Đắng thuốc, đắng đời

Chia sẻ

Kết thúc kỳ thi vào đại học, tôi đậu vào khoa Lý của học viện 211, đó là một cái kết đáng mừng, những vết ban đỏ ở chân cũng đã khỏi, nhìn kỹ mới thấy có những vết tích mờ nhạt, tuy nhiên, đó không phải là những kỷ niệm xấu mà ngược lại, nó là những người bạn đồng hành với tôi suốt đời.

1

Vừa vào cấp ba, tôi bị một loại bệnh đặc biệt.

Khi đó, thầy giáo có nói một câu là: “Trước kia học hành không tốt, bây giờ hãy cố gắng thì vẫn còn theo kịp”. Nói thì như vậy, nhưng khi học ôn, đối mặt với vô số tư liệu giáo khoa, tôi chẳng biết làm thế nào, đành phải chậm lại một chút. Thi kiểm tra cuối tháng, kết quả xếp hạng vẫn không thấy nhích lên tí nào khiến tâm lý tôi càng chùng xuống: Cứ thế này, không biết mình có theo kịp không?

Suy đi, tính lại, tôi quyết định ghi tên vào học lớp học buổi tối.

Những người theo học lớp buổi tối đều biết, học lớp này kết quả học tập rất thấp, không mấy hiệu quả mà lại vô cùng mệt mỏi. Vẫn biết là không đúng nhưng hận thay, tôi lại không tự thuyết phục được mình, đặc biệt là tôi không có được một nền móng chắc chắn, chẳng qua là thông qua thực tiễn “khắc khổ” này để tự an ủi mình một cách viển vông là ít nhất là cũng đã liều mạng vượt qua được kỳ thi vào cấp ba.

Từ cái đầu xương mắt cá chân, cơ thể tự nhiên không phối hợp được với nhau nữa.

Một buổi tối muộn, trên cẳng chân tôi mọc lên mấy vết bớt thô, trước là da bong như lột, sau là rơi ra những mảnh da chết li ti màu trắng. Bôi thuốc mấy ngày mà chẳng thấy kiến hiệu gì, tôi mặc kệ, chẳng mấy quan tâm. Mấy ngày sau cơn ngứa nổi lên, tôi đưa tay gãi mấy cái thì mới phát hiện ra rằng cả cẳng chân đã bong ra những mảng da, để lộ lớp da bên trong nhẵn bóng và đỏ tía lên, trông thật kinh dị.

Tôi vội xin nghỉ học để đi bệnh viện thăm khám. Bác sỹ nói là tôi bị dị ứng nặng, kê đơn thuốc mỡ và thuốc kháng sinh chống dị ứng cho tôi. Uống thuốc một tuần lễ, các vết ban đỏ tía không thấy bớt đi chút nào. Đến khám ở bệnh viện khác, người ta cũng kết luận như thế; thật không còn biết làm thế nào nữa, lúc đó mẹ tôi mới bảo nên về quê thử xem. Bà biết có một ông lang chuyên chữa trị các bệnh ngoài da gia truyền, đặc biệt hiệu nghiệm.

Trong lòng tôi thì không muốn. Một mặt thì muốn tự mình chạy chữa bệnh của mình, mặt khác, ôn tập đã không kịp lại còn mất thời gian về quê cầu thầy, tìm thuốc... nhưng vì sức khỏe nên cuối cùng đành phải theo mẹ về quê.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

2
Ông lang là thầy thuốc Trung y.

Trong căn phòng khám bé tý, ông bắt mạch, bắt tôi thè lưỡi rồi hỏi tôi một loạt câu hỏi như ngủ nghê thế nào, nằm mơ ra sao, có toát mồ hôi nhiều không... và cuối cùng kết luận rằng tôi không bị dị ứng gì cả mà là vì làm việc và nghỉ ngơi không có quy luật, sức đề kháng của cơ thể giảm thấp, hoạt động của gan, tỳ kém nên xuất hiện những dấu hiệu sớm trên da; cuối cùng, ông cắt cho tôi một liệu trình thuốc Trung y uống trong chín ngày.

Nghe nói phải uống thuốc Trung y, tim tôi đập loạn xạ. Tôi còn nhớ, thuở tôi còn bé, có thời gian sức khỏe của mẹ tôi không tốt, thường xuyên phải sắc thuốc Trung y để uống. Lúc đó, mẹ tôi đem thứ thuốc màu đen, đặc sền sệt rót vào bát nhưng chưa uống ngay mà còn đem một lọ đường trắng để bên cạnh rồi mới nâng bát lên uống một hơi đến cạn. Ngũ quan nhất thời rối loạn, hệt như phải chịu cực hình rồi vội vã xúc đường đổ vào miệng, sau đó mới nhăn nhó đem bát đi rửa... Có lẽ, trên thế gian này, không có gì khổ hơn, đắng hơn là phải uống thuốc Trung y.

Thế nhưng, tại sao bây giờ lại đến lượt tôi nhỉ? Tôi thậm chí bắt đầu hoài nghi về tay nghề của thầy thuốc. Tôi ngồi ỳ ra, ngọ nguậy trên ghế và cằn nhằn: “Có bệnh viện nào nói rằng can tỳ của tôi hoạt động kém đâu!”.

“Tây y là thế đấy!”, trên nét mặt của thầy lang lộ rõ vẻ cao ngạo đặc hữu của Trung y, “Đợi đến lúc bác sỹ Tây y kiểm tra và tìm ra được vấn đề thì sức khoẻ của bạn đã bị tổn hại nghiêm trọng, đến lúc ấy mới chữa trị thì đã muộn rồi. Bệnh của cậu đang ở thời kỳ đầu, điều trị bằng thuốc Trung y thì vẫn còn kịp”.

Câu nói của thầy lang làm tim tôi đập loạn. Hóa ra, nhiều năm qua, tôi đã ngộ nhận về ý nghĩa của Trung y. Thuốc Trung y rất đắng nhưng nó không làm người ta tuyệt vọng mà hoàn toàn ngược lại.

Sau đó, dưới sự giám sát của mẹ, uống gói thuốc Trung y thứ nhất, tôi đã kiên trì không đụng đến sự trợ giúp của đường.

“Con không thấy đắng sao?”, mẹ tôi kinh ngạc trước sự chịu đựng của tôi.

“Đắng chứ, đương nhiên là rất đắng”, tôi thầm trả lời, cũng không tự biết rõ vị “đắng” đây là của thuốc, hay là của những năm tháng cấp ba sắp tới.

3
Về đến trường, tôi không còn dám “thích sao làm vậy” theo ý mình nữa. Mỗi ngày định thời gian lấy nước, sắc thuốc, sau giờ tắt đèn cũng tuyệt đối không dám học khuya nữa mà muốn dần dần bồi bổ cho cơ thể đã bị suy nhược của mình. Tâm lý rất vô nại, các vấn đề đặt ra trước mắt rất là nhiều, trước đã không theo kịp, về sau lại càng không theo kịp.

Vì thế, tôi tính đi ngủ sớm hơn, trong đầu có chuyện gì thì đi vào giấc ngủ thật là khó khăn.

Đang lúc này, trường học phát sinh một tin thời sự mới, không lớn cũng không nhỏ.

Có một bạn học ở lớp thực nghiệm bên cạnh khi mới vào học cấp ba được hai tháng thì đột nhiên quyết dịnh chuyển từ lớp Lý sang lớp Văn khiến mọi người xì xào. Nam sinh này tuy không nổi trội hơn người nhưng cũng thuộc loại xếp hàng đầu trong lớp thực nghiệm chứ không phải vì học kém mà đi. Có người nói, ngay từ đầu anh ta đã có hứng thú với khoa Văn, chẳng qua là ví bức bách và áp lực nên mới thi vào khoa Lý. Các thầy giáo đều phản đối quyết định của anh ta nhưng vì anh ta đã quyết tâm ra đi thì ai mà ngăn cản nổi.

Kỳ thực, tôi đã không chỉ một lần có ý nghĩ theo học khoa Văn, chỉ để dễ dàng hơn khi thi vào đại học chứ đụng vào Vật lý, Hóa học thì chỉ có sứt đầu, mẻ trán. Ngoài hành lang, tôi và anh ta đã từng chạm trán nhau nhiều lần nhưng chưa hề có giao tiếp, bây giờ, thật muốn có cơ hội nói với anh ta vài câu.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hôm đó, anh ta ngồi một mình một góc ăn cơm, tôi đến ngồi đối diện anh ta. Sau mấy câu xã giao, tôi hỏi: “Lên cấp ba rồi bạn lại bỏ khoa Lý, chẳng phải là đáng tiếc lắm sao?”

“Sao mà đáng tiếc chứ? Tôi đi học, có khóa trình ưa thích của mình, hơn nữa còn ba năm thì cả Văn và Lý sẽ học khắp lượt, như thế có lợi hơn nhiều”.

Tôi không sao có thể hiểu nổi cái tính lạc quan của anh ta, chỉ còn biết nói: “Thế thì sẽ vất vả lắm”.

“Vất vả thì vất vả nhưng không phải là quá muộn, vẫn còn kịp chán”.

Câu nói này của anh ta làm tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nguyên là, thời thanh xuân, có khi giống như ta đi khám bệnh, phải uống thuốc đắng. Đắng thì ráng chịu nhưng vẫn có ý vị là đời chúng ta vẫn còn có hy vọng chữa trị khỏi bệnh.
Người khác mới vào cấp ba, chẳng sợ không theo kịp. Vì sao tôi lại phải lo lắng, còn tự phung phí sức khỏe của mình đến mức thảm hại?

4
Sau sự việc trên, tôi đã thử dùng thái độ tích cực, phê phán và tự đối thoại, phát hiện ra rằng tất cả mọi vấn đề đều có căn nguyên, tất cả những vấn đề bất cập kỳ thực đều có thể khắc phục.

Chỉ cần nghiên cứu kỹ phương pháp thực hiện thì thấy nhiều việc có thể làm tốt vào ban ngày mà không cần phải chờ đến lớp học tối, chỉ cần trong tâm có mục tiêu và quy hoạch rõ ràng, hàng ngày đều có biện pháp giải quyết, bất tất phải chờ đến ban đêm mới suy nghĩ lung tung, tìm cách để giải quyết vấn đề.

Sau khi chuyển biến tiết tấu sinh hoạt và học tập, thành tích của tôi dần dần khá lên, càng ngày càng ổn định và lòng tin ngày càng được củng cố và những vết ban ở chân tôi cũng nhạt bớt đi.

Sau đó, mẹ tôi dẫn tôi đến bác sỹ. Ông xem chân tôi và nói: “Cần phải uống một đợt thuốc nữa để củng cố nhưng tôi có thể sẽ giảm bớt lượng thuốc đi cho cậu”.

Lần này thì tôi không còn hoài nghi gì chẩn đoán của thầy thuốc, thậm chí còn thấy ông ấy thật lợi hại, ẩn dật ở địa phương nhỏ bé này bốc thuốc chữa bệnh cho người, chẳng phải là lãng phí tài năng lắm sao? Nhưng nghĩ lại, thấy ông ấy cũng giống như muôn người ở nơi đây, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra những chẩn đoán chính xác.

Kết thúc kỳ thi vào đại học, tôi đậu vào khoa Lý của học viện 211, đó là một cái kết đáng mừng, những vết ban đỏ ở chân cũng đã khỏi, nhìn kỹ mới thấy có những vết tích mờ nhạt, tuy nhiên, đó không phải là những kỷ niệm xấu mà ngược lại, nó là những người bạn đồng hành với tôi suốt đời, vì nó nhắc tôi luôn nhớ: Đời người ta, sẽ có ngày gặp chuyện đắng như uống phải thuốc Trung y, đắng đến vô cùng nhưng thực tế đã chứng minh, nếu như quá đắng nhưng xử lý tốt thì vẫn còn kịp.

HỒ DIỆU VŨ (Trung Quốc)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.