Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Sẽ đẩy lùi những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa?

Chia sẻ

Trước việc xuất hiện ngày một nhiều những hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hướng đến mục tiêu xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng, giáo dục ý thức, tạo thói quen xã hội tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên không gian mạng.

Những kênh Youtube được cho là “rác mạng” cần xử lý nghiêm minh (M.M)Những kênh Youtube được cho là “rác mạng” cần xử lý nghiêm minh (M.M)

Ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức truyền thống

Phạm vi áp dụng Bộ Quy tắc này là các hành vi của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. 3 nhóm đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội là nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Trong Bộ Quy tắc, ngoài những quy tắc ứng xử chung bao gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm thì còn có những quy định về quy tắc ứng xử cho các tổ chức, cá nhân. Theo đó, Bộ Quy tắc quy định các cá nhân, tổ chức có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bộ Quy tắc có một số điểm đáng lưu ý được cho là sát sườn với đời sống khi khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh; Quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội; Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…) sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội; Có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam…

Cùng với Bộ Quy tắc này, vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có văn bản chấn chỉnh báo chí có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội đã cùng trở thành tiếng chuông cảnh cáo đanh thép đối với hành vi ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hoá, độc hại… trên mạng xã hội.

Tăng “kháng thể” cho văn hóa

Những livestream “bóc phốt”, thóa mạ nghệ sĩ; các youtuber làm mưa làm gió, câu view bằng những kênh nhảm nhí, độc hại… đang xuất hiện ngày càng nhiều, “tấn công” vào sức đề kháng còn yếu ớt của hàng triệu người sử dụng mạng xã hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng trong số những cái khác, lạ, hấp dẫn bề ngoài đang xuất hiện lan tràn trên các trang mạng xã hội, rất nhiều thứ không phù hợp, không được chọn lọc, không có giá trị, đặc biệt về mặt đạo đức, và chỉ để chiều theo thị hiếu giải trí tầm thường. Với sự tương tác không giới hạn, nền tảng mạng xã hội đang sở hữu một thứ “quyền lực” hiếm có. Thế nhưng, thứ “quyền lực” này đang ngày càng bị lạm dụng để truyền tải những thông tin, hình ảnh, video clip, livestream thiếu định hướng chuẩn mực, trái ngược với những giá trị văn hóa truyền thống.

Theo TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, xu hướng hội nhập đã đặt ra những bài toán hóc búa trong việc dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa xu hướng mới và giá trị cũ. Chính vì điều này phần nào dẫn đến khối lượng lớn thông tin đã trở thành “mặt trận”, các loại “rác văn hoá” tấn công ngày càng nhiều, nổi cộm chính là tin giả. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức và bản lĩnh nên dễ bị lợi dụng, tiêm nhiễm. Vàng thau lẫn lộn, dễ dãi trong tiếp nhận sản phẩm, thậm chí sai lệch về thẩm mỹ, nghệ thuật và cả trong chuẩn đạo đức cũng ngày càng rõ hơn.

Ông Tân nêu rõ, đáng buồn là các hoạt động lệch chuẩn trên mạng xã hội thời gian qua lại thường thu hút được lượt theo dõi khá đông. Vì vậy, để tạo “lá chắn” cho người dân, đặc biệt là giới trẻ thì việc khẩn trương ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là kịp thời. Tuy nhiên, sau đây rất cần việc xử phạt nghiêm minh mới có hiệu lực điều chỉnh ứng xử trên mạng xã hội một cách triệt để. Nếu không xử phạt nghiêm minh, chúng ta vẫn mãi sẽ loay hoay, bức xúc với chuyện văn hoá mạng không có hồi kết.

MỘC MIÊN

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.