Chung tay san sẻ để không “đứt gãy” những bữa ăn

Chia sẻ

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến cuộc sống mưu sinh của những người lao động nghèo, chị em phụ nữ di cư, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… ngày càng khó khăn, vất vả hơn.

Để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bớt đi nhọc nhằn, lo toan; để những bữa ăn không bị “đứt gãy”, nhiều cá nhân tại Hà Nội đã chung tay hỗ trợ bằng việc làm thiết thực như phát cơm, bánh mỳ, lương thực thực phẩm miễn phí…

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Cô Nguyễn Thị Thơ quê gốc ở Nam Định, lên Hà Nội bán hàng từ nhiều năm nay. Hàng ngày, cô Thơ cùng chị em trong xóm trọ nghèo ở phường Phúc Xá lấy hàng tại chợ đầu mối rồi toả đi bán hàng tại các phố phường, chợ dân sinh. Tuy mưu sinh vất vả nhưng mỗi ngày, các cô các chị đều để được ra một ít tiền, gửi về quê phụ giúp bố mẹ già và gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19, việc kinh doanh của những nữ lao động di cư này vất vả hơn. Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, các gánh hàng rong trên phố tạm dừng hoạt động. Không đi bán hàng khiến chị em không có thu nhập, trong khi vẫn phải chi trả tiền nhà, tiền điện nước và sinh hoạt hàng ngày. Cô Thơ cho biết: Những ngày nghỉ hàng chị em chỉ quanh quẩn ở nhà trọ, không dám đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Sốt ruột và lo lắng, không bán hàng cũng phải tìm kiếm việc làm, có ai quen biết giới thiệu làm thêm theo giờ là chị em sẵn sàng nhận việc, trang thiết bị phòng dịch (khẩu trang y tế, nước sát khuẩn) đầy đủ để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Tuy phải lo toan nhiều, điều an ủi với cô Thơ và các chị em ở xóm trọ là họ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Chỉ một ngày sau khi thành phố thực hiện Công điện 15, chị Thơ được một số nhà hảo tâm hỗ trợ 5kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, gia vị; một số khác thì tặng mấy món đồ khô. “Thế là chúng tôi yên tâm có cơm, có canh trong vòng nửa tháng rồi, còn lại chị em tiết kiệm để có thêm rau dưa hàng ngày. Chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để cuộc sống sớm trở lại bình thường, người lao động được đi làm kiếm sống” - chị Thơ chia sẻ.

Không chỉ lao động di cư, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; trong đó có hơn 130 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng. Trước đây, một số người bệnh có thể làm thêm các công việc như thu gom phế liệu, bán nước… có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống và thuốc thang. Khi dịch bệnh bùng phát, các bà, các chị phần lớn đều ở nhà trọ. Thấu hiểu những nhọc nhằn của người bệnh, thời gian gần đây, nhiều cá nhân đã nấu cơm, mang đồ ăn thức uống đến hỗ trợ. Với người có bệnh, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, họ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ, chiến thắng bệnh tật. Tuy nhiên, với bệnh nhân chạy thận, phải ăn vừa đủ nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng; ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận. Vì vậy, những suất cơm nóng hổi và thơm ngon được các nhà hảo tâm mang đến tận nơi, có hôm thêm cả sữa chua, hoa quả khiến bà con ở xóm rất cảm động và yên ấm lòng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có bao nhiêu san sẻ giúp đỡ nhau bấy nhiêu

Cửa hàng số 55 phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm là địa chỉ thường được nhiều chị em làm nghề thu gom phế liệu, các bác đạp xích lô, bán hàng rong lui đến để nhận các suất bánh mỳ chả miễn phí. Chị Hà - chủ cửa hàng chia sẻ: Với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời khó khăn vượt qua dịch bệnh Covid-19, chị và một số người bạn hàng ngày tự tay thái từng miếng chả miếng thịt, lát dưa chuột, kẹp sẵn vào bánh mỳ rồi xếp ngay ngắn trong chiếc hộp nhỏ. Bà con khó khăn và người lao động nghèo có thể mở hộp lấy bánh dùng bữa. Dịch bệnh Covid-19 khiến ai cũng khó khăn nhưng những người nghèo đi bán hàng rong, thu gom phế liệu, làm giúp việc… ở quanh mình còn khó khăn hơn. Hơn lúc nào hết, họ cần được giúp đỡ, mình có đến đâu giúp đến đó, khi thì miếng bánh, lúc gửi tặng chai nước, chiếc khẩu trang phòng dịch, tuy giá trị không lớn nhưng giúp ích được đến đâu, tốt đến đấy. Đó cũng là tấm lòng, tình cảm của gia đình và người thân dành cho bà con. Từ đầu tuần này, Hà Nội thực hiện Công điện số 15, cửa hàng chị Hà phải đóng cửa. Tuy nhiên, tinh thần thiện nguyện của chị thì không dừng lại. Chị và người thân hàng ngày làm bánh để gửi tặng các nơi như bệnh nhân nghèo ở viện Nhi, bệnh nhân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, chị em lao động di cư… với số lượng bánh không hạn chế.

Cùng với nhóm của chị Hà, những ngày này, nhóm từ thiện Cơm nhân ái ở số nhà 14B phố Bảo Khánh, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục duy trì việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa: cung cấp các suất cơm miễn phí cho người nghèo, người lao động khó khăn và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đây, khi dịch chưa bùng phát mạnh, cứ đến bữa trưa, từng suất cơm nóng được bao gói cẩn thận, sạch sẽ để ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ trước cửa nhà số 14B Bảo Khánh, người nào cần có thể qua lấy để dùng bữa. Ngoài ra, vào các ngày cố định, các thành viên trong nhóm chuẩn bị thêm các suất ăn để chuyển đến các bệnh viện, vừa gửi tặng y bác sỹ tuyến đầu, vừa gửi tặng bệnh nhân. Gần đây, một khu vực của bệnh viện Thanh Nhàn bị phong tỏa, hàng tuần nhóm đã gửi tặng 200 suất ăn vào trưa thứ 4 và 90 suất ăn vào chiều thứ 6. Qua gần 2 năm dịch bệnh Covid-19, chị Nguyễn Thị Cát Lệ - đại diện nhóm từ thiện Cơm nhân ái cho biết: Dịch bệnh đợt này diễn ra trên diện rộng, phức tạp hơn, cuộc sống của người nghèo khó khăn hơn. Vì thế, số người nhận hỗ trợ các suất cơm tăng lên, có ngày nhóm phục vụ đến 200 suất ăn. Bà con đến nhận cơm đều là người lao động nghèo, bán hàng rong, chạy xe ôm, đạp xích-lô vất vả và lam lũ.

Người lao động nghèo thường ăn uống tiết kiệm trong khi làm việc nặng nhọc. Hơn nữa, với tâm niệm “của cho không bằng cách cho”, các thành viên trong nhóm từ thiện đều cố gắng để có suất ăn đầy đặn và đủ dinh dưỡng, giúp người nhận cơm ăn ngon miệng, có năng lượng, có sức để làm việc. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, các thành viên đều nghiêm túc thực hiện quy định phòng dịch của Bộ Y tế và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến đồ ăn thức uống. Ở nhóm chị Hà hay chị Lệ, các thành viên đều là người thân trong gia đình, mỗi người một chân một tay, người nhận nhiệm vụ đi chợ từ sáng sớm để lựa thực phẩm; người nhận đứng bếp, nấu nướng; người đóng gói, chia suất, chuyển đến từng địa điểm. Mỗi nhóm có từ 3-4 người, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu.

Hạnh phúc là được sẻ chia

Tại Hà Nội, những ngày này, dịch bệnh căng thẳng nhưng trên những con đường góc phố, vẫn có nhiều tấm lòng, tình cảm được người dân sẻ chia cho nhau để cùng thắp lên niềm tin, tiếp thêm sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19. Ở quán hàng nhỏ trên phố Hàng Bún, một nhóm thiện nguyện tổ chức nấu cơm chay phát tặng người nghèo vào các buổi trưa thứ 3, thứ 4 với dự kiến 50-80 suất nhưng thực tế, có ngày hơn 100 người nhận đồ ăn miễn phí; một bạn gái trẻ nhà ở phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, ban ngày đi làm, chiều tối đến tranh thủ thời gian nghỉ ngơi chế biến cá ngừ, nước sốt làm nhân bánh mỳ để phát tặng người lang thang, vô gia cư ở gần nhà…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sẵn lòng sẻ chia với người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng ít ai biết rằng, trong số những cá nhân có tấm lòng hảo tâm, nhiều người đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nhóm của chị Hà, chị Lệ có không ít chị em đang phải đóng cửa hàng, tạm dừng kinh doanh. Các anh chị đang phải xoay xở, tìm kiếm nguồn hàng để buôn bán thêm, vừa lo cho gia đình vừa trích một phần để san sẻ, hỗ trợ người kém may mắn hơn mình. Càng khó khăn, càng làm việc thiện tâm, các chị em càng có động lực hơn. Hễ nghe thấy ở đâu cần giúp đỡ, cần hỗ trợ là các chị em và người thân lại cùng nhau “xắn tay” tham gia nhiệt tình. Không muốn nói nhiều về việc làm của mình vì cho rằng “quá nhỏ bé” nhưng trong lời nói của họ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi được sẻ chia, giúp đỡ bà con. Đặc biệt, mỗi khi nhận được lời khen cho món ăn ngon, vừa miệng, đầy đặn hay lời cảm ơn của người nhận cơm, nhận bánh, chị em phấn khởi, vui mừng và ấm lòng vì được sẻ chia.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.