ, trước toàn dân rằng chính xác bao giờ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được khai thác thương mại. Nếu đến thời điểm đó, dự án lại trễ hẹn thì ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? “Bộ GTVT không thể cứ xin lỗi suông, xin thông cảm chay mãi như thế được. Phải có sự cam kết kèm theo xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đúng cam kết đó” – chuyên gia Bùi Danh Liên nhận định.
 
(Theokinhtedothi.vn)

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.