Lớn tuổi, đừng nhân danh "tình yêu”

Chia sẻ

Người đàn ông ấy ngoài 50 tuổi, đi xe máy cũ, rẻ tiền, dáng vẻ của một cán bộ “thường thường bậc trung”. Khi anh bấm chuông cửa, tôi nghĩ anh là cán bộ thu tiền điện, tiền net hay cán bộ thuế xuống kiểm tra hoạt động của văn phòng tư vấn chúng tôi.

Chắc anh đoán chúng tôi đang băn khoăn, anh chủ động nói luôn: “Xin lỗi, tôi là Minh, muốn được gặp các anh, các chị, xin một số ý kiến về chuyện tình cảm riêng tư của cá nhân tôi”.

Anh thú nhận rằng trước đây không bao giờ anh nghĩ có ngày lại phải đau đầu vì mấy chuyện tình cảm, phải đắn đo cân nhắc chọn lựa con đường đi ở lứa tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Anh cũng cẩn thận hỏi rằng câu chuyện của anh có ghi hình, ghi âm gì không, có được phát tán trên mạng xã hội không. Tôi khẳng định, cuộc trò chuyện của anh và tôi sẽ không phát sóng, ghi hình, nhưng nếu vấn đề của anh có tính thời sự, có tính truyền thông, có thể nó sẽ được sử dụng cho các bài viết, nhưng tên, tuổi, địa chỉ của người trong cuộc đã được thay đổi hoàn toàn. Người đàn ông tỏ ra yên tâm, chỉ nói thêm rằng chuyện của anh không vi phạm pháp luật, không xấu xa, đồi bại, chỉ là anh không muốn vợ hay các con của anh biết rằng có lúc anh đang đặt họ lên bàn cân như lúc này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quay trở lại quá khứ ba mươi năm về trước, anh Minh khi ấy là một sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc, lại ở tỉnh lẻ, không có hộ khẩu Hà Nội. Anh sống ở nhờ nhà bà chị họ để hàng ngày đi làm hợp đồng cho một cơ quan, nơi người ta hứa hẹn khi nào có bác nào về hưu, trống chỗ, sẽ tạo cơ hội cho anh vào biên chế. Minh quyết tâm bám đất Thủ đô, bởi nơi đây có Hương, người yêu của anh từ năm thứ hai đại học. Mối tình của họ đẹp, trở thành mẫu mực cho sinh viên toàn khoa. Các thầy cô vẫn lấy đôi trẻ Minh – Hương làm ví dụ cho việc, nếu sinh viên có ý chí, có nghị lực, có lối sống vững vàng thì vẫn vừa yêu, vừa có thể học giỏi và tham gia công tác xã hội, cộng đồng. Ngày ấy người ta nói nhiều đến “tình yêu ri-do” của sinh viên, nhưng họ thì không, tuyệt đối trong sáng, giữ gìn.

Hương cũng là cô gái đến từ tỉnh lẻ, nhưng xinh đẹp, gia đình khá giả bởi bố mẹ đều là dân kinh doanh (ngày ấy gọi là dân buôn). Tình yêu đẹp đã trở thành động lực cho cả hai trong suốt 4 năm sinh viên học xa gia đình. Ra trường, Minh thì làm hợp đồng như anh đã kể, còn người yêu của anh được nhận vào làm cho một chuyên san viết về tuổi học trò, tuổi mới lớn. Anh đã từng mơ đến ngày được vào biên chế, mơ đến ngôi nhà và những đứa trẻ…

Đùng một cái Hương nói chia tay anh. Lý do mà cô ấy nói chỉ là “sẽ tốt cho cả hai người”. Nhưng sau này Minh mới biết rõ là vì cô ấy yêu và kết hôn với một thầy giáo trong khoa, nơi hai người đã học. Sau đó, Hương theo “thầy” sang Đức để thầy nghiên cứu sinh, làm luận văn tiến sĩ. Từ đó hai người cắt đứt mọi liên lạc.

Về phần mình, Minh thú nhận là anh đau đớn và cảm thấy xấu hổ với mọi người. Anh đã trót trở thành “tấm gương sáng” cho bao nhiêu sinh viên noi theo, giờ bị người yêu “đá” chỉ vì mình nghèo, không có công ăn việc làm, không nhà cửa, không tương lai. Nhưng với bản lĩnh của một “cán bộ đoàn”, Minh nén nỗi đau, cố gắng sống khẳng định bản thân.

Bốn năm sau anh cũng được vào biên chế, trở thành “cán bộ nhà nước”. Hai năm sau nữa anh lấy vợ, một giáo viên dạy cấp ba, thông minh, mẫu mực, gia thế tử tế, lối sống đàng hoàng, là Đảng viên trẻ. Những năm sau đó, lần lượt hai đứa con ra đời. Kinh tế gia đình anh chị tạm đủ ăn, đủ mặc, có tích lũy chút đỉnh là nhờ vợ anh chăm chỉ tham gia các lớp dạy thêm, chứ còn lương cán bộ công chức hạng trung như anh… đủ ăn là may. Hiện nay, hai con của anh đã trưởng thành, một cháu đã đi làm, một cháu sắp tốt nghiệp đại học. Vợ anh giờ đã là cán bộ quản lý, tuy nhiên vẫn tham gia giảng dạy và cũng chỉ ít năm nữa là cô ấy nghỉ hưu. Cuộc sống gia đình của anh chị cứ thế, không có gì xáo trộn, nếu không có cuộc gặp gỡ các bạn học trong ngày hội “Ba mươi năm ngày trở về”.

Vì kỷ niệm năm chẵn, đúng 30 năm ngày ra trường, nên Ban liên lạc đã chuẩn bị rất kỹ, từ trước đó cả năm, mời được tất cả các thầy cô giáo và bạn học đang công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí ở cả nước ngoài. Bất ngờ, trong sự kiện ấy, anh gặp lại Hương, giờ là “Madam Hương”, người yêu cũ của anh, trở về từ nước ngoài. Anh thú nhận, anh vẫn hồi hộp và rụt rè khi cầm tay cô ấy. Cô ấy thì tự tin, nhanh nhẹn, chủ động, mạnh mẽ. Sau lễ hội chung của khoá, của lớp, hai người đã hẹn hò đi cà phê với nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong cuộc gặp gỡ ấy, chị Hương là người chủ động nói nhiều, còn chính anh Minh lại ngồi nhâm nhi những kỉ niệm cũ. Chị Hương cho biết, theo chồng sang đó, định cư và nhập tịch được một thời gian thì Hương cũng ly hôn với “ông thầy”, khi ấy là tiến sĩ, để kết hôn với một doanh nhân người Trung Đông giàu có. Hương nói không muốn sống trọn đời ở nước ngoài, mà muốn làm bà chủ giàu có khi trở lại. Trong những năm làm vợ doanh nhân Trung Đông, cô ấy đã kiếm được khá vốn, thường xuyên gửi về cho gia đình, nhờ họ đầu tư đất đai. Hiện nay cô đã có nhà ở vài thành phố ven biển, có biệt thự cho thuê.

Năm ngoái, cô đã ly dị người chồng giàu có, và vì thế có một số vốn liếng để đợt này về “quyết định làm lại cuộc đời”. Cô tính đầu tư vào lĩnh vực nhà nghỉ, khách sạn, làm đẹp và du lịch. Chuyến về hội lớp nhân ba mươi năm ngày ra trường lần này, cô muốn được gặp anh để chuộc lỗi, để muốn cùng anh thực hiện một số dự án kinh doanh. Nếu anh vẫn còn tình cảm, không hận cô ấy, cô ấy muốn cùng anh sống vui vẻ, hạnh phúc, giàu có ở quãng đời còn lại. Cô ấy nói chỉ cần anh đồng ý, còn việc gia đình anh, anh cứ từ từ giải quyết, cô ấy đợi được. Anh Minh nói rất xúc động, không phải vì sự giàu có của cô người yêu cũ, mà vì cô vẫn nghĩ đến anh, mong muốn mang lại cho anh hạnh phúc và sự giàu có. Đặc biệt cô ấy vẫn trẻ, vẫn đẹp, có khi còn hơn trước đây. Cả tháng nay anh sống trong mộng mị, bất an. Anh cứ như người đứng giữa ngã ba đường, muốn quyết định dứt khoát, bước sang trái hay rẽ phải, nhưng anh không làm được. Bất đắc dĩ, anh mới phải đến gặp “những người không quen biết” để nhờ họ tháo cho anh cái "nút thắt", để anh sống yên ổn hơn với lề trái hay lề phải…

Sau khi người đàn ông cởi mở, chia sẻ hết câu chuyện của mình, tôi nghĩ không cần phân tích, khuyên nhủ gì “người trí thức” này, chỉ gửi tới anh ấy vài câu hỏi, để anh ấy tự trả lời. Thứ nhất, có phải anh đang đứng ngã ba đường, tức là muốn bỏ người vợ đã cùng anh đồng hành gần ba mươi năm và hai đứa con trưởng thành để “nối lại tình xưa” với một người phụ nữ đã vứt bỏ anh không thương tiếc khi anh là một người thanh niên trắng tay, để bôn ba gần ba mươi năm xứ người, làm vợ hai người đàn ông và kiếm chác được từ họ một số vốn kha khá? Thứ hai, nếu anh nghĩ sẽ đến với người phụ nữ đã từng là vợ của một tiến sĩ và vợ của một doanh nhân Trung Đông giàu có, anh là người “có cái gì?” để hấp dẫn hay níu giữ người phụ nữ có cá tính mạnh như "Madame Hương"? Thứ ba, có phải cả đời anh nghèo khó, chưa bao giờ có nhiều tiền, nên thấy ai giàu là sáng mắt lên, nhất là khi người ta hứa hẹn sẽ cho anh “đồng hành” với số tài sản lớn mà anh chưa tận mắt nhìn thấy? Anh thèm tiền đến thế hay sao? Ba mươi năm qua anh đã nhịn đói, mặc rách bữa nào chưa? Tiền của người ta chứ có phải của anh đâu? Người đi cùng với “bà chủ giàu có” đôi khi chỉ là “cậu lái xe” hay “chú bảo vệ”, chứ không hẳn là ông chủ đâu. Thứ tư, anh sẽ giải thích lý do gì để chia tay vợ, để đến với “Madam Hương”? Xin anh đừng nói đến hai chữ “tình yêu”, đừng tự lừa dối mình và người khác nhé, người ta tỉnh táo nhận ra ngay mà, chỉ có anh có thể còn “ngộ nhận”. Cuối cùng, một người đàn ông trưởng thành, sắp qua tuổi trung niên, bước lên bậc “người có tuổi”, anh cần gì cuộc sống lúc này? Sức khoẻ, bình an, gia đình yên ổn, vợ con thương yêu, kính trọng, bạn bè đồng nghiệp yêu thương, nể trọng... có đúng thế không? Nếu đúng, anh đã có đủ chưa? Anh còn thiếu gì? Anh có còn được những thứ đó, nhất là sự thanh thản, bình yên trong lòng, khi liều lĩnh… vượt qua tất cả để bước sang “bờ bên kia?”.

Tôi nhắc anh hãy về, suy nghĩ và tự trả lời tất cả những câu hỏi trên, rồi đến gặp chúng tôi hoặc nói chuyện qua điện thoại cũng được, nhưng không thấy anh gọi lại…

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.