Bữa cơm nhân ái trong mùa dịch

Chia sẻ

Đó là suất cơm được gửi gắm rất nhiều tình cảm yêu thương của phụ nữ Thủ đô dành cho lực lượng phòng dịch, các gia đình bị cách ly và những người phụ nữ cao tuổi đơn thân…

Cán bộ Hội - “chị nuôi” ở vùng dịch

Ba tuần cuối tháng 5 là thời gian tại 4 thôn: Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông, Ngổ Ba, Cây Đề thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm thực hiện cách ly y tế với 1.634 hộ dân và 5.538 nhân khẩu; trong đó có 2 trường hợp F1, 170 trường hợp F2. 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19 được thiết lập quanh 4 thôn cách ly y tế. Yêu cầu phòng dịch tại xã Kim Sơn còn nghiêm ngặt hơn khi địa phương này nằm giáp ranh với “điểm nóng” dịch bệnh của cả nước hiện nay, đó là tỉnh Bắc Ninh. Từ giữa tháng 5, trời nắng nóng gay gắt, để đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng phòng dịch, xã Kim Sơn quyết định giao việc hậu cần, tiếp nhận và phân phối lương thực thực phẩm thiết yếu cho các gia đình có trường hợp F1, F2, gia đình khó khăn cho cán bộ hội viên phụ nữ. Chị em cũng đảm nhiệm việc chế biến các suất ăn hàng ngày (từ 80 – 85 suất/bữa) cho anh chị em ở các chốt trực. Dự tính số lượng lương thực thực phẩm, rau xanh cần có phục vụ cho việc nấu nướng và chu cấp cho người dân là rất lớn.

Các “chị nuôi” ở xã Kim Sơn, huyện Gia LâmCác “chị nuôi” ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm

“Một xã cách ly, nhiều xã góp sức” - phía ngoài những tấm barie ngăn cách, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã trực tiếp liên hệ và hỗ trợ kịp thời hàng hóa, thực phẩm. Chị Lê Thị Thuỳ Dương - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Xã tiếp nhận được gần 9 tấn gạo, 500 thùng mỳ tôm, 7,5 tấn bí xanh và các loại rau củ quả khác, 200kg thịt các loại, các loại hoa quả, vật tư y tế phòng dịch. Đặc biệt, chính người dân trong xã, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đùm bọc, yêu thương và chia sẻ cho nhau theo đúng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Một số hộ dân bị cách ly có ruộng rau màu ở các thôn không bị cách ly đã nhắn nhờ chị em thu hoạch giúp để ủng hộ xã nấu cơm cho lực lượng phòng dịch. Các hộ tiểu thương kinh doanh thịt tươi sống đều liên lạc với chị em tổ hậu cần đăng ký hỗ trợ; người thì 5-10kg, người có điều kiện ủng hộ 30kg.

Hội LHPN xã Kim Sơn có 9 chi hội, 5 chi hội không thực hiện cách ly y tế được huy động để làm nhiệm vụ hậu cần. Mỗi ngày một chi hội phân công từ 10 – 15 cán bộ, hội viên làm nhiệm vụ của các “chị nuôi” trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19. Hàng ngày, các cô, các chị là Chi hội trưởng cùng với đại diện lãnh đạo Hội LHPN xã lên thực đơn trước để chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cho từng bữa ăn. Ngoài số lượng rau xanh được ủng hộ, bữa nào còn thiếu, các Chi hội trưởng sẽ huy động sự đóng góp của hội viên trong thôn. Bếp ăn của UBND xã được trưng dụng để làm bếp ăn dã chiến.

Cán bộ Hội phụ nữ phường Kim Liên đang tập kết hàng hoá, lương thực hỗ trợ người dân tổ dân phố 11Cán bộ Hội phụ nữ phường Kim Liên đang tập kết hàng hoá, lương thực hỗ trợ người dân tổ dân phố 11

“Khi dịch bệnh bùng phát nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt, để đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho lực lượng phòng dịch, phương án tối ưu nhất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm là huy động lực lượng tại chỗ thực hiện hậu cần. Trân trọng hơn cả, các cô, các chị đều tự nguyện tham gia đứng bếp trong suốt 3 tuần với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, không nhận bất kỳ chế độ bồi dưỡng nào” – chị Lê Thị Thuỳ Dương cho biết thêm. Hơn nữa do yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt, các “chị nuôi” chia thành từng nhóm nhỏ từ 3-4 người, mỗi nhóm một việc, hạn chế tiếp xúc gần. Nhiều chị khi được hỏi còn không ngần ngại chia sẻ: Chưa từng phải nấu nhiều suất ăn cho một bữa trong thời gian dài đến vậy. Tuy vất vả nhưng các chị em đều rất tự hào vì được góp sức cùng các lực lượng giữ yên bình và an toàn cho làng xã của mình.

Các suất cơm được chị em phụ nữ xã Kim Sơn chuyển đến lực lượng phòng dịch tại các chốt trựcCác suất cơm được chị em phụ nữ xã Kim Sơn chuyển đến lực lượng phòng dịch tại các chốt trực

Để anh em trực chốt dùng bữa ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe “bám” chốt lâu dài, chị em trong tổ hậu cần thường xuyên thay đổi thực đơn, bổ sung các món canh “đưa cơm” trong ngày nắng nóng; nấu đến đâu dùng hết đến đó nên các suất cơm được chuyển đến chốt trực đều tươi mới, thơm ngon. Chỉ khi nào chuyển đủ các suất cơm đến các chốt, dọn dẹp gọn gàng và vệ sinh khu vực nấu nướng sạch sẽ chị em mới yên tâm về nhà và chăm lo cho gia đình.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tuần cuối tháng 5, sau khi có một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, tổ dân phố 11 phường Kim Liên, quận Đống Đa bị phong toả để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là nơi sinh sống của 44 hộ dân với 65 nhân khẩu, trong đó có 3 hộ dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường; số còn lại là các hộ dân tạm trú, thuê nhà trọ, ngoài một số sinh viên, đa phần các hộ dân thuê nhà là lao động tự do (thợ xây, thu gom phế liệu…). Cuộc sống của những cư dân này đa phần là khó khăn, cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”. Vì vậy, thực hiện cách ly y tế đồng nghĩa với việc họ phải nghỉ làm, nghỉ chạy chợ bán hàng, thu nhập không có, ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, theo chị Bùi Thị Hằng Nga - Chủ tịch UBND phường Kim Liên, tại thời điểm cách ly, trong số những lao động nhập cư có cụ Nguyễn Thị Hương là người già neo đơn không nơi nương tựa...

Hàng hoá đã bao gói cẩn thận được chuyển lên xeHàng hoá đã bao gói cẩn thận được chuyển lên xe

Cụ Nguyễn Thị Hương năm nay bước sang tuổi 87, quê gốc ở Thanh Hoá, đã ra Hà Nội kiếm sống nhiều năm nay. Cuộc sống hàng ngày của cụ trông vào thu nhập từ gánh hàng xén được bày bán tại một ngã tư trên địa bàn phường, tối đến cụ về nhà thuê ở tổ dân phố 11. Hoàn cảnh của cụ rất khó khăn: ở một mình, không có con cháu nào qua thăm hỏi. Thương xót hoàn cảnh của cụ, mấy năm gần đây, một quán cơm bình dân ở khu vực này đã cung cấp miễn phí các suất ăn hàng ngày cho cụ. Khi tổ dân phố 11 bị cách ly, hàng ngày UBND phường Kim Liên phục vụ miễn phí 3 bữa ăn cho cụ Nguyễn Thị Hương.

Với 64 nhân khẩu còn lại ở tổ dân phố 11, phường đã huy động các nguồn lực để cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí. Toàn bộ phần việc hậu cần này được giao cho Hội LHPN phường thực hiện. Từ 2-3 ngày, với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân phòng, chị em phụ nữ phường tập kết gạo, mỳ, dầu ăn, trứng, rau xanh, thịt… chia thành các phần đều nhau, gói buộc cẩn thận và chuyển xuống đầu ngõ để các hộ gia đình nhận đồ. Chị Lê Thị Thuý – Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Một số gia đình hoàn cảnh khó khăn, chưa trang bị đủ các điều kiện bảo quản thực phẩm nên khi chuẩn bị thực phẩm hỗ trợ, phường chú trọng lương thực có thể để lâu ngày như ngũ cốc, bí xanh… Ngoài các mặt hàng được phát miễn phí, chị em các chi hội luân phiên nhau đi chợ hộ các gia đình cách ly; hộ nào có nhu cầu mua bán thực phẩm, thuốc men, đồ dùng hàng ngày có thể nhắn tin, gọi điện thông báo, cán bộ Hội sẽ mua và chuyển đến các gia đình để người dân yên tâm chấp hành quy định cách ly y tế.

Người dân ở tổ dân phố 11 nhận hàng               hỗ trợNgười dân ở tổ dân phố 11 nhận hàng hỗ trợ

Chị Thuý cũng là người trực tiếp chuẩn bị 3 bữa ăn hàng ngày phục vụ cụ Nguyễn Thị Hương. “Hoàn cảnh của cụ rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm. Thời gian cách ly, cụ ở nhà một mình nên càng khó khăn hơn. Các chị em trong phường đều xem cụ như người thân của mình, chăm lo và quan tâm chu đáo đến các nhu cầu để đảm bảo sức khoẻ cho cụ. Ngoài các bữa ăn miễn phí, cụ cần mua sắm thêm gì đều có thể thông báo đến Hội Phụ nữ phường qua các anh chị ở chốt trực. Có ngày cụ cần mua xà phòng, có ngày cần mua thêm thức ăn cho vật nuôi. Mới đây cụ không may bị đau bụng, chúng em đã kịp thời mua thuốc, thay đổi khẩu phần ăn từ cơm sang cháo cho phù hợp”.

Ngoài các hộ dân ở tổ dân phố 11, tại phường Kim Liên và các phường khác trên địa bàn quận Đống Đa, trong những ngày này, các cô, các chị đang sẵn sàng hỗ trợ các hộ gia đình bị cách ly để cuộc sống hàng ngày của người dân không bị ảnh hưởng.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.