Vì ông từng là một người lính

Chia sẻ

Mỗi lần thấy ông mặc bộ quần áo xanh quân ngũ đã ngả màu, con cháu trong nhà có khi lại hờn dỗi bảo: “Quần áo đẹp con cháu mua đầy ông không mặc, ông cứ mặc mãi mấy bộ quân phục đã cũ”. Ông tóm tém cười: “Vì ông từng là một người lính mà”.

Ông thích lắm mỗi khi ai đó gọi mình với cái tên “Ông Sơn thọt”. Đó chẳng phải là khiếm khuyết cần che giấu, trái lại ông xem như một “niềm vui nho nhỏ” mỗi khi ngồi bên con cháu, hồi cố lại “sự tích” cái chân thọt của mình. Đó là khi ông được dịp kể về thời lính chiến với tất cả niềm nhớ thương, xúc động. Nghe ông kể bằng giọng hào sảng đầy chất lính, ai cũng được trải qua những cung bậc cảm xúc như chính người trong cuộc vậy.

Ông Sơn tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới tròn 22 tuổi, cái tuổi xuân xanh tràn đầy sức sống và đẹp nhất của một đời người. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, ông đã sát cánh cùng đồng đội thực hiện lý tưởng cao đẹp của thời đại bấy giờ, rằng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ông trở về, trên người đầy thương tích, một chân phải bị thương nặng, dần teo lại, dẫn tới bước đi khó khăn, tập tễnh. Hàng xóm láng giềng tỏ lòng thương cảm, ông cười lạc quan: “Tôi vẫn còn may mắn gấp trăm ngàn lần so với những người đồng đội đã nằm xuống nơi biên cương. Được trở về, với tôi là quá hạnh phúc rồi”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống với những người bình thường, lành lặn sau chiến tranh đã khó khăn, với một người thương binh thọt chân như ông Sơn lại càng khó khổ trăm bề. Vậy mà, ý chí, nghị lực; sức bền bỉ, dẻo dai vốn được tôi luyện trong những năm tháng chiến tranh đã tiếp thêm niềm lạc quan, tin tưởng để ông luôn hướng về tương lai tươi sáng và những điều tốt đẹp phía trước.

Quê nhà nghèo khó, ông khăn gói lên Tây Nguyên lập nghiệp. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ, tốt lành đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông có người vợ hiền tảo tần, sát cánh kề vai, yêu thương ông từ lúc còn tay trắng. Ông có những người con cần cù, chăm chỉ, noi gương bố, học tập, lao động, tích cực xây dựng, làm giàu cho quê hương, đất nước. Ông có cả chục đứa cháu khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Đó là niềm vui to lớn của cuộc đời người thương binh như ông mà không phải ai cũng may mắn có được.

Mỗi khi con cháu tụ họp về thăm ông bà, “quà” ông tặng chúng vẫn là những câu chuyện kể “ngày xưa” kèm với lời say sưa phân tích, bình luận, đặc biệt là “sự tích” về cái chân thọt của ông. Ông bảo, đó là trong một trận chiến ác liệt và đẫm máu! Đạn pháo kẻ thù rót xuống kinh hoàng, đồng đội của ông chỉ còn một vài người sống sót. Trong làn đạn như mưa trút, ông được đồng đội bao bọc nên may mắn sống sót. Khoảnh khắc cận kề cái chết cũng như chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội khiến ông lần nào kể lại, giọng vẫn cứ run run, nghẹn ngào...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bộ quân phục cũ, ông giặt và cẩn thận xếp gọn gàng trong chiếc rương gỗ màu cánh dán đã sờn; đợi những dịp lễ quan trọng mới đem ra mặc. Đó là những ngày lễ hoặc ngày ông có dịp được đi viếng những người đồng đội đã khuất, được đứng trước những tấm bia đá khắc tên họ, thắp nén nhang tưởng nhớ, thành kính biết ơn. Bộ quân phục ấy cũng theo ông trong những lần đi gặp mặt hội cựu chiến binh, họp tổ Đảng, những lần gặp lại đồng đội cũ. Khoác lên người bộ quân phục, thắp nén nhang thơm trên bàn thờ Bác Hồ và di ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặt tay lên ngực trái, trái tim người lính vẫn căng tràn nhiệt huyết và niềm lạc quan cách mạng như đang thề một lời thề son sắt, thủy chung.

Cuộc đời của người lính già dẫu còn mang trên mình bao đau thương nhưng ông Sơn vẫn chưa bao giờ thôi lạc quan, cố gắng. Ông luôn tự nhủ mình cần phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội, của phẩm chất truyền thống một người lính Cụ Hồ.

XANH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.