GỬI MẸ

Chia sẻ

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là ngôi sao chói sáng về kịch và cả thơ ca. Trong số nhiều thi phẩm, tôi rất tâm đắc bài "Gửi mẹ" của thi sĩ. Bài thơ là tiếng lòng chan chứa yêu thương, tri ân mẹ, người đã tần tảo, đảm đang, suốt đời chăm lo, hy sinh vì gia đình và đất nước.

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ chẳng bao giờ làm mẹ xót xa

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai

Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng
Đêm nay mẹ nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi?
Suốt cuộc đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi

Lo trước mọi điều, mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước ánh nhìn của mẹ

Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.
                                           Lưu Quang Vũ

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Bài thơ gồm hai mươi bảy câu thơ tự do phóng khoáng, nhiều cung bậc cảm xúc, ngôn ngữ thơ bình dị nhưng ý nghĩa sâu sắc khiến lòng người rung động. Những câu mở đầu nêu lên một chân lý hiển nhiên tự ngàn đời nhưng không phải ai cũng nhận ra: "Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ". Đứa con là món quà vô giá mà cuộc đời ban tặng nên có người mẹ nào lại không yêu thương, nuôi dưỡng, chăm lo cho con mình? Điều mới mẻ nữa tác giả nêu trong câu thơ tiếp lại là một phản đề, một chân lý không phải người con nào cũng dám thừa nhận: "Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta".

Thực tế, có ai yêu thương con bằng mẹ và có ai thương yêu mẹ bằng con? Nhưng tuổi trẻ vốn dại khờ, bồng bột, tác giả tự nhận mình là đứa con làm mẹ lo lắng, buồn nhiều nhất. Có lẽ do con trai hiếu động, thích làm theo ý mình? Hay bởi lòng mẹ mênh mông, dạt dào, bao dung như biển lớn? Hai câu thơ trên bình dị như không một chút dụng công nghệ thuật nhưng chạm tới trái tim người đọc bởi sự chân thành và sâu sắc đã khái quát lên những thông điệp cô đọng nhất của mối quan hệ mẹ - con trong mỗi gia đình. Hiểu rõ được điều ấy, chủ thể trữ tình nhận lỗi với mẹ, tự trách mình đã làm nhiều việc sai trái, hành động nông nổi, “ương ngạnh”, "mải chơi trốn học", mắc "nhiều lỗi lầm" khiến mẹ buồn phiền.

Tuổi trẻ giàu khát vọng và ước mơ nhưng giờ đây người con chẳng ước gì cho cá nhân mình mà chỉ nghĩ đến mẹ: “Ước mẹ trẻ hoài như hồi mới gặp cha" để cho con "được sống suốt đời bên mẹ". Không những thế, phần thơ còn nêu lên giả định: "Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể/ Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai". Hai hình ảnh thơ "chẳng nề/ xuống bể" và "chẳng ngại/ lên ngàn" đối nhau cân chỉnh cho thấy tấm lòng hiếu nghĩa và sự quan tâm chân thật của người con trai mong báo đáp một phần ân tình của mẹ. Bao năm tháng gần gũi, người con thấu hiểu: "Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc/ Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà". Đất nước, quê hương nhờ có những người có tầm nhìn và đảm đang như mẹ, biết dự liệu: "Lo trước mọi điều... mắt thấu tận đường xa" và "quen vất vả chẳng quản gì sương nắng" nên "Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ", nhân dân ta mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Dẫu cuộc sống có phức tạp thì: "Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù/ Đều nát vụn trước ánh nhìn của mẹ". Bài thơ kết thúc bằng lời tâm nguyện: "Dẫu cuộc đời là con đường dài thế/ Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai/ Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi!". Dấu chấm cảm khép lại bài thơ hàm chứa biết bao cảm xúc. Mẹ là ngọn lửa luôn cháy sáng hết mình để tiếp thêm năng lượng cho các con. Đây cũng là lời tác giả tâm niệm với bản thân: Giữ gìn truyền thống của gia đình, đi tiếp con đường mẹ cha đã đi. Những câu này quyết không phải là lời hứa suông. Thực tế cả cuộc đời trải bao gian lao sóng gió mà vinh quang của Lưu Quang Vũ đã là minh chứng hùng hồn cho lời tự hứa ấy. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng giá trị thẩm mỹ và nhân văn của bài thơ vẫn rất mới mẻ. Cùng nhiều nhà thơ khác, Lưu Quang Vũ đã góp phần đáng kể xây nên tượng đài Mẹ Việt Nam "Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang".

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.