Về Hạ Mỗ, khám phá nét đẹp văn hoá của kinh đô xưa

Chia sẻ

Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng vừa được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp thành phố. Vùng đất cổ ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km là điểm đến thú vị với bề dày truyền thống lịch sử, nhiều di tích và danh thắng độc đáo cùng những nét văn hoá dân gian đặc sắc mà ít nơi có được.

“Làng chúng tôi Đế vương đất cũ”

Những năm gần đây, Đan Phượng là huyện nông thôn mới điển hình của thành phố Hà Nội. Tại các xã và thị trấn, trong đó có xã Hạ Mỗ, đường làng ngõ xóm được cải tạo khang trang rộng rãi, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Song, không vì thế mà những nét đẹp văn hoá truyền thống của địa danh vốn là kinh thành cổ - thành Ô Diên, một thời là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI dưới triều Hậu Nam Đế Lý Phật Tử (thời kỳ tiền Thăng Long) và cũng là vùng đất sinh ra Tô Hiến Thành - vị quan Thái úy nổi tiếng dưới 3 triều Vua Lý bị phai mờ.

Các cụ, các bác cao tuổi ở làng cổ Hạ Mỗ “nằm lòng” những câu ca truyền miệng: “Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa/Và… đất này là đất cố đô/Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ” như lời chào đầy tự hào với du khách phương xa về thăm quê. Trong những ngày “sống chậm” này, dành những ngày nghỉ cuối tuần để khám phá Hạ Mỗ quả là hữu ích và ý nghĩa bởi hiếm có làng cổ nào ven sông Hồng lại có đến 7 điểm di tích lịch sử còn lưu lại dấu ấn, chứng tích của lịch sử. Theo chân người dân làng đi trên con đường rộng rãi, sạch sẽ và thoáng đạt, chúng tôi gọi đây là tour du lịch làng rất độc đáo và hấp dẫn.

Qua những thăng trầm của lịch sử cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, ở làng Hạ Mỗ, thật khó tìm kiếm chính xác những dấu tích về thành lũy với các hợp phần như kiến trúc, hình dạng, vật liệu tạo thành và vị trí cụ thể… như những địa danh. Song, du khách vẫn cảm nhận sâu sắc sự uy nghiêm, cổ kính trên những cổng làng xưa, bức tường rêu phong, câu đối cũ, nét kiến trúc độc đáo ở đình, đền, chùa… Những dấu tích ấy vẫn được bà con dân làng gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn, là minh chứng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường của nhân dân từ thời Lý, Trần, Lê…

Trong những di tích lịch sử hiện có ở làng Hạ Mỗ thì đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến và chùa Hải Giác là những di tích lịch sử tiêu biểu, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Đình Vạn Xuân - một trong những di tích lịch sử quốc gia của làng Hạ MỗĐình Vạn Xuân - một trong những di tích lịch sử quốc gia của làng Hạ Mỗ

Đình Vạn Xuân nằm ở trung tâm làng, xây dựng theo hướng Tây, là tâm đối xứng của hai ngôi đền Hàng Văn (Văn Hiến Đường) và đền Hàng Võ (Tri Chỉ đường) ở hai đầu Bắc - Nam của làng. Đình Vạn Xuân thờ Lý Bát Lang và phối thờ Hậu Nam Đế Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang và Biệt súy Lý Phổ Đỉnh - những nhân vật nổi tiếng thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VI). Đình được xây cất trên khu đất rộng, với những nét kiến trúc độc đáo, quy hoạch khác biệt với nhiều ngôi đình nổi tiếng hiện có ở Việt Nam. Thay vì quy hoạch theo kiểu “chữ nhất”, “chữ nhị”, “chữ công”, “chữ môn”, đình Vạn Xuân quy hoạch theo cấu trúc “nội công ngoại quốc” với 10 nóc nhà liên kết tạo thành (không kể hai nhà tả mạc và hữu mạc phía trước). Hệ thống cửa bức bàn kéo dài suốt mặt trước cùng tiền sảnh nhà đại đình vươn cao phảng phất bóng dáng của một hành cung, dinh thự lớn dưới thời phong kiến trước đây, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kiến trúc đình làng Việt Nam.

Ở đầu làng, đền Văn Hiến nằm trên khu đất cao bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ. Xưa kia đền Văn Hiến là văn chỉ thờ Khổng Tử, nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây. Qua nhiều lần trùng tu, đền được mở rộng nhưng những giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như bộ bia Khoa Tràng ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi; các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ Kim Truyền lục” với hơn 500 bài chia làm 4 tập Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh do các nho sĩ trong làng sáng tác và xuất bản vào đầu thế kỷ 20; thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… Đây là những tư liệu quý được ví như “kho báu văn hóa” của làng, góp phần minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa.

Về Hạ Mỗ, khám phá nét đẹp văn hoá của kinh đô xưa - ảnh 2

Rời đền Văn Hiến, điểm đến tiếp theo của du khách chùa Hải Giác ra đời từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ có địa vị trung tâm của đất nước, kinh đô một thuở của nhà nước Vạn Xuân. Chùa được xây dựng trên khu đất bằng phẳng với các kiến trúc bộ phận được bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông - Tây. Phía trước là Tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song; cuối cùng là tòa Đại đường. Trải qua hơn 10 thế kỷ tồn tại, qua nhiều lần tu bổ nhưng về cơ bản, chùa vẫn không khác nhiều so với ban đầu nên đây là ngôi chùa cổ kính, thâm trầm và uy nghiêm. Bao quanh khu kiến trúc là giếng nước dựng lầu Quan Âm, vườn Tháp, vườn cây xanh rộng lớn để tạo ra không gian thanh u tĩnh mịch cho cửa Thiền, đem lại sự hài hòa giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo cho di tích những vẻ đẹp độc đáo gần gũi với cuộc sống con người; mang lại cho du khách cảm giác bình an, tĩnh lặng và linh thiêng ở chốn cửa Phật, bỏ lại bên ngoài sự xô bồ, ồn ã của cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ được hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn có từ hàng trăm năm nay, vẫn giữ nguyên được màu sắc nguyên thuỷ nên được xem là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Thưởng thức cháo se bằng đũa

Sau hành trình khám phá du lịch tâm linh và nét văn hoá đặc sắc của lịch sử làng Hạ Mỗ, du khách dừng chân và thưởng thức các món ăn đặc sắc. Vùng đất cổ nằm bên 3 sông lớn là sông Nhuệ, sông Hồng và sông Hát, quanh năm phù sa bồi đắp, lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp rất phong phú. Vì vậy, từ xa xưa, bà con chế biến nhiều món ăn ngon nổi tiếng như bánh gio, đậu phụ, bột sắn dây, nổ nén (loại bánh làm bằng gạo nếp rang trộn với mật mía rồi nén lại thành khối vuông)… Đặc sắc và độc đáo nhất là cháo se ăn bằng đũa mà rất ít địa phương trong cả nước có món này.

Những ngày đầu hè nóng nực, về thăm gia đình một người bạn ở làng Hạ Mỗ, tôi được gia đình thiết đãi món cháo đặc sản. Thoạt nghĩ, cháo - món ăn quen thuộc với rất nhiều người dân Việt từ thuở lọt lòng mẹ nên đoàn khách chúng tôi nửa hờ hững nửa tò mò. Các bà, các chị trong nhà, người lấy gạo tẻ trắng vo sạch, ngâm nước; người đi chợ mua xương lợn, dóc lấy thịt nạc, rửa sạch, băm nhuyễn, để riêng rồi xào săn, phần xương cho vào nồi gang, bắc bếp ninh nhừ. “Vẫn là cách nấu cháo thông thường thôi chứ chưa thấy gì đặc sắc” - trước những thắc mắc của tôi, anh bạn chủ nhà chỉ tủm tỉm cười rồi mang gạo ra đầu làng xay. Trong lúc chúng tôi đi thăm quan làng, anh bạn ở nhà nén gạo, bỏ nước như cách làm các bà xưa vẫn bánh trôi, bánh chay. Cuối giờ sáng, nước lọc bỏ hết, chỉ còn lại những tảng bột trắng tinh, mềm mịn. Người nhà rủ vào bếp cùng làm và chúng tôi bắt đầu có những trải nghiệm lý thú, đặc sắc.

Cháo se ăn bằng đũa độc đáoCháo se ăn bằng đũa độc đáo

Thay vì đổ bột vào nồi và khuấy đều, người làng Hạ Mỗ vo từng nắm bột trên tay và xe đều. Do là bột gạo tẻ nên lúc đầu làm chưa quen, chúng tôi còn gặp đôi chút khó khăn vì bột bở, không nhiều chất kết dính. Sau vài lần quen, ai nấy đều rất thích thú. Cục bột tròn xoe đều trên tay thành những dải bột như sợi, to tròn như chiếc đũa ăn cơm. Cứ se như thế, sợi gạo dài xuống nồi nước đang sôi thì các bà lại lấy tay ngắt và se tiếp. Để các sợi không dính vào nhau và không bén nồi, thi thoảng các bà lại ngừng tay, lấy đôi đũa cả khuấy và gạt nhẹ để các sợi bột ngắt ra thành từng đoạn ngắn. Đun sôi trong nước dùng, các sợi bột dần ngả từ trắng trong sang trắng đục, nồi cháo cũng dần dần sánh đặc. Se hết bột gạo, chỉ còn một người ngồi nấu, thi thoảng khuấy đều cho đến khi cháo chín hẳn rồi mới nêm gia vị, chút nước mắm ngon cho vừa miệng rồi tiếp bát thịt băm xào săn vào đảo đều.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Cháo se là món ăn truyền thống của làng, được thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau nên những người phụ nữ của làng đều biết nấu cháo se. Để có nồi cháo se ngon, người làng thường dùng nồi gang có khả năng giữ nhiệt tốt, giúp cho món ăn chín đều, chín nhừ mà không bị bén nồi gây cháy hoặc khê. Đặc biệt, khi ăn cháo se, người làng không dùng thìa để thưởng thức mà dùng đũa tạo nên sự đặc sắc, khác biệt cho món ăn. Còn với những du khách, trải nghiệm quá trình nấu cháo se quả là đáng nhớ. Khi thưởng thức, thay vì dùng thìa xúc từng thìa nuốt chửng một cách đơn điệu thì nay, chúng tôi ăn một cách chậm trãi, gắp từng sợi bột to mềm, dẻo và dai, từ từ thưởng thức vị ngọt đậm đà của xương hầm thoảng thơm của gạo quê trong mùa gặt mới… Hiện nay, ngoài Hạ Mỗ, cháo se được nấu ở một số xã khác của huyện Đan Phượng, thậm chí ở Hoài Đức, bà con một số xã còn nấu để bán thành món ăn sáng, mang nét đẹp văn hoá ẩm thực lan toả ra các địa phương.

THU TRANG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.